Phóng to |
Các bạn Đức cùng các đồng chí lãnh đạo QĐNDVN. Từ trái sang: Ulbrich (Hồ Chí Long), Wachter (Hồ Chí Thọ), Tạ Quang Bửu, Võ Nguyên Giáp - Ảnh tư liệu |
Nước mắt ngày về cố hươngMột trái tim, hai quê hương…
Cuộc tìm kiếm thông tin về những sĩ quan Đức trong lực lượng Việt Minh của chúng tôi bắt đầu từ một bức thư điện tử với giáo sư sử học Heinz Schutte...
Lính lê dương trở thành sĩ quan Quân đội nhân dân VN
Trong một email gửi cho chúng tôi, giáo sư Heinz Schutte tâm sự: “Đó là một câu chuyện dài để có thể viết thành một quyển tiểu thuyết.
Xuất phát từ những tư liệu về chiến tranh VN, tôi đã nhiều lần nghe nhắc đến sự hiện diện của tầng lớp trí thức nói tiếng Đức trong lực lượng Việt Minh nên tôi đã để tâm nghiên cứu đề tài “Những trí thức Đức trong hàng ngũ Việt Minh” với sự tài trợ của Trường đại học Bremen (Đức) và trong tháng 1-2004 tôi đã sang VN để dự một tọa đàm với chủ đề “Những người châu Âu tham gia hàng ngũ kháng chiến VN” do Viện Goethe và Hội Khoa học lịch sử VN tổ chức...”.
Công việc của giáo sư Heinz Schutte là một kỳ công vì ông nghiên cứu không chỉ người Đức, mà là cả cộng đồng nói tiếng Đức trong hàng ngũ Việt Minh liên quan đến Pháp, Đức, Áo... hiện diện trong chiến tranh VN từ năm 1933.
Theo ông Lưu Văn Lợi, nguyên trưởng phòng địch vận Quân đội nhân dân (QĐND) VN, người lính Đức đầu tiên tìm cách liên lạc với Việt Minh là Erwin Borchers, binh nhì thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn lê dương số 5.
Borchers thuộc nhóm chống phát xít phải tị nạn chính trị, bị đưa vào lính lê dương và sang VN. Điều rất đặc biệt là ngay trong lúc còn phục vụ lực lượng lê dương đang đồn trú ở Việt Trì, Borchers đã tổ chức một chi bộ cộng sản gồm bốn người: Golvald (Tiệp Khắc), Schroder (Đức), Frey (Áo) và Borchers, bởi vì họ đều là những người cộng sản khi còn ở chính quốc.
Cuối năm 1944, Việt Minh quyết định gặp Borchers ở ngoại thành Hà Nội giữa một ruộng lúa mà không ai ngờ tới và người tiếp xúc không ai khác hơn là đồng chí Trường Chinh, tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương...
Tháng 9-1945, Borchers, Schroder và Frey tìm đến trụ sở báo Cờ Giải Phóng xin chính thức gia nhập Việt Minh. Chính ông Lưu Văn Lợi là người lo cho họ chỗ ăn ở và tìm hiểu để bố trí công tác.
Từ đó, họ trở thành cán bộ của Việt Minh. Theo ông Lợi, ban đầu anh em trong cơ quan hay gọi những người này là “hàng binh” nhưng nhiều người nhắm chừng tên gọi này không chính xác, nhiều khi gây ngộ nhận, mặc cảm vì có người đã được phân công làm cán bộ, sĩ quan cao cấp trong QĐND VN. Chính Bác Hồ chủ trương không gọi họ là “hàng binh” và Bác đã đặt cho họ một cái tên chính xác “những người VN mới”.
Đồng chí Trường Chinh là người trực tiếp phân công cho “những người VN mới” đầu tiên trong lực lượng Việt Minh. Frey (có tên Việt là Nguyễn Dân) có khả năng quân sự cao được đưa sang làm bộ đội, sau này được phong quân hàm đại tá phụ trách an ninh khu vực an toàn khu - nơi có các cơ quan tham mưu của QĐND VN đóng quân.
Còn Borchers lại được chuyển sang làm tờ báo của cơ quan địch vận xuất bản bằng tiếp Pháp (Le Peuple - Nhân Dân) chuyên viết bình luận chính trị bằng tiếng Pháp với bút danh Chiến Sĩ, sau đó chuyển sang làm biên tập viên của Thông tấn xã VN một thời gian rồi trở lại cơ quan địch vận với quân hàm trung tá, cho đến kháng chiến thành công.
Trong khi Schroder (tên Việt là Lê Đức Nhân) ban đầu cũng được phân công viết báo, nhưng đến năm 1949 do nhu cầu công tác, Schroder được điều động ra mặt trận với quân hàm trung tá, chỉ huy một lực lượng đặc biệt tuyên truyền vũ trang mang tên William Tell gồm một nửa là người Đức và một nửa là người Việt với nhiệm vụ bao vây các đồn có lính Đức kêu gọi họ chạy sang hàng ngũ Việt Minh.
Trong quyển nhật ký chiến trường mà Schroder để lại, Schroder đã từng viết rằng: “Cả ba người chúng tôi (Schroder, Borchers, Frey) đều coi VN là tương lai, là tiền đồ của mình, chúng tôi tin chắc điều đó và thật sự đất nước VN đã trở thành đất nước của chúng tôi...”.
Còn trong những tư liệu của giáo sư Heinz Schutte công bố có một lá thư đại tướng Võ Nguyên Giáp viết gửi Schroder, lá thư ghi ngày 9-4-1948: “Tôi vui mừng được tin anh trở về từ tiền tuyến. Và rất thú vị khi thấy anh giáng cho bọn thổ phỉ một cú ngoạn mục... Thân mến, Văn”.
Những “bộ đội” đặc biệt
Chế độ sinh hoạt của “những người VN mới” những ngày đầu được ưu đãi đặc biệt, hơn cả cán bộ VN quản lý họ. Cán bộ cấp phó giám đốc chiêu đãi sở như ông Lê Vân ngày ấy chỉ được cấp 7 lạng gạo với 3 đồng tiền ăn/ngày, trong khi “những người VN mới” lại được đến 20 đồng/ngày và hằng tháng lại còn được thêm 5 đồng để tiêu vặt.
Đặc biệt đồng chí Văn Tiến Dũng còn “biệt phái” hẳn một đầu bếp tên Đô, vốn là một đầu bếp nổi tiếng, sang cho chiêu đãi sở. Đầu bếp Đô luôn nấu món Tây rất ngon cho những người lính châu Âu như xúp chân gà, gà nấu ragu, ngày chủ nhật còn có thêm tiệc rượu cocktail xôm tụ ra trò. Được đối xử tốt nên nhiều người đã công tác rất tốt.
Không chỉ riêng Schroder lập nhiều chiến công với “biệt đội Tell” với gần 40 người là “chiến binh quốc tế”, thường xuyên đóng giả lính Pháp để đột kích đánh úp đồn địch; còn có Saloten, một người Đức có tên Việt Bắc chiến đấu rất dũng cảm, được thăng cấp lên đến thiếu úy; hay Schimidberger, một trí thức Đức có sáng kiến làm một guồng nước để tận dụng các máy móc thiết bị thu nhặt được từ ôtô, xe tăng của địch bỏ lại quanh vùng để chạy quạt máy, máy cưa gỗ.
Còn có Landsraf, tên Việt là Phụng, nói tiếng Việt rất giỏi, sau khi hòa bình lập lại đã tình nguyện ở lại VN làm việc tại Đại sứ quán CHDC Đức đến tận những năm 1960 mới về Đức; hay như Stag, có tên là Hồng Chi, đã xuất bản một quyển sách về VN rất hay bằng tiếng Đức nhưng quyết ký tên Việt là Hồng Chi.
W.Kock và K.Walter đã trở thành những chiến sĩ dũng cảm, được tưởng thưởng huân chương ngay trên chiến hào và không ít người như Foké, Peter Hans... đã anh dũng ngã xuống chiến trường với quân phục của chiến sĩ QĐND VN...
Nhà sử học, phó tổng biên tập tạp chí Xưa & Nay Đào Hùng cho chúng tôi xem những tấm ảnh tư liệu quí về những người Đức trong lực lượng Việt Minh được chụp tại chiến khu Việt Bắc với các đồng chí lãnh đạo cao cấp.
Nhiều bức ảnh cho thấy nhiều người Đức đã được tin dùng và đưa vào bộ phận tham mưu của kháng chiến như Walter Ulbrich (Hồ Chí Long), Georges Wachter (Hồ Chí Thọ)... thường xuyên trao đổi công việc với các đồng chí lãnh đạo như Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Tạ Quang Bửu...
Hay như Schulze, một “người VN mới” chạy sang hàng ngũ Việt Minh tại mặt trận Nam Trung bộ từ năm 1946, cũng được đưa ra chiến khu Việt Bắc, làm việc ở Nha Nghiên cứu kỹ thuật và là người bay thử một trong hai chiếc máy bay đầu tiên của không quân VN vào năm 1949.
Ông cũng là người chế tạo thành công lựu đạn chống tăng AT theo công nghệ dập được các chuyên gia quân sự VN đánh giá rất cao. Cái tên Việt của Schulze là Nguyễn Đức Việt do đích thân Bác Hồ đặt cho và Schulze được vinh dự kết nạp vào Đảng Lao động VN.
Một nỗi niềm riêng…
Cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng, hòa cùng niềm vui của dân tộc VN, “những người VN mới” còn có niềm vui riêng, đó là ngày trở về cố quốc đã gần kề.
Theo tài liệu của giáo sư Heinz Schutte, từ năm 1951 đến cuối năm 1955, được phép của Chính phủ VN có đến bảy chuyến vận chuyển 761 binh sĩ Đức từ chiến khu Việt Bắc theo đường Bắc Kinh, Matxcơva về Berlin ở CHDC Đức.
Đầu năm 2004, bà Claudia Borchers - con gái của “chiến sĩ” Erwin Borchers, người lính Đức đầu tiên trở thành “người VN mới”, trở lại quê cha. Bà Claudia có tên VN là Việt Đức và được sinh ra giữa chiến khu ATK ở Thái Nguyên.
Bà Claudia kể: “Ban đầu mẹ tôi đã đặt cho tôi một cái tên VN: Mai. Nhưng trước ngày cha tôi đi chiến dịch Điện Biên Phủ, ông bảo phải đặt cho tôi một cái tên gợi nhớ hai dân tộc nếu một mai ông không trở về, và thế là tôi có một cái tên mới: Việt Đức.
Mẹ tôi kể lại rằng sau chiến thắng Điện Biên, đơn vị cha tôi được lệnh về tiếp quản thủ đô Hà Nội vì tôi còn quá bé, mới 4 tuổi và sợ có chuyện gì xảy ra nên ông bế tôi trên tay suốt chặng đường bộ dài 20km mới đến trạm dừng chân”.
Trở lại quê hương năm 1966, Borchers luôn nhớ về VN. Trước khi mất, ông đã gọi Claudia vào bảo muốn được rắc nắm tro tàn của mình vào nơi nào đó trên đất nước VN. “Những năm cuối đời, cha tôi như một người thiếu quê hương” - Claudia nói về người cha của mình như thế.
Schulze - Nguyễn Đức Việt cũng có một gia đình ở VN, đám cưới của Nguyễn Đức Việt với cô gái Tày Hoàng Thị Thanh được tổ chức tại sân bay Tông (Sơn Tây) vào năm 1947 cho dù Schulze đã có gia đình bên Đức trước chiến tranh, sau đó họ sinh được một bé gái cũng tại chiến khu Việt Bắc đặt tên là Nguyễn Thị Hoa và hai năm sau một bé trai lại ra đời là Nguyễn Đức Hồng.
Năm 1954, Schulze theo đoàn quân tiếp quản về đóng quân tại sân bay Gia Lâm và cuối năm 1955 về Đức mà không được phép mang theo vợ con. Sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, nhưng đó là quãng đời đẹp nhất của chị em Hoa - Hồng vì lúc nào cũng được gần cha.
Sau khi Schulze về Đức, bà Thanh ở lại tần tảo nuôi con với đồng lương khiêm tốn của một công nhân quốc phòng. Năm 1968, bà Thanh và hai con Hoa - Hồng được tin Bộ Ngoại giao VN thông báo: “Ông Schulze chuẩn bị sang VN!”.
Chưa kịp mừng thì ngày 1-7-1968 Schulze đột ngột qua đời khi đang đi công tác tại Bỉ. Những người thân của Schulze cho biết trước khi nhắm mắt ông đã gọi mãi hai từ “Hoa - Hồng”, hai tiếng yêu thương từ một quê hương, một núm ruột mà ông không bao giờ được gặp lại...
-------------------
Kỳ sau: Những người VN mới gốc Nhật
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận