Phóng to |
Ông nói: “Đời tôi có nhiều may mắn, tôi trở thành người cộng sản từ khi còn rất trẻ và đã đi trọn với lý tưởng ấy cho đến ngày hôm nay. Cả bốn anh em từ Malaysia sang giúp cách mạng VN ngày nào đều đã hi sinh trên chiến trường, chỉ mình tôi là sống sót, tôi có được một gia đình VN với vợ hiền, con ngoan như bao ước mơ dung dị của người VN”.
Chan Mun Boy: “Quê tôi ở Rạch Giá”
Ông Quang quyết định lấy vợ vào một ngày đẹp trời năm 1952, đó là cô chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phượng Bình, huyện Phụng Hiệp (Cần Thơ) tên Quan Thị Mai. Đám cưới người du kích quân Malaysia giữa chiến trường Nam bộ chỉ có một mớ bánh ngọt, ít trái cây và diễn ra trong cảnh bom đạn nổ rền trời.
Vài ngày sau đám cưới, người cộng sản quốc tế lại nhận lệnh biệt phái đi làm công tác Hoa vận ở một tỉnh khác, rồi qua lại Campuchia, Thái Lan, rồi trở lại VN nhưng hoạt động ở địa bàn tỉnh Cà Mau.
Ông tâm sự: “Đã đi làm nghĩa vụ quốc tế thì có sá gì bom đạn, nhưng sau khi có vợ và rồi hay tin có con, tôi lại càng nặng lòng hơn với mảnh đất này. Ngày vợ sinh, tôi đang công tác ở Cà Mau. Nhận được thư của vợ từ tay người giao liên, tôi liền tức tốc chèo đò suốt bốn ngày bốn đêm để kịp về nhìn mặt đứa con đầu lòng.
Do địch ruồng bố liên tục, vợ tôi không dám sinh con trong nhà mà phải cất một cái chòi nằm trơ trọi giữa đồng để sinh nở. Vừa kịp ôm đứa con da thịt còn đỏ hỏn vào lòng thì địch pháo kích, căn chòi giữa đồng cháy rụi vì trúng đạn pháo. Rất may là cả nhà tôi đã kịp nhảy xuống hầm, suýt chết trong gang tấc…”.
...Một buổi chiều cuối năm 1994, bà con ở huyện Thới Bình khá ngạc nhiên khi thấy vài chục ông già dìu dắt nhau từ tàu đò kênh Huyện Sử lên bờ và đi thẳng về phía nghĩa trang liệt sĩ, họ tìm đến một góc khuất nhất của nghĩa trang, nơi có những dãy mộ rêu phong, cũ kỹ.
Đó là nơi an nghỉ của những chiến binh thuộc tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long II đã tình nguyện chiến đấu cho cuộc chiến chính nghĩa của người VN. Đại diện của tiểu đoàn, đại tá Nguyễn Văn Hên, thắp nén hương trước vong linh những người lính đã khuất mà không cầm được nước mắt. Cái ngày đầy khí thế chiến đấu, cả tiểu đoàn với nhiều quốc tịch khác nhau cùng rời căn cứ Mai Ruột trên đất Thái về VN chiến đấu có đến 300 người, giờ này còn những ai?...
Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, do nhiều lần bị thương nên đã có lúc ông Trần Văn Quang bị rối loạn thần kinh rất nặng, trong khi điều kiện chiến tranh du kích miền Nam không thể có thuốc men lo cho ông nên năm 1970, tổ chức đã quyết định cho ông ra công khai điều trị bệnh tại tỉnh Cần Thơ.
Nhiều đồng đội kể lại rằng, trong thời gian điều trị bệnh, những lúc tỉnh táo là ông nhớ về đồng đội, về chiến khu và lại tiếp tục móc nối với giao liên từ vùng chiến khu ra để gửi thuốc men vào cho du kích chiến đấu.
Mãi đến năm 1973 khi đồng chí nữ giao liên hi sinh trên đường công tác, ông mới mất liên lạc với đồng đội. Sau năm 1975, ông lại được giao nhiệm vụ phụ trách Hoa vận huyện Vị Thanh (Hậu Giang) và sau đó về nhà an dưỡng, điều trị cùng vợ con...
Ngày ngày ông vẫn ngồi bên ô cửa nhìn cảnh vật, con người lướt qua, ông cứ khẳng định Rạch Giá, Kiên Giang là quê ông, bởi những ngày đầu tiên đặt chân lên đất nước này, ông đã chiến đấu trên chiến trường này suốt nhiều năm liền. Nhưng khi chúng tôi hỏi có bao giờ ông nghĩ về quê cha đất tổ vùng eo biển Malacca, ông Quang trầm ngâm thật lâu: “Ở một nơi xa lắm tôi vẫn có một quê nhà, một gia đình, nhưng đã không còn nữa rồi”.
(Tư liệu truyền thống của tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long II) |
Ra đi làm cách mạng quốc tế khi mới hơn 20 tuổi, gần 60 năm cống hiến một đời người cho cách mạng VN, nhưng mãi đến năm 2004 nhờ kinh phí đài thọ của Tỉnh ủy Kiên Giang, ông Quang mới có cơ hội lần đầu tiên được trở lại quê nhà - nơi mình sinh ra và lớn lên. Ông đã chuẩn bị rất kỹ cho chuyến đi này. Quê nhà ông 60 năm trước bây giờ đã thuộc lãnh thổ của Cộng hòa Singapore.
Đất nước Singapore với những dãy nhà chọc trời và tấp nập dòng xe hơi qua lại, quê ông bây giờ phát triển quá đỗi, phát triển vượt bậc so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, những người Singapore bây giờ hiện đại và luôn được thiện cảm mỗi khi bước ra ngoài, vậy mà sao đứng giữa cảnh tráng lệ nước mắt ông cứ tuôn trào, ông không còn nhận ra bất cứ một cảnh vật nào mà ông còn lưu giữ trong tiềm thức về quê nhà.
Khu nhà ọp ẹp bằng gỗ nơi ông từng sống những ngày ấu thơ với cha mẹ và ba anh em trai nay đã trở thành đại lộ, cửa hiệu nhỏ xíu bán đồ linh tinh cho xóm lao động của người anh cả mà ông đã ghé qua lần cuối cùng trước khi tình nguyện trở thành “chiến binh quốc tế” nay đã nhường chỗ cho những tòa cao ốc.
Suốt nhiều ngày liền ông lão 80 tuổi ngược xuôi tất tả khắp mọi ngõ ngách trên đảo quốc Singapore để tìm dấu vết về một mái nhà xưa, một gia đình xưa. Những con người Singapore trẻ trung, hiện đại làm sao có thể biết được, hiểu được những gì đã diễn ra 60 năm trước, khi mà quốc gia này chỉ là một bang trong đất nước Malaysia? Ông lão ở cái tuổi gần đất xa trời cứ đứng giữa những tòa nhà chọc trời mà nước mắt rơi lã chã. “Trái tim tôi đau nhói. Đứng giữa quê nhà mà tôi như kẻ xa lạ.
Tôi muốn gào thét, muốn nổ tung. Có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của người bị mất tất cả người thân, lạc lõng ngay trên chính quê cha đất tổ?...” - ông rưng rưng kể lại chuyến hồi cố hương đầy nước mắt của mình. “Ngay sau khi nhận ra điều cay đắng là không thể tìm được một người thân, họ hàng nào ở Singapore, tôi quyết định trở về VN ngay”.
Ông vẫn luôn nói nhiều về Rạch Giá quê ông, kể nhiều về những đồng đội từ thời ở căn cứ Mai Ruột, những ngày chiến đấu khắp chiến trường miền Tây Nam bộ, bởi đó chính là quê hương thứ hai của ông.
Điều bù đắp lớn nhất cho những mất mát trong cuộc đời ông chính là gia đình ông đang ở Rạch Giá tràn ngập tình yêu thương. Người con đầu lòng của ông ngày nào, đứa con mà ông phải dốc sức chèo thuyền bốn ngày bốn đêm để đi tìm gặp, nay đã là một bác sĩ công tác tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ.
Bốn người con sau cũng đều đã trưởng thành, trong đó cô con gái thứ tư - người sống chung cùng ông hiện nay - đã là thường vụ Thành ủy Rạch Giá. Và tất cả đều đi theo con đường ông đã chọn khi vượt sóng biển Malacca...
Hôm qua họ còn cầm súng phía bên kia chiến tuyến nhưng hôm nay họ đã trở thành những chuyên gia quân sự cho kháng chiến, thậm chí còn được phong quân hàm cao của Quân đội nhân dân VN. Những câu chuyện kỳ lạ chỉ có trong cuộc chiến tranh mang tên “nhân dân”…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận