05/11/2005 06:53 GMT+7

"Lưỡng thủ vạn năng" Phạm Văn Rạng

SĨ HUYÊN
SĨ HUYÊN

TT - Một buổi chiều cuối mùa hè năm 1966, hàng ngàn khán giả Malaysia rời sân vận động quốc gia với tâm trạng sướng thỏa thuê khi tận mắt chứng kiến đội tuyển châu Á do “cầu vương” Lý Huệ Đường

Đấu trường vinh quang - Ngày ấy & bây giờ (kỳ 5)

Ib7a6Gi1.jpgPhóng to
Cuộc gặp gỡ của bốn thủ thành nổi tiếng VN: Nguyễn Văn Cường, Trần Minh Quang, Phạm Văn Rạng, Dương Ngọc Hùng (từ trái qua)
TT - Một buổi chiều cuối mùa hè năm 1966, hàng ngàn khán giả Malaysia rời sân vận động quốc gia với tâm trạng sướng thỏa thuê khi tận mắt chứng kiến đội tuyển châu Á do “cầu vương” Lý Huệ Đường

(Hong Kong) làm HLV trưởng và HLV phó là cựu trung vệ Peter Velappan (Malaysia, đương kim tổng thư ký AFC) dẫn dắt đã quật ngã CLB Chelsea (Anh) 2-1.

Sáng hôm sau, đồng loạt các báo Malaysia và khu vực đã cùng bình luận rằng: người có công lớn nhất cho chiến thắng của đội tuyển châu Á chính là tay thủ môn đến từ Việt Nam có tên Phạm Văn Rạng! Đơn giản bởi nếu là người khác đứng giữa hai khung gỗ, mành lưới của tuyển châu Á đã tan nát với các chân sút Ănglê!

Lưỡng thủ vạn năng!

Thật ra không phải đến thời điểm ấy, cái tên Phạm Văn Rạng mới vang lừng khắp khu vực châu Á. Ông được giới hâm mộ để ý từ bảy năm trước khi góp công không nhỏ mang về cho bóng đá miền Nam VN tấm HCV SEAP Games trên đất Thái Lan. Sau 12 năm trấn giữ khung thành đội tuyển miền Nam VN, ông đã nói lời chia tay vào năm 1964.

Biết vậy nhưng HLV Lý Huệ Đường vẫn điền tên ông vào danh sách đội tuyển châu Á như là một hành động vinh danh cho người cựu tuyển thủ. Sau trận thắng để đời ấy, ông chính thức nói lời chia tay với bóng đá để mưu sinh với nghiệp công chức quan thuế (hải quan ngày nay) ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.

Hơn nửa thế kỷ trước, hướng lăn của trái bóng tròn trở thành nỗi đam mê mãnh liệt của chú bé Rạng sau giờ học. Ngày ấy, những lần đội Ngôi Sao Gia Định xuống Mỹ Tho thi đấu chẳng khác nào một ngày hội, thu hút sự chú ý của đông đảo quần chúng. Nhà nghèo đào đâu ra mấy xu để có được một tấm vé, thế là bằng mọi giá Rạng leo rào vào “coi cọp” để mục kích thần tượng của mình là thủ môn Ba Quyến (Ngôi Sao Gia Định) trổ tài.

Năm 1951, 17 tuổi, Rạng chuyển về học văn hóa ở Sài Gòn. Tất nhiên sau giờ học là những trận quần thảo không biết mệt với quả bóng trên khắp các sân bóng Sài thành thuở ấy. Rất mê đứng giữa hai trụ thành, nhưng trong màu áo cầu thủ của khối tư thục học đường, Rạng luôn thủ vai… trung phong.

Bữa nọ, thủ môn của đội bị bệnh nặng trước giờ thi đấu tranh chức vô địch giải học sinh Sài Gòn cùng Trường Huỳnh Văn Ngà, Rạng xung phong giữ thành. Người thủ thành bất đắc dĩ này trở thành nhà vô địch và rồi định mệnh cũng trói chặt ông giữa hai trụ thành.

Sau chức vô địch đầu đời ấy, ông chính thức là người giữ thành cho bóng đá miền Nam VN suốt từ năm 1952-1964. Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, ông nói: “Sau lúc giã từ sân cỏ, nhiều lúc hồi tưởng trở lại tôi không thể ngờ được rằng mình lại có những phản xạ nhanh nhẹn như thế. Mười ngón tay của tôi ngắn hơn ngón tay người bình thường, vậy mà không hiểu sao thuở ấy tôi chỉ cần tung đôi bàn tay lên là tóm gọn quả bóng. Riết rồi người ta đồn thổi rằng trước lúc vào sân cỏ, Rạng lén thoa một lớp keo dính trên đôi tay (!?)...”. “Vậy còn danh xưng “lưỡng thủ vạn năng” thì sao, thưa ông?”. “Đâu vào khoảng thập niên 1950-1960, danh xưng ấy xuất hiện trên các tờ báo thể thao ở Sài Gòn. Thiệu Võ là nhà báo thể thao đầu tiên gắn tên tôi với biệt danh ấy. Thú thật đến giờ tôi cũng không hiểu hết về cái danh xưng ấy nữa...”.

12 năm khoác áo đội tuyển là một quãng thời gian rất dài. Đâu là bí quyết để ông có “tuổi thọ” cao như vậy? “Nào có gì ghê gớm. Ngoài tình yêu bóng đá mãnh liệt, tôi chỉ biết tự tập luyện và hồi tưởng lại những bàn thua để khắc phục nhược điểm. Tôi chỉ tâm niệm rằng: đã chọn bóng đá là nghề thì phải hết lòng với nghề. Đơn giản chỉ có vậy mới tiến bộ được. Phụ nghề chẳng khác nào phụ tình, đó là điều tối kỵ và cũng là lời nhắn gửi đến những em cháu đã và đang chọn nghiệp đá bóng để tiến thân…”.

Ấn tượng khó phai

Để chuẩn bị tham dự SEAP Games 1 tại Thái Lan, tuyển miền Nam VN có trận đấu giao hữu cùng tuyển Nhật Bản ngay tại Sài Gòn. Trận đó Rạng giữ trắng lưới nhà, còn đồng nghiệp ở đầu sân bên kia thì có tới ba lần vào lưới nhặt bóng. Trong tiệc chiêu đãi vào tối cùng ngày, đại sứ Nhật tại Sài Gòn ngày ấy đã tặng Tổng cục Túc cầu miền Nam một đôi giày nhỏ và ví von rằng: “Bóng đá Nhật Bản nhỏ bé như đôi giày này và mong rằng sẽ có ngày được sánh vai cùng bóng đá VN...”.

Nhắc lại đôi giày nhỏ ấy, ông Rạng nói: “Hơn 30 năm sau, đôi giày nhỏ ấy biến thành đôi hia vạn dặm. Tôi thật sự kinh ngạc khi ở giải Cúp các liên đoàn mới đây, Nhật Bản cầm chân Brazil với tỉ số 2-2. Ngồi xem hai đội đá mà tôi không thể ngờ được họ tiến bộ vượt bậc như vậy. Xem rồi mới thấy tiếc cho sự thụt lùi của bóng đá nước nhà”.

Sân vận động của các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Thái Lan, Nhật Bản, Hong Kong, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Israel, Lào, Campuchia... từng in đậm dấu giày của các tuyển thủ bóng đá miền Nam VN, trong đó có “lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng, nhưng theo lời ông thì ấn tượng đậm nhất trong đời cầu thủ chính là trận thắng tuyển Israel 2-0 ở lượt về vòng loại Olympic thế giới năm 1963 ngay tại thủ đô Tel Aviv:

“Trận lượt đi, Israel thắng 1-0 tại sân Cộng Hòa (nay là sân Thống Nhất), do vậy khi tuyển miền Nam sang đá trận lượt về, khán giả chọc quê bằng cách đưa 10 ngón tay ám chỉ rằng trận này đội khách sẽ thua chục quả! Nhưng chỉ 15 phút đầu của trận lượt về, hai tiền đạo Nguyễn Văn Quang và Nguyễn Văn Ngôn đã ghi được hai bàn thắng bằng cú xỉa mũi giày cận thành và một quả sút phạt trực tiếp từ 40m. 75 phút còn lại, chúng tôi bị họ “tra tấn” dữ dội bằng những đợt công phá liên tục.

Tôi không còn nhớ mình đã bay người cứu nguy bao nhiêu lần. Chỉ biết rằng đôi chân không thể nhấc lên được còn bụng thì vọp bẻ khi ra xe buýt về khách sạn. Hai trung vệ cự phách là Tam Lang và Phan Dương Cẩm (tự Hiển) thì vọp bẻ ngay trên sân vì đuối sức. Tuổi thanh niên mà họ còn chịu không nổi huống hồ chi lúc đó tôi đã ngoài 30. Thật đúng là một trận đấu để đời”.

30 năm và... món tiền lớn nhất

Vài hôm sau trận cầu chia tay “thế hệ vàng” bóng đá VN, người thủ môn già Phạm Văn Rạng được mời tới tòa soạn báo Tuổi Trẻ để nhận sự hỗ trợ của Tôn Hoa Sen và doanh nghiệp võng xếp Duy Lợi. Cầm 6 triệu đồng của các nhà mạnh thường quân, đôi tay ông run run còn gương mặt thì ràn rụa nước mắt vì xúc động. Gạt vội giọt lệ, ông nói với giọng xúc động thật sự: “Mấy cậu có biết và có tin rằng đây là số tiền lớn nhất mà tôi cầm được trong tay từ 30 năm qua không? Tôi có còn đóng góp gì được cho phong trào nữa đâu mà cũng được các mạnh thường quân thương nhớ để tặng quà…”.

Hôm sau, ông trở lại tòa soạn để hồ hởi khoe rằng: “Tôi vừa gửi cho bà xã 2 triệu, sắm được một đầu máy và tivi cũ hết hơn 1 triệu. Còn lại để độ nhật và dành thuốc thang lúc trái gió trở trời. Tuổi già ao ước một chiếc tivi và một đầu máy từ lâu, nay mới toại nguyện”.

Đã quá tuổi thất thập cổ lai hi, con người lừng lẫy một thời nay trở thành một ông lão hom hem với dáng đi liêu xiêu, run rẩy. Hơn 40 năm trước, trong một trận đấu trên sân Cộng Hòa, cú vào bóng cực mạnh của tiền đạo Nguyễn Văn Chiêu (tác giả bàn thắng duy nhất ở trận chung kết với Myanmar, mang về cho bóng đá miền Nam chiếc HCV ở giải Merdeka 1966) khiến đầu gối phải của thủ môn Phạm Văn Rạng (Quan Thuế) bị chấn thương nặng.

Y học thể thao ngày ấy chưa phát triển nên chấn thương ấy để lại di chứng ngày nay với “lưỡng thủ vạn năng” là di chuyển hết sức khó nhọc khi lên xuống cầu thang và gây đau nhức mỗi lúc trở mùa. Nhắc lại nguồn cơn chấn thương ngày ấy, ông chẳng một lời oán trách mà chỉ nhẹ nhàng kể lại những giây phút cuối đời và đám tang của đồng nghiệp Nguyễn Văn Chiêu hơn chục năm trước. Ông nói: “Có gì đâu mà giận hờn. Đó là rủi ro của tôi chứ anh Bảy Chiêu nào cố ý làm thế đâu”.

Bản tính chân chất, chịu thương chịu khó khiến ông Rạng luôn thảnh thơi ở tuổi xế chiều, dẫu rằng chiếc ví của ông luôn xẹp lép. Suốt 30 năm qua, ông rày đây mai đó để mưu sinh trong vai trò HLV các đội phong trào từ cấp phường, trường học, xí nghiệp cho đến tỉnh thành xa xôi. Thậm chí có những lúc từng là bảo vệ về đêm cho doanh nghiệp nước ngoài nhờ ông nói được tiếng Pháp. Từ đầu năm tới nay, ông mới trở lại với nghiệp HLV cho đội bóng phong trào của Công ty bảo hiểm AIA. Thu nhập hằng tháng khoảng 1 triệu đồng cũng tạm đủ để độ nhật qua ngày.

Ông nói: “Năm người con của tôi đều yên bề gia thất. Cả năm đứa đều chẳng mấy khá giả, hơn nữa tôi không muốn trở thành gánh nặng cho con nên luôn rong ruổi đó đây để mưu sinh và ở riêng cho gọn. Các con đều muốn tôi về ở chung, nhưng bản tính thích tự do nên tôi khó dừng chân lâu với chúng nó. Nói mãi mà tôi không chịu, thế là mỗi tháng các con hùn lại để trả tiền thuê nhà cho cha. Vậy cũng ấm lòng lắm rồi”.

-----------------

Tin, bài liên quan

Kỳ 1: Ngày rúng động thể thao thế giớiKỳ 2: Mai Văn Hòa và chữ ký giải nợ Chà vàKỳ 3: Gặp lại “kỳ quan bóng bàn thế giới”Kỳ 4: Gặp lại “kỳ quan bóng bàn thế giới”

Kỳ sau: Danh thủ Trương Tấn Nghĩa: tài năng và... đào hoa

SĨ HUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên