15/07/2005 07:44 GMT+7

Làng quê Việt trên đất Trung Hoa

Bài & ảnh: ĐỖ HỮU LỰC
Bài & ảnh: ĐỖ HỮU LỰC

TT - Anh Tô Minh Bân - người đầu tiên tôi gặp ở làng chài Vạn Mỹ (xã Giang Bình, thị xã Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), cách biên giới 25km - cứ nắm chặt tay tôi sau lời giới thiệu, anh lập cập nói: “Mình cũng là người Kinh mà, cả nhà mình đều nói được tiếng Việt đấy!”.

BfGWwwcF.jpgPhóng to
Một gian hàng bán thức ăn, hoa quả trên bãi biển Vạn Mỹ
TT - Anh Tô Minh Bân - người đầu tiên tôi gặp ở làng chài Vạn Mỹ (xã Giang Bình, thị xã Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), cách biên giới 25km - cứ nắm chặt tay tôi sau lời giới thiệu, anh lập cập nói: “Mình cũng là người Kinh mà, cả nhà mình đều nói được tiếng Việt đấy!”.

Nói xong, anh kêu đứa con gái lớn đang lúi húi trong quầy hàng ra chào khách: “Linh ơi, có khách từ Việt Nam sang đây này”.

“Núi liền núi, sông liền sông...”

Anh Bân cho hay hầu hết cư dân trên đảo Vạn Mỹ là người gốc Hải Phòng, định cư tại vùng đất này được khoảng 9-10 đời. “Tổ tiên tôi là người gốc Đồ Sơn (Hải Phòng), định cư từ thế kỷ 17, theo gia phả tính đến đời tôi là đời thứ chín - Sau tuần trà nước, anh Bân bộc bạch - Những người như tôi trên đảo Vạn Mỹ có đến 8.000 người. Người Trung Hoa gọi chúng tôi là Kinh tộc, là một trong những dân tộc thiểu số ít người nhất của đại lục rộng lớn này”.

Cùng anh Bân, tôi lượn một vòng xe máy đi các ngõ ngách của làng trên đảo. Cũng giống như bất cứ làng quê nào trên đất VN, Vạn Mỹ cũng có đình, chùa, có cây đa... Điều bất ngờ và thú vị nhất là trong giao tiếp hầu như ai cũng nói được tiếng Việt và... tiêu tiền Việt.

Dừng xe ở một quán nước ven đường, tôi thấy lạ vì có bán cả thuốc lá Vinataba. Khi trả tiền, cô chủ quán có đôi mắt hai mí lúng liếng nói bằng tiếng Việt khá sõi: “Không có tiền Trung à? Anh trả bằng tiền Việt cũng được, 11.000 một bao thuốc à!”.

Cụ Dương Lễ Thư, nguyên là trưởng thôn Vạn Mỹ, năm nay đã ngoại thất tuần, chỉ tay về phía biển: “Cháu có nhìn thấy dải xanh mờ mờ kia không?”. Tôi đáp có. Cụ bảo: “Trà Cổ đấy! Chúng ta liền nhau mà, biển liền biển, núi liền núi, sông liền sông mà, có xa cách gì đâu”.

Cụ Thư cho hay từ khi hai nước mở cửa thông thương biên giới, mấy năm trước còn khỏe năm nào cụ cũng về Đồ Sơn thăm mồ mả tổ tiên và xem chọi trâu.

Hôm tôi đến Vạn Mỹ đúng ngày mồng 1 âm lịch, thấy con cháu cụ Thư tíu tít sắm hoa quả đưa lên bàn thờ tổ tiên. Cụ Thư giải thích: “Phong tục không khác gì bên VN đâu, ở đây cũng thắp hương ngày rằm, mồng 1. Cháu còn ở đây dài ngày, đến ngày 9 tháng âm lịch này xem lễ rước thần biển giống như lễ rước thần biển ở bên Móng Cái”.

5gJUdUUW.jpgPhóng to
Bãi biển Vạn Mỹ
Chung sức làm ăn

Trong lúc trò chuyện, anh Tô Minh Bân cứ nhắc đi nhắc lại câu chuyện về người anh trai của mình là Tô Minh Đức đã từng sang VN đánh Mỹ năm 1966 với đầy vẻ tự hào.

“Anh mình bây giờ làm cán bộ ngân hàng trên cảng Phòng Thành (Đông Hưng, Trung Quốc), làm to đấy vì trước đây là bộ đội mà, là công dân Trung Quốc mà tham gia đánh Mỹ nên anh Đức được đồng nghiệp và dân làng nể trọng”- anh Bân nói.

Cụ Dương Lễ Thư cho hay Vạn Mỹ trước đây khá vất vả, dân làng chủ yếu sống bằng nghề đánh cá và nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên cư dân Vạn Mỹ vốn là dân tộc thiểu số Kinh tộc thường được chính quyền các cấp quan tâm, giúp đỡ nên cuộc sống cũng đỡ chật vật phần nào.

Đến thời cải cách, nhà nước Trung Hoa làm con đường nhựa nối đất liền với đảo Vạn Mỹ. Vạn Mỹ đã trở thành khu du lịch hấp dẫn vì có bãi tắm trải dài tới 4km. Mỗi năm thu hút hàng vạn người từ phương Bắc xuống nghỉ hè rồi thuận đường sang VN du lịch và cả khách VN sang đây tắm biển.

Với ý thức luôn hướng về quê cha đất tổ, các gia đình ở Vạn Mỹ đều dạy con em tiếng Việt. Cụ Dương Lễ Thư nói: “Các cháu đi học thì nói tiếng Trung, về nhà xưng hô với cha mẹ đều nói tiếng Việt”.

Bên cạnh đó, cánh thanh niên đi buôn bán ở cửa khẩu còn biết hát cả những bài hát VN. Dương Lễ Lợi, cháu đích tôn của cụ Dương Lễ Thư, năm nay 27 tuổi, người làm “thông ngôn” hướng dẫn khách du lịch sang VN, sau khi uống hết hai chai bia Ly Tuyền đã không ngại ngần hát tặng tôi bài hát Đêm Trường Sơn nhớ Bác bằng hai thứ tiếng Việt - Trung với giọng trầm ấm như ca sĩ Trọng Tấn. Lợi bảo: “Em biết hát là do sang VN đi hát karaoke!”.

Chị Vũ Thu Phương, người bán tạp hóa phục vụ khách du lịch tại bãi tắm Vạn Mỹ, “khoe” trước khi vợ chồng chị mở quầy hàng này chị đã sang VN đi đến các bãi biển như Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An)... để học hỏi cách làm ăn.

“Hai năm trước sang bãi biển Đồ Sơn, thấy người ta chạy môtô nước, tôi về bàn với chồng đầu tư mua chiếc máy đó, bọn trẻ bên này thích lắm. Ngày nào cũng đông khách!”. Tại khu cổng vào của bãi tắm Vạn Mỹ, qui định của bãi cũng được ghi bằng ba thứ tiếng Anh, Trung và Việt.

Bên trong bãi tắm, có những gian hàng bày bán thức ăn, hoa quả đậm chất Việt như ngô, dứa... và những người bán hàng đều mặc trang phục như những chàng trai, cô gái nông thôn miền quê VN.

Ở Vạn Mỹ hôm nay hầu như gia đình nào cũng biết kinh doanh. Anh Bân cho hay từ khi thông thương hai nước, dân Vạn Mỹ vốn có ưu thế thạo tiếng Việt nên làng có nhiều chàng trai, cô gái đi làm “thông ngôn”.

Gia đình nào có vốn thì buôn hàng về VN. Bản thân anh trong những năm đầu mở cửa biên giới đã đưa hàng đầu máy công nông Đông Phong về tận Đồ Sơn (Hải Phòng). Hiện nay gia đình làm ăn khấm khá đã mở một quầy hàng ở bãi biển Vạn Mỹ để đón khách du lịch.

Hằng ngày anh Bân cùng con gái Tô Linh kinh doanh tại cửa hàng trên bãi biển này. “Còn vợ tôi vẫn ngược xuôi qua lại cửa khẩu buôn bán hằng ngày làm ăn với thương nhân VN”- anh Bân nói.

Trên đảo Vạn Mỹ hôm nay vẫn còn một bộ phận dân cư sinh sống bằng nghề chài lưới và những ngư cụ cũng như các con thuyền của họ được đóng theo kiểu những ngư cụ, tàu thuyền của ngư dân duyên hải vùng đông bắc VN.

Coi tôi là khách du lịch từ VN sang nên những người dân Kinh tộc Vạn Mỹ đón tiếp khá chu đáo. Anh Tô Minh Bân nói: “Khi về VN nhớ giới thiệu mọi người sang đây chơi nhé, hàng hóa Trung Quốc luôn rẻ và bãi biển Vạn Mỹ rất đẹp, người Kinh tộc Vạn Mỹ rất hiếu khách...”.

Bài & ảnh: ĐỖ HỮU LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên