Phóng to |
Di ảnh liệt sĩ Dương Lệ Chi trong ngày trở về với đồng đội |
Trên chiếc xe chở hài cốt và di vật về Nhà tang lễ TP.HCM có một khúc cây dầu lớn, trên thân cây khắc chữ "CHI" thật to, thật sâu...
Ký ức thời chiến tranh...
Hai ngày vừa rồi Nhà tang lễ TP.HCM trở thành nơi họp mặt của các cựu học sinh Trường Nguyễn Văn Trỗi.
Sau vài dòng tin nhắn trên báo, những thầy cô giáo, những cựu học sinh nay tóc đã bạc tìm đến viếng đồng đội. Trên hàng di ảnh được đặt trước những chiếc quách phủ cờ Tổ quốc, ai cũng nao lòng trước tấm ảnh cô giáo Lệ Chi với đôi mắt tròn đen.
Chị Phan Thu Nguyệt bảo nhìn tấm ảnh ấy đêm về không thể ngủ. Rất nhiều người như cô Tần, cô Hồng, thầy Đạt cũng không thể ngủ. Tấm di ảnh nhắc họ nhớ về bảy năm lịch sử của Trường Nguyễn Văn Trỗi (1965-1972).
Phóng to |
Cô Chi và các em học sinh giờ học nhóm trong rừng - Ảnh tư liệu |
Đóng giữa rừng, luôn trong tư thế chuyển căn cứ, luôn thiếu gạo, thiếu muối, thiếu nước, ngồi trên bàn học nhưng luôn phải chuẩn bị nhảy hầm.
Học sinh, giáo viên không chỉ dạy và học văn hóa mà còn phải biết tải gạo, đào hầm, dựng nhà, kiếm củi, hái rau, đánh bẫy, trồng tỉa...
Một cựu học sinh của trường nói: “Các thầy cô muốn chúng tôi học để phục vụ hòa bình. Cực khổ, thiếu thốn, bệnh tật nhưng rất vui và vẫn học tốt. Học văn hóa và học làm người. Nhưng chiến tranh không tránh né trường học. Cô Lệ Chi xinh đẹp và hiền dịu là thế, chỉ dạy chúng tôi đọc sách, làm toán, hát và may vá nhưng rồi cũng phải hi sinh...”.
Trận pháo kích chỉ kéo dài chưa đầy 15 phút đêm 10-5-1970 ấy đã cướp đi của Trường Nguyễn Văn Trỗi 11 người, cả cô giáo, y tá, học trò.
Lúc đó đã khuya lắm, đến giờ đi ngủ, các ánh đèn dầu học bài đêm đã tắt, những học sinh lớn vừa tải gạo về đang theo nhau ra giếng tắm. Loạt pháo đột nhiên đổ vào chát chúa. Chỗ Thuận nằm chỉ còn những mảnh võng tung tóe trên ngọn cây, chị y tá Đào bị pháo tiện ngang đùi và cánh tay đang dang ra che cho bạn...
Cô Chi là người xuống hầm cuối cùng. Thúy là em gái của cô, mới từ thành phố ra chưa quen bom đạn nên rất hoảng sợ, ôm lấy chị mà khóc. Cô vỗ về: “Không sao đâu. Xuống hầm rồi là không sao hết...”.
“Xuống hầm rồi là không sao hết”, chị Thúy sẽ còn nhớ câu nói ấy đến cuối cuộc đời. Ngay sau khi thầm thì với em gái thì cô Chi nghe thấy tiếng kêu cứu thất thanh của một học sinh vừa bị trúng đạn. Em gái, các học trò nhỏ níu chân “chị Sáu, cô Chi...” nhưng cô vẫn lao lên miệng hầm sau vài lời dặn dò.
Cô chạy sang hầm bên cạnh thăm Thu vừa bị thương, rồi lại chạy đi tìm túi cứu thương. Ngay lúc đang tất bật tìm cứu học trò thì một mảnh pháo găm vào tim, tuổi 24 của cô đã bị cướp đi...
Phóng to |
Anh Nguyễn Việt Hùng, một học trò của cô Chi, và khúc cây dầu có khắc chữ "CHI" - Ảnh: Phạm Vũ |
Tháng năm vừa rồi tập thể Trường Nguyễn Văn Trỗi nhận được tin vui: đã xác định được vị trí khu căn cứ Tà Săng (Soài Riêng, Campuchia) năm 1970.
Ban liên lạc của trường đã phải tổ chức tuyển chọn để bầu ra những người hội đủ điều kiện tham gia đoàn tìm mộ vì ai cũng xung phong đi.
Mọi công việc đều được sắp xếp cho cùng một mục đích: đưa cô Chi và các bạn về với quê hương, gia đình.
Anh Nguyễn Việt Hùng, người khởi xướng đầu tiên, đã trở đi trở lại khu rừng tới bốn lần. Anh hồi tưởng: “Hồi nhỏ tôi ốm yếu, đau bệnh, học lớp 3 tới ba năm liền, cô Chi dạy chữ lại cả bón thuốc, cũng như mẹ tôi vậy”.
Đoàn đi tìm mộ theo nhau vào giữa rừng chồi bạt ngàn những bụi cây mọc lúp xúp. Dù đã cử một nhóm đi tiền trạm trước đó, đã được báo đúng vị trí, tọa độ nhưng ai cũng thắc thỏm.
Khu rừng già ngày ấy nắng khó xuyên qua được kẽ lá mà giờ tìm mãi không ra một bóng cây.
Những nhà ngoại cảm thường đi tìm mộ bằng mấy khúc cây dò trên mặt đất, còn thầy giáo Dương Quốc Đạt thì cứ ngóng lên trời. Và... “đây rồi”. Thầy Đạt nhìn thấy hai cây dầu đứng sừng sững giữa rừng chồi: một cây mang đầy vết sẹo do đạn pháo, cây còn lại mang một chữ “CHI” thật to trên mình ở độ cao hơn 12m... Cả đoàn rơi nước mắt.
Ngay trong đêm kinh hoàng ấy, hơn 200 con người phải gấp rút di chuyển. Chỉ 11 người bị thương là được đưa lên cáng khiêng đi, 11 người hi sinh đành phải nằm lại trong hầm, vài xẻng đất lấp vội.
Phút vĩnh biệt em gái mình là cô giáo Dương Lệ Chi, thầy Đạt dùng lưỡi lê khắc lên cây dầu mọc bên cửa hầm một chữ “CHI”.
Từ một cây con, cây dầu đã trở thành cổ thụ, chữ “CHI” khắc trên vỏ cây lạ thay không liền lại mà sâu hơn, lớn hơn, rõ nét hơn. Từ cây dầu này, miệng hầm năm xưa được phát hiện.
Trong ấy, ngoài những nắm đất trắng, họ còn tìm thấy hai chiếc dép râu, trong balô còn bộ quần áo nguyên nếp gấp, một cái lược, cây bút, hai muỗng sắt và một đĩa tráng men. Một chị chợt òa khóc: “Cái đĩa này cô Chi đã lấy úp lên bụng bạn Thu nè, bạn ấy bị pháo bắn ruột lòi ra ngoài...”.
Các học trò cũ bảo cái cây ấy chính là cô Chi đứng canh cho học trò ngủ như cô vẫn chăm sóc học trò hằng đêm ở Trường Nguyễn Văn Trỗi năm xưa. Thầy Đạt xót xa nhắc lời hứa quay trở lại mà thầy đã nói thầm lúc lấp miệng hầm, “hẳn là cô ấy vẫn đợi”.
Tất cả những di vật, những nắm đất còn lại, cả cái cây có khắc tên “CHI” được nâng niu mang về như báu vật.
Khi khúc cây được đưa về nhà, thầy giáo Dương Văn Diêu (nguyên trưởng tiểu ban giáo dục miền Nam) vội vã lăn xe tới, đôi tay nhăn nheo, gầy gò run run vuốt lên vết chữ khắc. Từ ngày cô Chi về công tác ở ngôi trường giữa rừng, thầy không còn được gặp con gái...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận