18/02/2004 06:00 GMT+7

"Nàng tiên nhỏ" trong gia đình "cái bang"

TIẾN DŨNG
TIẾN DŨNG

TT - Trong heo hút của một xóm nhỏ ở xã miền núi phía tây huyện Yên Thành (Nghệ An) có một căn nhà tranh rách nát nằm dưới chân đồi hoang vắng, trong căn nhà đó có bốn thế hệ đang sinh sống! Hằng ngày nhiều thành viên trong căn nhà này phải tay bị tay gậy đi ăn xin khắp mọi nơi. Nhưng, có một cô bé sinh ra và lớn lên trong gia đình ấy đã dũng cảm dùng sức vóc bé nhỏ của mình để chiến đấu với số phận và vượt lên nó...

f4dIHQFK.jpgPhóng to
Nguyễn Thị Hiên đi bán củi
TT - Trong heo hút của một xóm nhỏ ở xã miền núi phía tây huyện Yên Thành (Nghệ An) có một căn nhà tranh rách nát nằm dưới chân đồi hoang vắng, trong căn nhà đó có bốn thế hệ đang sinh sống! Hằng ngày nhiều thành viên trong căn nhà này phải tay bị tay gậy đi ăn xin khắp mọi nơi. Nhưng, có một cô bé sinh ra và lớn lên trong gia đình ấy đã dũng cảm dùng sức vóc bé nhỏ của mình để chiến đấu với số phận và vượt lên nó...

Gia đình “cái bang” ở Đồng Luốc!

Qua hơn 30km đường rừng, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được nhà ông Diêu ở cuối xóm Đồng Luốc, xã Kim Thành. Anh Thành, người dẫn đường, nói với chúng tôi: “Căn nhà đó mới được bà con làng xóm cất lại cho chứ trước đây chỉ là túp lều”.

Anh chỉ người đàn ông đang bế đứa trẻ đi lại nơi góc sân: “Ông Diêu đó, đầu năm có lẽ ông ấy chưa xuất hành”. Trông ông Diêu rất khó đoán tuổi, người gầy quắt, gương mặt khắc khổ, quần áo rách rưới, mắt nhìn như một kẻ mộng du.

Chúng tôi phải đánh tiếng ông mới biết. Ông lạ lẫm nhìn rồi mời khách vào nhà. Chúng tôi phải cúi khom người mới chui vào được. Trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá ngoài ba chiếc giường làm bằng tre ghép gác lên bốn chiếc cọc, một chiếc bàn con chỉ có một ghế. Trong góc nhà, ba ông bà lão im lặng ngồi sưởi bên bếp lửa như chẳng để ý gì đến xung quanh.

Ông Diêu cho biết: ông già nhất là cha của ông, năm nay đã 87 tuổi, còn hai người kia là hai vợ chồng người chú em ruột cha ông Diêu. Hai ông bà không có con, hằng ngày vẫn dắt nhau đi ăn xin và cùng sống chung trong mái nhà này. Tiếp xúc với ông Diêu, lúc đầu ông nói chuyện có vẻ minh mẫn, bình thường nhưng một hồi sau ông nói lẫn lộn lung tung, đang nói chuyện nọ lại xọ sang chuyện kia rồi đờ đẫn nhìn...

RKuwayQY.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Ngọc Diêu (bố em Nguyễn Thị Hiên) trước căn nhà của mình
Ông Diêu (Nguyễn Ngọc Diêu) từ năm 18 tuổi (1963) đã tình nguyện lên đường đi chống Mỹ. Năm 1969 hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về quê rồi lập gia đình với một cô gái làng bên. Sau đó cả nhà dắt nhau lên vùng rừng Kim Thành này định cư để khai phá vùng đất mới. Năm 1973 đứa con đầu lòng của ông (Nguyễn Ngọc San) ra đời cũng là lúc ông trải qua một cơn bệnh ốm liệt giường.

Khi khỏi bệnh ông trở chứng, có biểu hiện của bệnh tâm thần. Hai năm sau vợ ông - bà Đặng Thị Quy - cũng có biểu hiện như vậy. Cha ông Diêu là ông Luyện đã đưa các con đi khám hết các cơ sở y tế, rồi lại đi khấn vái từ đền này đến chùa nọ mà bệnh tình họ không hề thuyên giảm. Và rồi chính ông cũng mắc phải căn bệnh đó.

Bà Thái Thị Hương ở gần nhà ông Diêu kể: “Bệnh của họ lạ lắm, không đến nỗi nặng nhưng cứ lúc dại lúc khôn, có thể nói là dở người. Từ khi bị bệnh họ chẳng làm được việc chi , ruộng nương bỏ cho cỏ mọc, nhưng đói thì gối phải bò, họ dắt díu nhau đi ăn xin...”.

Đã đói khổ, tật bệnh nhưng ông Diêu cũng có bốn người con. Người con trai đầu từ khi mới 10 tuổi phải theo ông chú đi vào Nam để làm thuê kiếm sống. Người con gái thứ hai Nguyễn Thị Quý năm nay đã 23 tuổi nhưng cứ như một đứa bé ngờ nghệch. Đã thế Quý còn bị một tên ác dâm làm cho có bầu rồi “lặn” mất dạng.

Đứa con của Quý giờ đây gần một tuổi nhưng Quý cứ bỏ mặc con cho vợ chồng ông Diêu rồi đi chơi đánh ô, đánh chắt với lũ trẻ trong xóm... Trong thảm cảnh đó, những kiếp người trong mái nhà tranh rách nát ở nơi xóm nhỏ ấy cứ ngỡ như không bao giờ ngóc đầu lên được..., nhưng rồi vẫn có “phép màu” xảy ra...

“Nàng tiên nhỏ”

Đó là cô con gái thứ ba của ông Diêu - Nguyễn Thị Hiên. Thuở mới lọt lòng Hiên đã phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, người mẹ buộc em trên lưng phiêu bạt xin ăn khắp mọi nơi, ngày đi, đêm đến ngủ vỉa hè, bến xe, lều chợ...

Đến khi biết đi cô bé vẫn theo cha mẹ, anh chị tiếp tục cuộc hành trình của kiếp ăn xin. Mãi đến khi lên 7 tuổi, trong tiềm thức non nớt của cô bé hình như bỗng cảm nhận được nỗi cay đắng, tủi nhục của kiếp ăn mày, cô bé nhất quyết không chịu đi ăn xin nữa. “Không! Con không đi, đừng bắt con đi ăn xin, con thích đi học, cha mẹ cho con đi học đi! ”.

Cô giáo Bùi Thị Hà, chủ nhiệm lớp lA trường làng năm xưa, kể với chúng tôi: “Bây giờ Hiên vẫn thường hay đến thăm tôi. Hồi đó (1993) tôi chủ nhiệm lớp 1A Trường tiểu học Đồng Thành (lúc đó chưa tách xã). Vào đầu năm học tôi cứ thấy một đứa bé gầy gò, lem luốc, rách rưới đứng ở cửa nhìn vào.

Hỏi thăm tôi mới biết hoàn cảnh của em. Tôi tìm đến nhà động viên gia đình để em được đến trường học. Tôi đã nhận em vào lớp của mình. Không ngờ em sáng dạ lắm, luôn đứng nhất nhì lớp, lại hát hay nữa!”.

Những năm học tiểu học, năm nào Hiên cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Bước sang cấp II, đời sống gia đình em cực kỳ khốn đốn. Ông bà Diêu ốm đau luôn, không đi xin ăn được, Hiên phải chạy vạy khắp nơi để lo tiền thuốc thang cho cha mẹ, rồi một buổi đi học, một buổi cùng chị vào rừng chặt củi đem ra chợ bán, rồi cấy thuê, gặt thuê...

Lúc đó em định bỏ học nhưng được nhà trường và bạn bè cung dân làng động viên quyên góp ủng hộ tiền, gạo nên em tiếp tục đến trường. Năm ấy em được quĩ khuyến học của huyện cấp học bổng học sinh nghèo vượt khó 300.000đ/năm cho ba năm học cấp II. Ba năm em đều đạt danh hiệu học sinh xuất sắc và đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện - tỉnh.

Bước sang cấp III, một lần nữa tưởng chừng Hiên không thể tiếp tục đi học được vì em út Nguyễn Ngọc Giang cũng bắt đầu học lên cấp II. Nhưng khát vọng được học để vươn lên đã giúp em đứng vững. Ngoài kiếm củi đem ra chợ bán, cấy thuê, gặt thuê, em còn nhận lại 6 sào ruộng của nhà mình để làm -một việc làm thật táo bạo. Cấy, cày, giống má, phân bón lấy đâu ra? Nhưng Hiên đã làm được.

Ông Trương Ngọc Long, đội trưởng xóm Đồng Luốc, kể với chúng tôi: “Con nhỏ đến nói với tui là nó sẽ nhận lại số ruộng mà trước đây ông Diêu cho người khác làm. Tui tưởng nó nói chơi bèn hỏi: “Cháu bận đi học, thời gian và tiền bạc mô mà làm”. Nó nói giống má, phân bón chú cho cháu vay, xong mùa cháu trả. Ai dè nó làm thật, nó đi đòi lại ruộng và đến thuyết phục tui”.

Anh Long cười: “Thế là phải làm theo nó thôi! Còn việc cày bừa bà con dân làng giúp hết không lấy tiền. Việc cấy, gặt thì bạn bè nó xúm đến làm một loáng là xong. Từ khi làm ruộng tuy vất vả nhưng cuộc sống cũng đỡ hơn chút ít, nó còn nuôi gà, nuôi vịt nữa.

Năm vừa qua gia đình ông Diêu được UBND huyện trích quĩ vì người nghèo hỗ trợ 2 triệu đồng để dựng lại căn nhà nhưng trả nợ vừa hết. Nó quả là cứu tinh của nhà ông Diêu. Ông Diêu trời cho cô con gái còn hơn cả vàng mười. Nó đi học về là làm quần quật suốt ngày, đến nỗi quắt cả người như vậy, nhìn xót lắm”.

Khi chúng tôi đến nhà ông Diêu để thực hiện phóng sự này, phải đến lần thứ hai mới gặp được Hiên, lúc đó em đi củi về, dáng người nhỏ nhắn cõng trên lưng bó củi to đùng. Trời lạnh 11 - 120C mà mồ hôi đầm đìa trên gương mặt. Hỏi em làm nhiều thế lấy thời gian đâu mà học, em cười “em học vào ban đêm”.

Đến bây giờ nhà em vẫn chưa có điện, em phải học bài bằng đèn dầu. Bà con lối xóm đêm đêm vẫn thấy đốm lửa ngọn đèn dầu sáng đến tận khuya. Hiên đang học lớp 11A Trường THPT Yên Thành 3 cách nhà hơn 10km đường rừng. Có những hôm hỏng xe em phải gửi xe chạy bộ 6-7km để đến trường.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Thanh, chủ nhiệm lớp 11A Trường THPT Yên Thành 3, nói về Hiên: “Hoàn cảnh khốn khó vậy đó mà năm học vừa qua em đoạt giải ba của huyện và giải khuyến khích của tỉnh về môn sinh lớp 10. Hiên học đều các môn nhưng riêng môn sinh em có năng khiếu đặc biệt. Năm nay em cũng là một trong những học sinh giỏi của trường, chúng tôi đang bồi dưỡng để em dự thi học sinh giỏi tỉnh về môn sinh lớp 11 trong kỳ thi tới”.

Nguyễn Thị Xuân, bạn học cùng lớp với Hiên, kể với chúng tôi: “Hiên rất hay giúp đỡ người khác. Bạn bè không hiểu bài là Hiên sẵn sàng giúp ngay. Và em đã một lần chứng kiến Hiên rơi nước mắt khi nhìn thấy cảnh ba mẹ con đi ăn xin, chị ta bị mù mắt cõng trên lưng đứa bé đến trú mưa trước cổng trường rét run cầm cập. Hiên đã rút tờ 5.000 đồng cho mẹ con chị ấy. 5.000 đồng là nửa số tiền Hiên đi lấy củi trong rừng mất một buổi và một buổi chở xuống chợ Gám, chợ Dinh xa 20-25km để bán. Chúng em thường gọi đùa Hiên là nàng tiên nhỏ”.

Chúng tôi hỏi “nàng tiên nhỏ” về ước mơ, Hiên điềm đạm nói: “Cha mẹ, ông bà và chị của em cũng vì bệnh hoạn mà gia đình em mới đến nông nỗi này. Hồi nhỏ em đã thấy cảnh cả làng bị dịch sốt, giờ nhớ lại thấy khủng khiếp quá, nhiều người đã chết vì đợt dịch đó! Vì vậy, em ước mình được vào đại học y...”.

TIẾN DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên