05/11/2003 07:15 GMT+7

Từ quán nhậu đến vựa thú rừng

VÕ HỒNG QUỲNH - LÊ ANH ĐỦ
VÕ HỒNG QUỲNH - LÊ ANH ĐỦ

TT - Động vật rừng quí hiếm vẫn được âm thầm đưa về thành phố với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi mà lực lượng chức năng không thể kiểm soát hết. Những con vật tội nghiệp ấy đã có mặt ở nhiều quán nhậu cao cấp đặc sản đến các làng nướng bình dân giữa Sài Gòn... Phóng viên Tuổi Trẻ đã thâm nhập các đường dây chuyên cung cấp thú rừng quí hiếm.

Phóng sự điều tra: Thú rừng vẫn “chảy máu”

yYpQIfw9.jpgPhóng to
Thực đơn của một quán đặc sản

“Hương rừng” trong thành phố!

Đêm 2-11, chúng tôi tìm đến Vương Tửu quán nằm trên đường Lê Ngô Cát (quận 3, TP.HCM). Vương Tửu quán nằm kế ba quán nhậu sang trọng khác trên cùng một đoạn đường dài hơn 100m, nhưng khách khứa đông đúc, tấp nập hơn... Anh nhân viên tiếp tân mang ra thực đơn với hàng chục món ăn, nhậu, trong đó có nhiều cái tên rất “phong kiến”.

Thấy khách chưa chọn được món, anh nhanh nhảu giới thiệu: “Hay là mấy anh dùng thịt rừng cho ngon miệng. Quán tụi em hôm nay có chồn, cheo, dúi và cả rắn hổ. Tất cả đều còn sống rất lanh lợi...”. Không để khách phải đợi lâu, anh tiếp viên chào giá tại bàn: chồn 380.000đ/kg, cheo 180.000đ/kg, dúi 180.000đ/kg...

Theo anh tiếp viên, các loại thú rừng trên đều có người mang đến bỏ mối. Khi chưa bị làm thịt, thú được nuôi trong chuồng sắt. Để chứng minh lời mình nói, anh ta chạy ra sau tóm cổ mang lên một con thú có tên gọi là dúi. Nó có lông màu đen, mỏ cụt trông giống chuôt cống. Con thú nhỏ bị siết chặt cổ, không kêu được, chỉ đưa đôi mắt đen nháy nhìn ánh sáng đèn néon và mọi người.

JFAu0I0c.jpgPhóng to
Mễn do lực lượng kiểm lâm Bình Phước phát hiện
Vương Tửu quán chỉ là một trong hàng ngàn quán nhậu tại TP.HCM bán thịt thú rừng. Ở thành phố này muốn thưởng thức “hàng độc” là thịt động vật hoang dã như nhím, heo, cheo, chồn rất dễ dàng, nơi nào cũng có. Dân nhậu thành phố có thể kể vanh vách những tên quán loại này, trong đó Hương Rừng được nhắc đến đầu tiên.

Hương Rừng xuất hiện ở nhiều nơi từ nội thành ra ngoại thành nhưng ấn tượng nhất có lẽ là Hương Rừng 2 ở góc đường Hai Bà Trưng - Nguyễn Đình Chiểu, quận 1 (còn một quán Hương Rừng khác nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận 1 cũng nổi tiếng bán hàng độc). Quán luôn thu hút khách hạng sang và cả quan chức nhà nước.

Quán bắt đầu đông khách từ trưa cho đến tối khuya với mùi thú rừng ngan ngát qua các món nướng, món lẩu. Người ta ước tính chỉ riêng ở Hương Rừng này, mỗi ngày có hàng trăm con thú bị thọc huyết...

Đêm 31-10, một nhân viên khi đón chúng tôi vào bàn, câu đầu tiên anh ta hỏi: “Các anh có dùng thịt rừng không?”. Khách vào các quán “cao cấp” loại này thường phải có túi tiền rủng rỉnh bởi hàng độc thì bao giờ giá cả cũng không nhẹ nhàng...

Eg8uxKFZ.jpgPhóng to
Vương Tửu quán chuyên bán đặc sản thú rừng tại Lê Ngô Cát, Q.3
Tuy nhiên, đáng sợ nhất về sự tiêu thụ thú rừng phải kể đến hàng trăm làng nướng với nhiều tên gọi khác nhau như Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Miền Tây... Đây là những nơi tập trung ăn nhậu rầm rộ nhất.

Thú rừng ở các làng nướng không bán nguyên con mà thường bán theo đĩa với giá bình quân 20.000đồng/đĩa. Tên của hàng chục loại thú rừng khác nhau từ có chân đến bò sát nằm rõ ràng trên thực đơn.

Thử làm một phép tính nhỏ: làng nướng A mỗi đêm có 100 bàn nhậu, bình quân mỗi bàn nướng khoảng 1/2kg thịt rừng thì con số thịt rừng bị xơi trong đêm lên đến 50kg. Tính ra một tháng có 1.500kg thịt rừng vào bụng con người. Như vậy một năm chỉ mỗi làng nướng A đã lấy đi của rừng 18.000kg động vật. Và cả hệ thống quán nhậu trên địa bàn TP đã, đang và sẽ tàn sát bao nhiêu con thú rừng ?!

“Muốn rẻ về Đạ Tẻ mà ăn”!

Chiều 30-10, chúng tôi đến Đạ Tẻ, một thị trấn bé nhỏ nằm lọt thỏm giữa núi rừng. Các bác tài xe ôm cho biết thị trấn có đến bốn địa điểm bán thú rừng sống, nhưng muốn rõ cứ vào quán nhậu hỏi.Quán nhậu mà các bác tài chỉ nhìn bên ngoài là một quán bán bún, hủ tiếu rất đơn sơ, do hai người đàn ông nói giọng Bắc đứng bán.

Sau khi yên vị, chúng tôi liền được chủ quán mang ra chào bán các loại thú rừng với giá rẻ bất ngờ: cheo 50.000đ/kg, chồn 120.000đ/kg... Ngoài những con thú đã bị thọc huyết, làm sạch lông cất trong tủ lạnh, ở đây còn nuôi sống các con vật ở phía sau nhà, trong đó có con kỳ đà to bằng bắp vế.

Chúng tôi đặt vấn đề muốn mua ít thịt rừng về thành phố, nhờ chủ quán giúp giùm. Hai anh chủ quán bảo yên chí sẽ có ngay. Sau 15 phút đội mưa chạy ngoài thị trấn, người chủ quán có hàng ria mép trở về cho biết có cái đùi heo rừng 30kg còn nguyên lông, giá 45.000đ/kg, nếu lấy thì kêu họ mang lại.

Trời nhá nhem tối, chúng tôi tìm đến nhà người đàn ông tên Đức nằm trên con đường nhỏ dẫn vào thị trấn Đạ Tẻ. Đức tự giới thiệu mình là Đức “thú rừng” - đầu nậu lớn nhất tại đây. Anh ta đã buôn bán thú rừng hơn 10 năm qua, ở thị trấn này ai cũng biết.

Chúng tôi nói muốn đặt đầu mối gom hàng đưa về Sài Gòn bán quán. Đức thốt lên: “Thế thì hay quá” và cho biết ở thị trấn có nhiều người buôn thú nhưng đều nhỏ lẻ, ít hàng ngon, chỉ có anh ta là “xịn” nhất.

Chúng tôi đặt vấn đề muốn xem qua vài loại thú thì Đức tiết lộ rằng ở đây không trực tiếp bán mà chỉ là đầu mối gom hàng, sau đó gửi ra thị trấn Mađagui cho người em tên Mười cung cấp cho các hàng quán ở Sài Gòn.

Nhà Mười nằm gần ngã ba, thị trấn Mađagui (Lâm Đồng) bằng gỗ, có tầng hầm để mua bán thú. Các loại thú rừng được nhốt trong bao, lồng sắt. Những con đã chết thì nằm chình ình giữa nền đất.

Lúc chúng tôi vào hầm, ngoài số cheo, chồn, trong lồng còn có một con khỉ to bằng đứa bé 4 tuổi bị cột cả tay chân và con mễn khoảng hơn 20kg. Vợ Mười bảo nên lấy mấy con này về nuôi làm cảnh cho sinh động.

Vừa nói chuyện với chúng tôi, vợ Mười vừa cân mấy con thú của một người đàn ông bẫy được mang đến bán. Với một con cheo chết và một con chồn 1,2kg vợ chồng Mười đã mua với giá 80.000đ. Người đàn ông không thêm bớt tiếng nào, lặng lẽ nhận tiền ra về.

Ở phòng khách nhà của Mười, chúng tôi thấy có cái đầu con min đã khô cứng với hai chiếc sừng đen bóng và một bồn rượu đang ngâm bào thai con nai. Mười cho biết bồn rượu này đã có người đặt mua với giá 500.000 đồng.

Đặt vấn đề về chuyện bỏ mối hàng, Mười nói: “Chuyện nhỏ. Nếu anh lấy mang về, em bao anh qua khỏi trạm kiểm lâm gần nhà. Nếu không, anh cho địa chỉ em gửi xuống. Hằng ngày em xuất đi mấy tạ thịt nhưng vẫn không hụt một gam. Anh yên chí đi, cứ gọi báo trước một ngày thì gấu, mật gấu gì cũng có hết!”.

“Không sợ kiểm lâm sao?”. “Chuyện đó anh khỏi lo. Đâu phải Mười này mới làm nghề này đâu, anh yên chí đi”.

Chắc chắn là Mười nói đúng...Vừa ra khỏi nhà Mười không xa, chúng tôi thấy có một trạm kiểm lâm của tỉnh Lâm Đồng!

Kỳ sau: Những trùm “đầu nậu”

VÕ HỒNG QUỲNH - LÊ ANH ĐỦ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên