19/09/2016 14:07 GMT+7

​Lấy mẫu kiểm tra cá chết bất thường ở sông Bùng

DOÃN HÒA
DOÃN HÒA

TTO - Không chỉ những loại cá tầng nổi mà nhiều loại cá ở tầng đáy cũng chết chưa rõ nguyên nhân đang khiến người dân sống dọc sông Bùng, huyện Diễn Châu, Nghệ An lo lắng.

Cá lồng của người dân nuôi trên sông Bùng chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân - Ảnh: NGỌC HOA
Cá lồng của người dân nuôi trên sông Bùng chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân - Ảnh: NGỌC HOA

Ngày 19-9, ông Hồ Sỹ Dũng - chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Nghệ An - cho biết đã yêu cầu các phòng chuyên môn phối hợp Phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu kiểm tra, thống kê thiệt hại và lấy mẫu nước, mẫu cá chết bất thường trên sông Bùng chảy qua huyện Diễn Châu để xác định nguyên nhân dẫn đến cá chết.

Theo phản ánh của người dân dọc sông Bùng, tình trạng cá chết bắt đầu diễn ra từ ngày 17-9, kéo dài trên 10km. Các loại cá sinh sống từ tầng đáy cho đến tầng nổi như cá chép, cá diếc hay như loài cá khỏe như rô phi đều chết.

Không chỉ cá tự nhiên mà cả cá nuôi lồng bè dọc sông Bùng cũng chết trắng bè khiến nhiều hộ dân bị thiệt hại lớn.

Ông Chu Văn Thanh (63 tuổi, ngụ xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu) cho biết khoảng 10g sáng 17-9, tại 3 lồng nuôi cá của gia đình nuôi trên sông Bùng bắt đầu xuất hiện hiện tượng cá nổi lên chết hàng loạt.

“Tôi nuôi 3 lồng cá từ đầu năm 2016 đến nay với khoảng 15.000 con cá giống. Mấy ngày nay, cá cá trắm, cá mè có trọng lượng 0,8-1,5kg/con trong lồng chết hơn 1 tấn, thiệt hại gần 500 triệu đồng”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện hiện tượng cá chết mà từ đầu tháng 8-2016 cũng đã xảy ra nhưng số lượng ít hơn.

Nhiều người dân sống dọc sông Bùng nghi ngờ nguyên nhân cá chết hàng loạt có thể do nhà máy sắn đang hoạt động phía đầu sông xả thải ra sông làm mặt nước xuất hiện màu đỏ sẫm, bốc mùi hôi thối.

Ông Lê Thế Hiếu - trưởng phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu - cho biết kết quả đo nhanh mẫu nước của chi cục bảo vệ môi trường và Trung tâm quan trắc và kỹ thuật môi trường tỉnh cho thấy nguyên nhân ban đầu dẫn đến cá chết hàng loạt là do chỉ số ôxy hòa tan trong nước quá thấp.

“Trước mắt chúng tôi khuyến cáo các nhà máy nước, các hộ nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm dọc các xã trên tuyến sông Bùng không được lấy nguồn nước từ sông Bùng. Ngoài ra, phối hợp với Công ty Thủy nông Bắc lấy nguồn nước sông Lam đổ vào sông Bùng để thay rửa chất độc hại trong sông", ông Hiếu nói.

Sông Bùng bắt nguồn từ những dòng sông, suối nhỏ như của huyện Yên Thành và hợp lưu nơi đất Diễn Châu, chảy qua các xã Diễn Quảng, Diễn Hoa, Diễn Kỷ sau đó đổ ra biển Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An).

Liên quan đến thông tin cá chết trên sông Gang xảy ra đầu tháng 8-2016, theo báo cáo của UBND huyện Thanh Chương, huyện đã lập biên bản yêu cầu nhà máy tinh bột sắn Intimex Thanh Chương dừng ngay việc xả thải, phối hợp với các xã lân cận có sông Gang chảy qua tiến hành kiểm tra thực tế, đánh giá mức độ ô nhiễm do việc xả thải của nhà máy và có biện pháp xử lý kịp thời sau khi phát hiện nhà máy này vệ sinh hồ chứa bột ướt, sau đó cho xả thải ra sông Gang.

 

DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên