22/04/2016 12:47 GMT+7

Dân phải được biết chất lượng không khí mỗi ngày

QUỐC THANH (quocthanh@tuoitre.com.vn)
QUỐC THANH (quocthanh@tuoitre.com.vn)

TTO - Nhu cầu chính đáng này càng có ý nghĩa và cấp bách hơn, khi ở những đô thị như TP.HCM, vấn đề ô nhiễm không khí đã trở thành chuyện nóng.

Nội dung thông tin chất lượng không khí được thể hiện trên bảng thông tin điện tử
Nội dung thông tin chất lượng không khí được thể hiện trên bảng thông tin điện tử

TP.HCM từng đi đầu trong việc công bố thông tin về chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm tới sức khỏe cộng đồng. Khi đó, vào khoảng cuối năm 2002 đầu năm 2003, cư dân TP có thể theo dõi tình trạng chất lượng không khí hằng ngày, được chuyển tải trên màn hình điện tử cỡ lớn đặt tại khu vực công viên 23-9 (Q.1).

Biết ngay đang hít thở gì!

Với bảng điện tử nói trên, nhìn vào những thông tin được chuyển tải một cách đơn giản, dễ hiểu, người dân có thể biết ngay chất lượng không khí mà mình hít thở đang ở mức nào trong năm mức: tốt, trung bình, kém, xấu, nguy hại.

Những dữ liệu có được này là nhờ vào hệ thống các trạm quan trắc cố định, có khả năng đo tự động liên tục các thông số về chất lượng không khí. Các chất ô nhiễm thường được đo như NOx (ôxít nitơ), SO2 (ôxít lưu huỳnh), CO (ôxít cacbon), O3 (ôzôn), bụi kích thước nhỏ (PM10).

Từ các dữ liệu, nhà chuyên môn sẽ áp dụng các phương pháp, công thức để tính toán chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index, viết tắt AQI), được chia thành các khoảng nhất định.

Khi giá trị AQI (có thể hiểu nôm na là số điểm) có được sau khi tính toán nằm trong một khoảng nào đó thì thông điệp cảnh báo cho cộng đồng ứng với khoảng điểm đó sẽ được đưa ra.

Ví dụ AQI có điểm từ 0 đến 50, chất lượng không khí được xếp vào loại tốt, không ảnh hưởng đến sức khỏe, được thể hiện bằng màu xanh; AQI trên 300 điểm, chất lượng không khí được xếp vào cột nguy hại, tương ứng với cảnh báo mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe “mọi người nên ở trong nhà”, thể hiện bằng màu nâu (đây là mức cuối cùng trong năm mức).

Như vậy, để có thể tính toán được chỉ số chất lượng không khí AQI và đưa thông điệp cảnh báo cho cộng đồng tương ứng với số điểm AQI thì phải có hệ thống các trạm quan trắc môi trường không khí tự động cố định liên tục, cung cấp số liệu đo các chất ô nhiễm.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hệ thống chín trạm quan trắc không khí tự động cố định liên tục của TP.HCM đã xuống cấp, hư hỏng..., nên không thể tiếp tục cung cấp những số liệu tin cậy đo các chất ô nhiễm không khí, phục vụ cho tính toán chỉ số AQI.

Đây cũng chính là lý do khiến thông điệp cảnh báo cho cộng đồng về chất lượng không khí (trước đây từng được chuyển tải qua màn hình điện tử đặt tại khu vực công viên 23-9) cũng “tắt” theo hệ thống các trạm quan trắc vừa nêu.

Cần công bố cho cộng đồng

 

Toàn cảnh bảng thông tin điện tử về chất lượng không khí từng được thực hiện ở khu vực công viên 23-9 (Q.1, TP.HCM), kết hợp giữa dịch vụ quảng cáo và chuyển tải thông tin AQI - Ảnh tư liệu
Toàn cảnh bảng thông tin điện tử về chất lượng không khí từng được thực hiện ở khu vực công viên 23-9 (Q.1, TP.HCM), kết hợp giữa dịch vụ quảng cáo và chuyển tải thông tin AQI - Ảnh tư liệu

 

Ông Cao Tung Sơn - phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM - cho biết trong năm 2016, TP tái đầu tư hai trạm quan trắc cố định có khả năng đo tự động liên tục các thông số về chất lượng không khí.

Đồng thời, bảy trạm quan trắc khác thuộc nhóm này đang được đề xuất bố trí ngân sách tái đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020.

Như vậy, thông điệp cảnh báo cho cộng đồng về chất lượng không khí thông qua việc công bố chỉ số AQI hoàn toàn phụ thuộc vào lộ trình đầu tư mạng lưới các trạm quan trắc cố định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các nhà chuyên môn cho rằng khác với thời điểm cách đây hơn 10 năm, hiện tại có rất nhiều màn hình điện tử quảng cáo và hệ thống các bảng điện tử lắp đặt dọc các trục giao thông ở khắp TP. Tận dụng hạ tầng này để công bố AQI đến cộng đồng là vô cùng thuận lợi, không cần phải tốn tiền để đầu tư thêm.

Theo các nhà chuyên môn, những công ty quảng cáo đang sở hữu màn hình điện tử nên ủng hộ việc công bố AQI lên công cụ này, vì đây là việc làm mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Phải dự báo chất lượng không khí như dự báo thời tiết

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Lê Văn Khoa (khoa môi trường và tài nguyên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) - người từng trực tiếp tham gia xây dựng các trạm quan trắc chất lượng không khí tự động và công bố rộng rãi AQI trên bảng điện tử - nhấn mạnh:

“Tại sao cần công bố rộng rãi thông tin AQI? Vì khi đó, các nhà quản lý muốn cộng đồng biết rõ chất lượng không khí mà họ đang sống như thế nào. Càng nhiều người biết về chỉ số này càng tốt”.

Theo PGS.TS Lê Văn Khoa, tuy thông tin về AQI được công bố trước đây ở TP.HCM thể hiện chất lượng không khí của ngày hôm qua (số liệu quá khứ), không phải là thông tin dự báo, nhưng vẫn có ý nghĩa nâng cao nhận thức của cộng đồng và người dân, biết được mình đang sống trong bầu không khí với chất lượng ra sao.

Khi đó, họ sẽ có thái độ và chọn lựa được hành vi đúng đắn trước hiện trạng chất lượng bầu không khí được công bố chính thức. Đồng thời, qua đây cũng sẽ tạo ra áp lực để các bên liên quan có biện pháp phù hợp nhằm cải thiện chất lượng không khí.

Tới đây, khi TP đầu tư khôi phục các trạm quan trắc không khí tự động thì cần sử dụng các số liệu thu thập được một cách hiệu quả. Một trong những cách sử dụng hiệu quả nhất là lấy số liệu đo các chất ô nhiễm để tính chỉ số chất lượng không khí và công bố rộng rãi.

Song, điều này càng ý nghĩa hơn khi công bố được những thông tin dự báo về AQI giống như dự báo thời tiết, để người dân biết và lựa chọn cách bảo vệ sức khỏe của mình, các thành viên trong gia đình mình, như một số TP trên thế giới đang làm...

QUỐC THANH (quocthanh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên