23/08/2015 10:37 GMT+7

​Lời nguyền giữ rừng ở Cư H’Lăm

TIẾN THÀNH - KHẮC THỊNH
TIẾN THÀNH - KHẮC THỊNH

TT - Ai đi qua rừng Cư H’Lăm (huyện Cư M'Gar, tỉnh Đắk Lắk) đều mê hoặc trước vẻ đẹp của khu rừng nguyên sinh.

Những thân cây khổng lồ trong rừng nguyên sinh Cư H’Lăm - Ảnh: Tiến Thành

Khung cảnh như tranh vẽ khi bên đường xe cộ qua lại đông đúc là những cây cổ thụ trăm tuổi, những dây leo phủ kín giữ khung cảnh nguyên sơ của rừng tự nhiên.

Khu rừng nằm ngay bên tỉnh lộ 8, cách TP Buôn Ma Thuột hơn 10km. Sở dĩ con người không dám đụng đến rừng này vì một lời nguyền từ xa xưa để lại.

Theo chân già làng Y Ruê Mlô (ở buôn Ea Măp - nằm sát rừng) chúng tôi đi tìm những bí ẩn của khu rừng này. Băng qua rẫy cà phê, chúng tôi leo lên ngọn dốc đồi chừng 200m và ngỡ ngàng trước một rừng cây um tùm, xanh ngát.

Càng đi sâu, rừng càng rậm rạp, không khí càng lạnh và ẩm ướt. Dưới những tán cây dương xỉ, cây duối, sấu đỏ ướt khổng lồ đẫm sương và mưa như lạc vào thế giới khác. Có những gốc cây dầu 10 người ôm không xuể. Hay những cây sấu đỏ sum sê cành, lá xanh tươi hứng nắng mặt trời.

Cư H’Lăm thực chất là khu rừng nguyên sinh nằm trên quả đồi hình nón cụt. Trung tâm của khu rừng là một thung lũng lòng chảo rộng khoảng 16ha, với tầng tầng lớp lớp thảm thực vật, từ cây bụi đến cây gỗ.

Già Y Ruê Mlô bảo: “Cây trong rừng này không ai dám chặt, hễ chặt đem về làm nhà thì nhà sẽ bốc cháy”.

Lời nguyền ấy chẳng biết có từ bao giờ, chỉ biết người đời trước đã kể cho lớp con cháu: thuở xưa, ở buôn Ê Đê nằm phía đông đồi Cư H’Lăm bây giờ, có hai anh em cùng họ Niê yêu nhau. Nhưng gia đình và buôn làng không chấp thuận vì họ phạm vào luật tục.

Sau đó, chàng trai đã bỏ làng đi, còn cô gái lên ngọn đồi than khóc, ngày ngày chờ mong chàng trai trở về. Nước mắt của cô gái thấm xuống đất làm trũng cả một vùng ngọn đồi tạo một hồ nước sâu và toàn thân cô cũng hòa tan vào đó.

Buôn làng nơi cô và người yêu sinh sống cũng bị sụp xuống, tạo nên vùng đầm hồ bây giờ. Sau này, chàng trai trở về buôn cũ, biết chuyện người yêu bèn nhảy xuống hồ chết theo.

“Để ghi nhớ chuyện tình thủy chung của cô gái, người đời sau đã đặt cho ngọn đồi là Cư H’Lăm - theo tiếng Ê Đê có nghĩa là “đồi núi của sự loạn luân” nên bị xa lánh.

Từ đó, người dân không dám chặt phá cây rừng vì nghĩ rằng hồn cô gái và chàng trai đã ngự ở trên đồi, hóa thân vào cây rừng và trở thành linh hồn giữ rừng” - già Y Ruê Mlô giải thích.

Câu chuyện cứ thế truyền miệng từ đời này qua đời khác tạo thành lời nguyền bí ẩn giữ lấy rừng Cư H’Lăm. Có lẽ chính vì ý thức sâu xa về việc ấy mà những cây cổ thụ ở Cư H’Lăm cứ vững chãi xanh tươi giữa thị trấn sầm uất đến bây giờ.

Chúng tôi đem lời nguyền bí ẩn ấy hỏi ông Nguyễn Văn Danh (64 tuổi), trưởng phòng bảo vệ của Công ty cà phê Ea Pôk - đơn vị quản lý trực tiếp khu rừng này, ông cười khà khà nói: “Đó là một bí mật giữ rừng độc đáo của người Ê Đê”.

Ông Danh cho biết hiện nay lực lượng bảo vệ rừng Cư H’Lăm có năm người, nhưng mỗi ngày chỉ một người đi tuần tra rừng là đủ.

“Vì bà con rất có ý thức tự bảo vệ rừng. Không tin các anh cứ thử mang cưa lên rừng, vài phút sau sẽ có người gọi điện báo cho tôi ngay” - ông Danh khẳng định.

Di tích danh lam thắng cảnh

Từ năm 1996, Hạt kiểm lâm huyện Cư M’Gar và khoa lâm nghiệp Trường ĐH Tây nguyên đã điều tra và xác định tại rừng Cư H’Lăm có 112 loài nằm trong 38 họ trên tổng số 3.000 loài thực vật có ở Đắk Lắk.

Trữ lượng bình quân gỗ là 390 m3/ha, riêng các loại gỗ quý hiếm chiếm 13% trong toàn bộ khu rừng.

Về động vật hoang dã còn lại chủ yếu là bò sát như nhím, chồn, cù lần... Ngày 23-9-2009, căn cứ vào những kết quả điều tra toàn diện về yếu tố tự nhiên và lịch sử, UBND tỉnh Đắk Lắk đã công nhận đồi Cư H’Lăm là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.

TIẾN THÀNH - KHẮC THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên