Ngư dân Lành - người vừa bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa - trao đổi với đoàn công tác - Ảnh: TRẦN MAI |
Các bộ ngành không cấm hải sâm thì Quảng Ngãi không dám cam kết chấm dứt tình trạng xâm phạm lãnh hải của ngư dân Quảng Ngãi. Bởi lợi nhuận từ hải sâm quá lớn trong khi chế tài xử lý nhẹ nên vẫn còn tình trạng ngư dân lén lút xâm phạm. |
Ông Đặng Văn Minh, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi |
Thực hiện công điện 732 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng ra nước ngoài đánh bắt trái phép, ngày 23-8 đoàn công tác của Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Cục Kiểm ngư… đã làm việc với tỉnh Quảng Ngãi, gặp gỡ ngư dân xã Bình Châu (huyện Bình Sơn).
Nhiều năm qua tỉnh này luôn đứng vị trí thứ 2 trong các tỉnh có số lượng tàu thuyền và ngư dân xâm phạm trái phép vùng biển các nước khai thác hải sản.
8 tháng, 98 lượt tàu bị các nước bắt giữ, xử lý
Báo cáo tại cuộc họp, ông Dương Văn Tô, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết từ năm 2013 trở về trước ngư dân Quảng Ngãi thường xâm phạm vùng biển các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines.
Sau khi các nước này sử dụng biện pháp cứng rắn thì hiện nay hầu hết việc xâm phạm xảy ra ở các nước xa hàng nghìn hải lý như: Palau, Micronesia, Papua New Guinea, Úc, New Caledonia, Solomon…
Hầu hết các tàu vi phạm trên là của ngư dân Bình Châu (huyện Bình Sơn) và An Hải (huyện Lý Sơn), hành nghề lặn đánh bắt hải sâm, trai tai tượng khổng lồ.
Mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng, liều lĩnh, điển hình như vụ tàu QNg 95122 xâm phạm vùng biển New Caledonia, khi bị lực lượng chức năng phát hiện đã không dừng lại mà lao thẳng vào tàu tuần tra chạy trốn.
Tại cuộc họp, tỉnh Quảng Ngãi nhận định: nguyên nhân do ý thức chấp hành của ngư dân chưa tốt, nguồn lợi thủy sản vùng biển trong nước ngày càng cạn kiệt, chế tài xử lý vừa thiếu vừa không đủ tính răn đe, ngư trường Hoàng Sa liên tục bị tàu Trung Quốc xua đuổi, đâm va, đập phá tài sản.
Từ ngày 1-6 đến nay có 21 tàu cá với 136 ngư dân bị Trung Quốc truy đuổi tấn công, có ba tàu bị đâm chìm ở ngư trường Hoàng Sa gây nhiều khó khăn cho ngư dân.
Ngoài ra việc xử lý các chủ tàu vi phạm chỉ dừng lại ở mức: không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cấp văn bản chấp thuận đóng mới đối với các chủ tàu cá tái phạm, tàu cá bị bắt giữ, tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước giấy phép khai thác thủy sản trong vòng 6 tháng và không cho hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước…
Thứ trưởng Vũ Văn Tám (giữa) lắng nghe và thảo luận với ngư dân và các cơ quan liên quan - Ảnh: TRẦN MAI |
Đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cung cấp thông tin kịp thời, có những chứng cứ để chúng ta đấu tranh. Mặt khác phải hướng dẫn ngư dân khai thác theo tổ đội, duy trì đảm bảo thông tin liên lạc. Sắp tới sẽ hỗ trợ thiết bị thông tin tốt hơn cho tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh hưởng chính sách theo nghị định 48 và 67 để ngư dân an tâm bám biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. |
Ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Bộ NN&PTNT |
Ảnh hưởng xấu hình ảnh Việt Nam
Ông Nguyễn Quốc Dũng, thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho biết: Ngư dân cố tình xâm phạm trái phép vùng biển các nước khai thác hải sản gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, tác động xấu đến việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Để thực hiện nghiêm công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không để tái diễn trường hợp ngư dân Quảng Ngãi vượt ngàn dặm ra nước ngoài đánh bắt, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ NN&PTNT:
- Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ để các tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa trang thiết bị hiện đại.
- Đưa hải sâm vào danh mục các loài hải sản cấm khai thác, hướng dẫn cách nhận biết và bổ sung chế tài xử lý đối với sản phẩm thủy sản khai thác, mua bán không rõ nguồn gốc xuất xứ.
- Hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi một tàu tuần tra kiểm soát.
- Tiếp tục đàm phán ký kết các hiệp định hợp tác nghề cá với các nước để tạo điều kiện ngư dân khai thác hợp pháp trên vùng biển ngoài Việt Nam…
Ông Đặng Văn Minh, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết hiện tại phần lớn chỉ có ngư dân Bình Châu và Lý Sơn là xâm phạm lãnh hải các nước để khai thác hải sâm. Nếu chấm dứt buôn bán hải sâm thì sẽ không còn việc xâm phạm lãnh hải.
Ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng: UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng chịu rất nhiều áp lực để có thể xử lý dứt điểm tình trạng ngư dân xâm phạm vùng lãnh hải các nước.
“Rào cản thủy sản hiện tại của chúng ta là kỹ thuật chứ không phải sản phẩm. Việc ngư dân xâm phạm vùng biển nước khác là một trong những cái cớ mà thủy sản Việt Nam khó vào thị trường EU”, ông Tám khẳng định.
Bên cạnh đó ông Tám cho rằng cần xem xét nhiều khía cạnh, riêng khai thác ở vùng biển Hoàng Sa, từ năm 2017 Trung Quốc tăng cường những biện pháp quyết liệt hơn. Đây cũng là một lý do quan trọng.
Hiện tại Việt Nam đang đàm phán hợp tác nghề các với các nước trong khu vực và đang chỉ có Brunei đồng ý cho đánh bắt trên vùng biển nước này.
Papua New Guinea vẫn tiếp tục đàm phán và tiến triển thuận lợi.
Về lâu dài, ông Tám khẳng định cần thiết phải chuyển đổi ngành nghề.
“Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần nghiên cứu xây dựng kế hoạch hành động. Sắp tới sẽ cấm theo lộ trình các nghề lưới kéo và nghề lặn. Việc đưa hải sâm vào danh mục cấm là vấn đề phải làm”, ông Tám khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận