19/08/2017 11:01 GMT+7

Làm càng nhiều, tỉ lệ giữ lại ít, TP.HCM không đảm bảo phát triển

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, TP.HCM có tỉ lệ nộp thu ngân sách về trung ương cao nhất nhưng lại có mức chi quá thấp, không đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Vấn đề này được ông Nguyễn Thiện Nhân nêu ra khi trình bày đề án “Cơ chế, chính sách đặc thù của TP.HCM để thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn, vì cả nước” tại hội nghị Thành ủy TP.HCM ngày 18-8.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, thời gian qua, tự thân TP.HCM đã có sự vận động mạnh mẽ và dẫn đầu cả nước toàn diện về quy mô dân số và kinh tế.

Điển hình là giai đoạn 1996 - 2016, quy mô nền kinh tế TP tăng 21,3 lần, trong khi cả nước chỉ 16,6 lần; cường độ hoạt động kinh tế của TP.HCM năm 2016 là 463 tỉ đồng/km2, trong khi cả nước chỉ 13,6 tỉ đồng/km2.

Tương ứng, cường độ thu ngân sách tương ứng trên diện tích của TP.HCM cũng gấp 43,9 lần cả nước vào năm 2016 (146 tỉ đồng/km2 so với 3,3 tỉ đồng/ km2)... Đây là những con số được tạo ra từ nội lực, từ đặc thù của chính TP.HCM.

Tuy nhiên, TP.HCM đang đứng trước nhiều thách thức kinh tế - xã hội cần có cơ chế đặc thù từ trung ương để giải quyết. Trong đó rõ nhất là việc TP.HCM có tỉ lệ nộp thu ngân sách về trung ương cao nhất nhưng lại có mức chi quá thấp, không đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.

Cụ thể, tỉ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương liên tục bị cắt giảm từ 33% năm 2003 chỉ còn 18% giai đoạn 2017 - 2020. Tương ứng, dân số TP.HCM chiếm 9,1% cả nước nhưng chỉ nhận ngân sách bằng 4,8% ngân sách cả nước dành cho các địa phương.

“TP.HCM đang đứng trước nghịch lý là làm ra càng nhiều thì tỉ lệ được giữ lại càng ít. Không đủ tái đầu tư phát triển...” - Bí thư Thành ủy nêu.

Nghịch lý này tiếp tục được thể hiện trong năm 2017 khi ngân sách TP.HCM chuyển về trung ương đạt 287.512 tỉ đồng (tăng 53.546 tỉ đồng so với năm 2016) thì phần được giữ lại từ thu ngân sách chỉ là 63.270 tỉ đồng (giảm 6.698 tỉ đồng so với năm 2016).

Những nghịch lý này đã dẫn tới hệ quả “không đủ tái đầu tư phát triển” mà dẫn chứng cụ thể được Bí thư Thành ủy nêu lên là TP.HCM chỉ mới có 1,98km đường/km2 đất, trong khi đạt chuẩn phải từ 10 - 13,3km đường/km2.

Nếu không có cơ chế đặc thù để thúc đẩy thì với tốc độ tăng như giai đoạn 2005 - 2016 (từ 1,45km đường/km2 đất lên 1,98km đường/km2 đất), phải 167 - 230 năm nữa số kilômet đường tại TP.HCM mới đạt chuẩn.

“Trong khi yêu cầu trong nghị quyết 16 của Bộ Chính trị là TP.HCM phải tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị, đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quy hoạch” - Bí thư Thành ủy nói.

*** Error ***
Cầu vượt Cát Lái nối đại lộ Mai Chí Thọ (trái) và xa lộ Hà Nội đoạn qua quận 2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chưa thực hiện đầy đủ theo nghị quyết 16

Trước khi Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trình bày đề án, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã báo cáo tình hình 5 năm thực hiện nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020.

Ông Phong nêu: “Cơ chế, chính sách hỗ trợ TP.HCM theo tinh thần nghị quyết 16 chưa được thực hiện đầy đủ”.

Các vấn đề mà TP.HCM nêu ra gồm: tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM không những không tăng mà còn bị giảm xuống 18%, các nguồn vốn hỗ trợ cho TP.HCM không tăng đáng kể, các khoản thưởng vượt thu ngân sách theo quy định không được đảm bảo...; giao thông không theo kịp nhu cầu phát triển do việc hỗ trợ đầu tư cho các dự án giao thông chủ yếu do TP.HCM tự cân đối ngân sách...

Vấn đề tiếp theo ông Nguyễn Thành Phong nêu là mặc dù TP.HCM đã chủ động đề xuất trung ương phân cấp mạnh cho TP.HCM thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật một số lĩnh vực để sát với đặc thù của TP.HCM, nhưng đến tháng 10-2016 Chính phủ mới đồng ý về chủ trương nên chưa thể triển khai thực hiện.

Trở lại câu chuyện về cơ chế đặc thù, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đặc thù của TP.HCM là đã phát triển nhanh với chính sách không đặc thù. Và với đặc thù đó nếu cộng thêm chính sách đặc thù từ trung ương thì chắc chắn TP.HCM sẽ phát triển và đóng góp cho cả nước nhiều hơn nữa.

Quá thời hạn trả lời coi như trung ương đồng ý

Đây là đề xuất của TP.HCM đối với các đề án dự án, chương trình của TP.HCM trình trung ương phê duyệt theo quy định. Cụ thể là Chính phủ, các bộ ngành... cần xác định rõ thời hạn trả lời (từ 2 tháng đến không quá 4 tháng). 

Quá thời hạn trên nếu không trả lời thì xem như đã đồng ý với đề nghị của TP.HCM và TP.HCM được thực hiện theo nội dung đã trình.

Ngoài ra, TP.HCM cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ phân cấp ủy quyền cho HĐND, UBND và chủ tịch UBND TP.HCM thực hiện một số quyền hạn phù hợp với pháp luật. Trong đó có việc phân cấp hoặc ủy quyền cho TP.HCM thực hiện một số nhiệm vụ có khả năng thực hiện tốt như: phê duyệt dự án, điều chỉnh quy hoạch...

Các thách thức khác của TP.HCM:

- Việc suy giảm, tụt hậu đóng góp của TP.HCM cho cả nước trong đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu từ chỗ chiếm 56,6% cả nước vào năm 2000, đến năm 2016 chỉ còn 18%.

- TP.HCM sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, hiện TP.HCM sụt lún trung bình là 1cm/năm, nước biển dâng trung bình 0,5 - 1cm/năm. Do đó cần đầu tư rất lớn để xây dựng hệ thống đê bao tổng thể trên toàn TP.HCM và từng vùng ven sông.

- TP.HCM có số người nghiện ma túy nhiều nhất cả nước, có tỉ lệ vi phạm pháp luật cao nhất cả nước. Dân số chỉ chiếm 9,6% cả nước nhưng người nhiễm HIV chiếm 16% cả nước, tỉ lệ xét xử các vụ án chiếm 16 - 17% số vụ trên cả nước.

- Tỉ suất sinh dưới tỉ suất sinh thay thế và thấp nhất cả nước, mỗi phụ nữ tại TP.HCM chỉ sinh trung bình 1,24 con. Điều này có lý do từ những bất lợi từ hạ tầng xã hội đè nặng lên người kết hôn.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên