Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về phản ứng của Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng nói: “Hiện nay các cơ quan chức năng đang làm rõ những thông tin liên quan. Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại rằng Việt Nam phản đối mạnh mẽ các hành vi vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân của Việt Nam”.
Theo nguồn tin của báo Tuổi Trẻ, lúc 10h30 ngày 30/7, tại vị trí cách đảo Cù Lao Xanh (Bình Định) khoảng 145 hải lý về hướng Đông Đông Nam, tàu cá Bình Định mang số hiệu 96101TS bị đâm vào mạn phải và bỏ chạy, làm một ngư dân bị thương nhẹ, tàu hư hỏng nặng.
Cũng theo nguồn tin này, lúc 13h30 ngày 30/7, tại vị trí cách Nam Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 129 hải lý và về Bắc đường phân định Việt Nam-Indonesia khoảng 12 hải lý, tàu cá KH 95858TS của Khánh Hòa bị bắn vỡ cabin, hỏng máy chính, không khắc phục được.
Nhận được thông tin, tàu Hải quân 624 đang làm nhiệm vụ gần khu vực đã tiếp cận bảo vệ, giúp khắc phục sự cố nhưng không có kết quả. Đến 8h ngày 31-7, tàu KH 95858TS được tàu cá KH 96634TS lai dắt về Côn Đảo.
Dự án dầu khí với Repsol là hoạt động kinh tế bình thường
Cũng tại họp báo, các phóng viên nước ngoài đặt câu hỏi với Người phát ngôn Bộ Ngoại giao về các thông tin cho rằng dự án dầu khí hợp tác giữa Việt Nam và công ty dầu khí Repsol của Tây Ban Nha buộc phải ngừng hoạt động do Trung Quốc gây áp lực.
Đáp lại, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam với đối tác Tây Ban Nha là hoạt động kinh tế bình thường. Lộ trình, tiến độ triển khai dự án là quyết định của doanh nghiệp dựa trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích của các bên liên quan”.
Bà Hằng tái khẳng định hoạt động dầu khí của Việt Nam diễn ra tại khu vực Biển Đông hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Trả lời một câu hỏi khác liên quan đến Biển Đông - liệu Bộ quy tắc Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) có được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần 50 (AMM50) đang diễn ra tại Philippines không - bà Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định lợi ích chung của ASEAN là duy trì hòa bình an ninh và ổn định trong khu vực và tại Biển Đông.
“Trên cơ sở đó, ASEAN luôn nhất trí cần sớm có một COC hiệu quả và ràng buộc pháp lý nhằm góp phần bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có công ước của LHQ về luật biển 1982 (UNCLOS)”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận