06/07/2017 12:42 GMT+7

Dọn dẹp lòng lề đường: Không phải một vài bữa là xong

VIỄN SỰ - MAI HƯƠNG -  MAI HOA
VIỄN SỰ - MAI HƯƠNG - MAI HOA

TTO - “Đừng ảo tưởng sẽ lập lại trật tự lòng lề đường trong một ngày một bữa. Cử một chủ tịch, phó chủ tịch ra quân dẫu có làm được trước mắt, nhưng liệu làm được bao lâu?", Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Xe máy để tràn lan trên vỉa hè đường Trương Định, Q.1, TP.HCM khiến người đi bộ gặp khó khăn - Ảnh: Tự Trung

Công khai cho dân biết

Mở đầu câu chuyện vỉa hè tại phiên thảo luận của HĐND TP.HCM ngày 5-7, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm nói: “Dư luận đang dấy lên nghi ngờ TP lấy lại vỉa hè để cho thuê. Nhiều quận hứa hẹn khi lập lại trật tự vỉa hè sẽ tổ chức phố hàng rong, nhưng đến giờ các đề án hầu như đều nằm trên giấy. Cần có sự giải thích công khai, rõ ràng những chuyện này”.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Bùi Xuân Cường báo cáo: Qua kiểm tra tại 186 tuyến đường của 24 quận huyện có 85 tuyến đường chuyển biến tốt, vỉa hè thông thoáng. 86 tuyến đường có chuyển biến, 15 tuyến ít chuyển biến và vẫn còn tình trạng buôn bán lấn chiếm tràn lan.

Ông Cường dẫn chứng một số quận có cách làm tốt như Q.1 tổ chức nhiều đợt ra quân lập lại trật tự, Q.Bình Tân nhắn hơn 2.000 tin nhắn vận động người bán hàng không vi phạm...

“Chúng tôi đánh giá người đứng đầu địa phương đã phát huy được trách nhiệm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều phát sinh, không ít tuyến đường vẫn còn bị tái lấn chiếm” - ông Cường nhận xét.

Theo ông Cường, công tác phối hợp giữa các địa phương, nhất là ở khu vực giáp ranh, còn chưa đồng bộ, tuyên truyền còn theo lối mòn, cách làm chưa phù hợp dẫn đến có dư luận cho rằng có tình trạng bảo kê...

Chưa đồng tình với nhận định này, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói: “Đừng ảo tưởng sẽ lập lại trật tự lòng lề đường trong một ngày một bữa. Ra quân dọn dẹp chỉ là trước mắt, không thể bền vững được mà còn rất phản cảm. Cử một đồng chí chủ tịch, phó chủ tịch ra quân dẫu có làm được trước mắt, nhưng liệu làm được bao lâu?”

Bà Tâm cho rằng không cần tốn nhiều kinh phí, nhân sự mà 10 triệu dân TP vẫn sẽ cùng thực hiện nếu chính quyền có giải pháp tốt. Theo bà Tâm, chính người dân sẽ là người giám sát, đưa ra tổ dân phố sinh hoạt, ai làm tốt, ai làm không tốt đều biết cả. Ai vi phạm thì bị xử phạt. Chỉ riêng tiền phạt cũng dư kinh phí phục vụ việc lập lại trật tự lòng lề đường.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm còn yêu cầu lề đường, lòng đường dùng để làm gì phải công khai rõ ra. Tất cả phải có kế hoạch, lộ trình được bàn bạc trong dân. Dân góp ý rồi thì không còn là kế hoạch riêng của cơ quan nhà nước nữa.

“Người dân và Nhà nước cùng làm, người dân trực tiếp tham gia và giám sát. Tôi nghĩ bài toán này sẽ giải được” - bà Tâm khẳng định.

Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa nêu rõ quan điểm của TP đối với vấn đề lập lại trật tự lòng lề đường là phải kiên trì, phải vừa xây vừa chống. “Việc sử dụng lòng lề đường mục đích có phải chỉ để thu phí không? Hoàn toàn là không!” - ông Khoa trả lời câu hỏi nhiều đại biểu đặt ra.

Ông Khoa nói việc thu phí có từ trước, hiện ở các nước việc sử dụng vỉa hè cho mục đích sinh lợi thì phải có nghĩa vụ nộp phí lại cho nhà nước. Sở Giao thông vận tải có trình mức thu phí mới, nhưng UBND TP đã tạm dừng không bàn đến chuyện nâng phí.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Ảnh: Tự Trung

Lo bữa ăn sạch

Thảo luận việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm năm 2015-2016, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nói dân chưa thể yên tâm khi mà vẫn còn nhiều âu lo.

Bà cho rằng người sản xuất, chế biến và tiêu thụ phải liên kết để đảm bảo thông suốt khi cần truy xuất nguồn gốc. Đây là vấn đề khó, UBND TP và các sở, ngành phải đưa ra giải pháp, đi thẳng vào trách nhiệm.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế - nêu thực tế bất cập trong công tác thanh tra xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2015 - 2016 là quận, huyện xử phạt cực kỳ thấp. “Đại biểu hỏi thực phẩm an toàn ở mức độ nào, thực tế là vẫn chưa thật an toàn” - ông Nguyễn Tấn Bỉnh nói.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - cho biết việc thành lập thí điểm cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm là quyết tâm của Thành ủy và UBND TP.HCM, qua đó thống nhất một đầu mối để quản lý.

“Cũng với nhân lực như cũ, nhưng chúng tôi tin tưởng là hiệu quả sẽ tốt hơn vì có sự liên thông, phân nhiệm rõ ràng, khoa học” - bà Lan nhấn mạnh.

Đừng chỉ lo phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ

“Phải chăng doanh nghiệp siêu nhỏ là đặc thù của TP.HCM?” - đại biểu Vương Đức Hoàng Quân đặt câu hỏi. Qua tính toán, ông Quân cho biết TP có thể đạt chỉ tiêu phát triển 500.000 doanh nghiệp có quy mô trung bình khoảng 10 người. Với quy mô này, tiềm lực và tiềm năng vươn xa của doanh nghiệp sẽ rất hạn chế.

“Quy mô doanh nghiệp có thể đa dạng nhưng bên cạnh những doanh nghiệp vừa và nhỏ, TP.HCM rất cần có những doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt, đặc biệt cho mục tiêu phát triển công nghiệp phụ trợ” - ông Quân nêu quan điểm.

Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP Sử Ngọc Anh nhận định muốn phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp TP thì cả ba khâu thị trường, vốn và lao động đều phải được thúc đẩy để biến đổi về chất lẫn lượng. Ông đồng tình với quan điểm muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia tăng nội lực thì rất cần có những gói vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Để thúc đẩy kinh tế TP, nhiều đại biểu cùng thống nhất giải pháp chọn du lịch làm mũi nhọn phát triển. Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân đề xuất lấy ngành du lịch chữa bệnh trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của TP.

“Nha khoa, hiếm muộn là những ngành mà Việt Nam tạo được uy tín. Đông y thì có thể phát triển châm cứu, bấm huyệt, các phương pháp điều trị phục hồi sức khỏe” - ông Quân gợi ý.

Ông Quân còn nhấn mạnh du lịch chữa bệnh hằng năm có doanh thu 60 tỉ USD trên toàn cầu, tốc độ tăng trưởng 20%/năm. Khu vực Đông Nam Á là nơi có rất nhiều tiềm năng để phát triển loại hình này.

VIỄN SỰ - MAI HƯƠNG - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên