16/06/2017 07:23 GMT+7

Cả núi tiền chưa tiêu được vì thủ tục

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Trong khi nhiều địa phương, nhiều dự án dân sinh bức bách lo thiếu vốn thì Phó thủ tướng Vương Đình Huệ xác nhận có tình trạng “có tiền không tiêu hết được”...

Hai công trình trọng điểm của TP.HCM là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và dự án chống ngập tại TP.HCM chưa được bố trí đủ vốn. Trong ảnh: cống kiểm soát triều Mương Chuối (huyện Nhà Bè) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hai công trình trọng điểm của TP.HCM là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và dự án chống ngập tại TP.HCM chưa được bố trí đủ vốn. Trong ảnh: cống kiểm soát triều Mương Chuối (huyện Nhà Bè) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trong phiên trả lời chất vấn ngày 15-6 thừa nhận việc giải ngân vốn cho các dự án “còn dàn trải và chậm”. Trong khi ông Vương Đình Huệ thẳng thắn chuyện có bộ thích “ôm việc” và trong giải pháp có đề cập chuyện xử lý cán bộ làm chậm trễ quá trình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: V.DŨNG
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: V.DŨNG

Đại biểu lo cơ chế xin cho

Trả lời câu hỏi của đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) về việc triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đến nay mới giao được 88% kế hoạch Quốc hội đã quyết định.

Số vốn còn lại tới... 198.379 tỉ đồng chưa giao, nằm ở một số dự án như: chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, các dự án đầu tư đường ven biển, chương trình mục tiêu Biển Đông hải đảo, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia (85.000 tỉ đồng)...

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhấn mạnh câu hỏi: “Nguyên nhân gốc rễ của thực trạng này có phải do vẫn tồn tại cơ chế xin - cho? Vì “xin - cho” nên phân bổ chậm, bố trí vốn dàn trải gây ách tắc đầu tư?”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chậm rãi cho rằng do Quốc hội mới thông qua các kế hoạch trung hạn 2016-2020 nên các bộ, ngành đang còn phải thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định. Khả năng từ nay đến cuối năm, trên thực tế rất khó có thể giải ngân hết số vốn này...

Do bộ trưởng vẫn thong thả trả lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phải cắt ngang, thúc giục cần trả lời nhanh vì vẫn còn trên 40 ý kiến chất vấn và nhiều đại biểu muốn tranh luận.

Không đợi Bộ trưởng Dũng trả lời, Chủ tịch Quốc hội nói luôn: “Tôi trả lời câu này luôn cho bộ trưởng. Theo luật, tất cả công trình trọng điểm quốc gia phải được trình ra Quốc hội cho phép đầu tư có chủ trương thì hiện nay chưa làm được vì chưa làm được thủ tục này. Đường cao tốc Quốc hội phải dời lại kỳ họp tới mới kịp hồ sơ để làm và dự án chống ngập TP.HCM 10.000 tỉ cũng thế”...

Ông Nguyễn Chí Dũng giải thích thêm: trước đây các dự án đều giải ngân theo tiến độ cũng như cam kết của các nhà tài trợ. Tuy nhiên, theo Hiến pháp mới và theo quy định của pháp luật, nay phải xây dựng kế hoạch và tất cả phải đưa vào kế hoạch.

Thời gian qua, một số bộ, ngành và địa phương chưa quan tâm đến vấn đề này nên trên thực tế, bố trí vốn dàn trải và chậm. “Bộ KH-ĐT chỉ làm một việc là hướng dẫn xây dựng các tiêu chí định mức, nguyên tắc tiêu chí phân bổ... Không có chuyện xin - cho...” - ông Dũng khẳng định.

“Việc trả lời chất vấn còn có một số nội dung chưa rõ, chưa thỏa mãn yêu cầu của đại biểu Quốc hội…
Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN THỊ KIM NGÂN kết luận phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG 

Xử nghiêm cán bộ làm chậm trễ

Giải trình thêm về câu chuyện vốn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ xác nhận “việc giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017 tuy có cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng phải thẳng thắn nói là còn chậm và... chúng ta có tiền không tiêu hết được”.

Theo Phó thủ tướng, việc giải ngân chậm thì có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, “nhưng nguyên nhân chủ quan là quan trọng và chủ yếu nhất”.

Công nhận nguyên nhân khách quan là do Luật đầu tư công mới có hiệu lực từ đầu năm 2015 và còn nhiều lúng túng từ khâu ban hành văn bản đến khâu thực hiện, nhưng ông Huệ nêu thực trạng các bộ ngành cũng “giằng xé rất nhiều các lựa chọn”. Thậm chí, “vẫn còn tình trạng thích ôm việc ở các bộ và các ngành”...

Về giải pháp, ông Vương Đình Huệ cho biết Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về đầu tư công, đấu thầu, xây dựng; xử lý nghiêm các cán bộ tham mưu làm chậm trễ quá trình phân bổ, giải ngân, gây ra tiêu cực trong đầu tư công...

Làm cao tốc ở VN rẻ hơn các nước?

Trong phần chất vấn của mình, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) dẫn thông tin cho biết suất đầu tư bình quân của đường cao tốc ở VN khoảng 12 triệu USD/km trong khi Trung Quốc chỉ 5 triệu USD, Mỹ và các nước châu Âu là 3-4 triệu USD/km…

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa trả lời cho biết con số ngược lại: với đường cao tốc 6 làn xe tiêu chuẩn, suất đầu tư ở Mỹ từ 12,8-40,8 triệu USD/km, Trung Quốc khoảng 10,5-13,6 triệu USD/km và trong đề án đường cao tốc Bắc - Nam dự kiến khoảng 9,5 triệu USD/km.

Trong khi đó, TS Phạm Sanh (chuyên gia ngành GTVT) đánh giá Bộ trưởng Nghĩa trả lời đơn giản như trên là... cho xong với dư luận. Thực tế việc xác định suất đầu tư cần có nhiều yếu tố về chất lượng, thời gian sử dụng 50 hay 100 năm… Ngay nước Mỹ, từng tiểu bang cũng có suất đầu tư đường cao tốc khác nhau. Vì vậy, không thể chỉ lấy một tiêu chuẩn đường cao tốc có 4 làn xe để xác định suất đầu tư.

Thực tế, ông Sanh nhận xét các dự án đường cao tốc ở VN thường cái làm sau có vốn đầu tư cao hơn cái trước. Chẳng hạn đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 62km, trong đó 40km đường cao tốc có tổng mức đầu tư 10.000 tỉ đồng. Đến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57km, mức đầu tư 32.000 tỉ đồng. Ông Sanh đề nghị Chính phủ cần thành lập đoàn thanh tra độc lập để xác định suất đầu tư đường cao tốc một cách công khai minh bạch.

Đ.BÌNH - N.ẨN

Nguyên nhân dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) đói vốn và hướng đề xuất xử lý

Nguồn: Bộ Kế hoạch - đầu tư trả lời chất vấn của ĐB Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) - Đồ họa: NHƯ KHANH
Nguồn: Bộ Kế hoạch - đầu tư trả lời chất vấn của ĐB Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) - Đồ họa: NHƯ KHANH

Ý kiến cử tri

* Bà NGUYỄN THỊ HOÀI THU (cử tri TP.HCM, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội):

Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

Chưa thỏa mãn

Thời lượng chất vấn và trả lời kỳ họp này đã tăng lên, giải quyết được thêm một số ưu tư của đại biểu Quốc hội và cử tri. Đã có tranh luận gay gắt để làm sáng tỏ một số vấn đề. Nhưng tôi chưa thấy ai hỏi về việc hàng hóa ở miền Nam thì nhiều hơn miền Bắc nhưng đường sá để đi lại ít hơn, còn các tỉnh phía Bắc hàng hóa ít nhưng đường sá nhiều hơn. Đại biểu cứ cù cưa hỏi sao không làm đoạn này không làm đoạn kia, mà không hỏi tại sao không phân bổ nơi nhiều hàng hóa nơi ít. Vậy nên cử tri như tôi chưa thỏa mãn.

Có nhiều vấn đề bức xúc nhưng đã không nằm trong kế hoạch. Ngoài ra, tôi thấy rằng đại biểu Quốc hội cũng nên nhìn nhận lại vai trò của mình. Thực tế, các đại biểu là lãnh đạo các địa phương rất ít khi phát biểu lẫn chất vấn.

* Ông TRƯƠNG THANH ĐỨC (cử tri Hà Nội):

Ảnh: C.V.K.
Ảnh: C.V.K.


Nhiều chất vấn “loay hoay” qua nhiều kỳ họp

Theo dõi các phần trả lời chất vấn của Chính phủ, tôi thấy vẫn còn trong tình trạng con cà con kê, không đi vào trọng tâm trọng điểm. Nhiều hiện tượng xảy ra rồi, cần xác định xem lỗi chỗ nào, pháp luật hổng ở đâu, cần phải sửa ra sao nhưng theo bộ trưởng trả lời thì lỗi ở hai phía: cả Nhà nước và nhân dân. Câu trả lời quen quá. Có vấn đề được chất vấn và phần trả lời chất vấn cứ loay hoay hết từ kỳ họp này đến kỳ họp khác. Như câu chuyện cả họ làm quan, không chỉ xảy ra ở Yên Bái mà nhiều địa phương khác và nó xảy ra lâu rồi. Đáng lẽ cần phải xem xét công tác sắp xếp cán bộ thế nào...

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục