12/05/2017 19:20 GMT+7

Nhiều tổ chức kiến nghị Thủ tướng về quy hoạch Sơn Trà

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Với ba mặt tiếp giáp biển, một mặt tiếp giáp đô thị, Sơn Trà không có cơ hội mở rộng diện tích, trái lại đã bị thu hẹp 41% diện tích so với thời điểm được công nhận là rừng cấm quốc gia năm 1977.

Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho biết từ kết quả tham vấn chuyên gia, rà soát, nghiên cứu thực tế về quy hoạch bán đảo Sơn Trà, PanNature phối hợp Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh và nhóm nghiên cứu - giảng dạy Môi trường và tài nguyên sinh vật (Đại học Đà Nẵng) đã gửi thư khuyến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, bí thư Thành ủy Đà Nẵng và chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. 

Theo PanNature, việc lựa chọn giữa bảo tồn và phát triển là một câu hỏi cũ và câu hỏi này lại được xới lên mỗi khi một khu bảo tồn thiên nhiên hoặc một vườn quốc gia nào đó bị chạm tới bởi mũi khoan của các dự án phát triển.

PanNature cho rằng đáp án chung của hàng loạt các câu chuyện ở Phong Nha - Kẻ Bàng, Ba Vì, Tam Đảo, Xuân Sơn, Hoàng Liên, Phú Quốc, Côn Đảo, Bái Tử Long, Cát Bà... và gần đây nhất là bán đảo Sơn Trà không nằm ở hai chữ "phản đối" mà cần hài hòa mục tiêu bảo tồn và phát triển.

Nói cách khác là phải phát triển theo hướng bền vững và tuân thủ đúng, đủ các quy trình, quy định pháp luật về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường cũng như đảm bảo các vấn đề an toàn xã hội khác. 

PanNature cũng cho rằng, với bán đảo Sơn Trà, đó là tổng hòa của hệ sinh thái rừng gắn liền biển tự nhiên duy nhất ở Việt Nam nằm ngay tại nội thành. Tuy nhiên, sự bùng nổ của hoạt động du lịch không bền vững trong những năm gần đây đang đe dọa sự tồn tại của hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà - nguồn giá trị chính khiến Sơn Trà trở nên hấp dẫn với du khách.

Với ba mặt tiếp giáp biển, một mặt tiếp giáp đô thị, Sơn Trà không có cơ hội mở rộng diện tích, trái lại đã bị thu hẹp tới 41% diện tích (theo quy hoạch) so với thời điểm được công nhận là rừng cấm quốc gia năm 1977.

Từ kết quả tham vấn chuyên gia và rà soát, nghiên cứu thực tế, các tổ chức, nhóm nghiên cứu gửi thư tới Thủ tướng, lãnh đạo TP Đà Nẵng, khuyến nghị rà soát lại toàn bộ các quy hoạch liên quan đến bán đảo đã được phê duyệt nhằm thống nhất con số về diện tích rừng đặc dụng ở khu bảo tồn tự nhiên Sơn Trà.

- Thứ hai, rà soát và chấn chỉnh lại việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Sơn Trà, đặc biệt chuyển đổi đất rừng đặc dụng và khu bảo tồn thiên nhiên sang “đất khác”.

- Thứ ba, tổ chức điều tra và thẩm định lại đánh giá môi trường chiến lược đối với quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.

- Thứ tư, xây dựng quy hoạch tích hợp tổng thể về bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, kết nối cả hệ sinh thái rừng và biển trong một tổng thể mối liên hệ sinh thái tự nhiên.

- Thứ năm, xem xét quy hoạch hợp nhất Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành khu dự trữ sinh quyển thế giới trình UNESCO công nhận.

- Thứ sáu, xây dựng cơ chế thống nhất giao một đơn vị chính quản lý, bảo vệ rừng, quản lý mọi hoạt động du lịch của du khách và người dân lên bán đảo Sơn Trà.

- Thứ bảy, xây dựng mô hình du lịch sinh thái tạo ra thu nhập từ hoạt động bảo tồn hệ sinh thái và thiên nhiên hoang dã ở Sơn Trà.

- Thứ tám, nghiên cứu và áp dụng mô hình tổ chức phi lợi nhuận tham gia quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà như mô hình Công viên thiên nhiên đảo Phillip ở bang Victoria của Úc và Khu bảo tồn khỉ Tarsier ở Bohol, Philippine.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên