03/05/2017 08:32 GMT+7

Mở đường trên cao 'giải cứu' sân bay Tân Sơn Nhất

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TTO - Dự án đường trên cao kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến được triển khai cuối năm 2017 với tổng vốn 2.600 tỉ đồng nhằm “giải cứu” kẹt xe cho cửa ngõ sân bay theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Dự án đường trên cao vào sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) Nguồn: Công ty cổ phần hạ tầng Đông Á cung cấp -  Ảnh: Quang Định - Đồ họa: Tấn Đạt
Dự án đường trên cao vào sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Nguồn: Công ty cổ phần hạ tầng Đông Á cung cấp - Ảnh: Quang Định - Đồ họa: Tấn Đạt

Đây là dự án mới đang được các cơ quan chức năng tính toán để bổ sung, ngoài 5 dự án đường trên cao theo quy hoạch của TP.HCM.

Nối thẳng vào ga quốc nội và quốc tế

Liên danh nhà đầu tư gồm Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất và xây dựng Đông Mê Kông và Công ty cổ phần hạ tầng Đông Á đã đề xuất dự án đường trên cao (còn gọi là cầu cạn) kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất có tổng chiều dài 3.240m.

Trong đó điểm đầu là sảnh nhà ga quốc tế T2, xây cầu cạn chạy qua trước nhà ga quốc nội T1 ra đường Thăng Long, đi dọc đường Thăng Long qua đường Phan Thúc Duyện, đi qua công viên Hoàng Văn Thụ, vượt qua nút giao và tiếp đất tại 2 nhánh trên đường Hoàng Văn Thụ và Nguyễn Văn Trỗi có chiều dài 2.100m.

Theo ông Hoàng Định - giám đốc dự án thuộc Công ty cổ phần hạ tầng Đông Á, việc kết nối sảnh đi nhà ga quốc tế, nhà ga quốc nội với hệ thống đường trên cao sẽ tạo thuận lợi cho xe lưu thông ra khỏi khu vực sân bay trong thời gian nhanh nhất.

Đồng thời các nút giao với đường Thăng Long giúp xe đi ra khỏi sân bay tại khu nhà ga T1, T2 đi về phía tây của TP ra khỏi đường trên cao tại lối ra trên đường Thăng Long kết nối với đường Cộng Hòa.

Xe cộ ra khỏi sân bay từ khu nhà ga lưỡng dụng đi vào trung tâm TP.HCM lên đường trên cao tại nhánh vào trên đường Phan Thúc Duyện sau khi vượt qua nút giao bằng với đường Thăng Long.

Ông Định cho rằng song song với việc nâng cấp sân bay, mở rộng khu vực đón/trả khách, mở rộng khu đỗ máy bay, việc nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông nhằm giải quyết ùn tắc cục bộ, nâng cao năng lực thông hành đón trả khách và định hướng tiếp cận việc mở rộng phát triển sân bay là cần thiết.

Ngoài ra, dự án sẽ đóng góp phần lớn vào việc giảm ùn tắc cho giao thông bên ngoài tại khu vực nút giao Hoàng Văn Thụ, tương lai có thể kết nối với tuyến đường trên cao số 1 từ nút giao này vào trung tâm TP.HCM.

Theo ông Nguyễn Văn Tám - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, từ đề xuất của liên danh các nhà đầu tư, UBND TP.HCM đã giao Sở GTVT xem xét trình dự án này.

Sở đã gửi đề xuất dự án trên đến các sở, ngành để xin ý kiến góp ý cho dự án. Sở đang tổng hợp ý kiến phản hồi và sẽ trình UBND TP.HCM xem xét trong thời gian tới.

Hai nhánh xuống của đường trên cao tại đường Nguyễn Văn Trỗi và Hoàng Văn Thụ Nguồn: Công ty cổ phần hạ tầng Đông Á cung cấp  - Đồ họa: Tấn Đạt
Hai nhánh xuống của đường trên cao tại đường Nguyễn Văn Trỗi và Hoàng Văn Thụ Nguồn: Công ty cổ phần hạ tầng Đông Á cung cấp - Đồ họa: Tấn Đạt


Nguồn vốn ở đâu?

Liên danh các nhà đầu tư cho biết tổng mức đầu tư của dự án khoảng 2.600 tỉ đồng, trong đó ngân sách TP.HCM cần hỗ trợ cho công tác giải phóng mặt bằng khoảng 450 tỉ, phần còn lại 2.150 tỉ đồng cần hoàn vốn bằng quỹ đất.

Đồng thời, đề xuất có cơ chế đặc thù cho việc thực hiện dự án, như các dự án chỉ định nhà đầu tư đang triển khai.

Trước đó, vào tháng 9-2016 liên danh các nhà đầu tư đã đề xuất đầu tư đường trên cao với tổng chiều dài 5.010m và có vốn đầu tư 3.500 tỉ đồng, nay vì sao rút gọn lại chiều dài còn 3.240m và vốn đầu tư còn 2.600 tỉ đồng?

Ông Hoàng Định cho biết sau khi tính toán lại toàn bộ dự án và TP.HCM đã triển khai xây dựng cầu vượt ở giao lộ Trường Sơn - Hồng Hà kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất, nên đơn vị thiết kế đã điều chỉnh giảm khoảng 1.600m cầu cạn và nhờ đó vốn đầu tư dự án giảm gần 1.000 tỉ đồng so với trước.

Về nguồn vốn, theo nhà đầu tư, đây là dự án có sức hút lớn nguồn vốn của các ngân hàng thương mại.

Phương án tài chính của dự án đã xác định cụ thể các chi phí thường xuyên dành cho công tác bảo trì trong thời gian khai thác, do đó sẽ đảm bảo khả năng cung cấp dịch vụ liên tục, ổn định, đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Cũng theo ông Hoàng Định, trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn ngân sách, khả năng bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn (2016 - 2020) không có.

Trong khi kêu gọi nguồn vốn ODA hạn chế và có nhiều công trình cần ưu tiên, việc nghiên cứu để triển khai theo hình thức đối tác công tư, cụ thể là hình thức hợp đồng PPP với quy mô thích hợp là cần thiết và phù hợp với tình hình hiện nay.

Hạn chế giải tỏa

Ông Hoàng Định khẳng định công trình hình thành sẽ mang lại vẻ hiện đại và tiện nghi cho giao thông đô thị trong khu vực.

Tuy nhiên, tại sân nhà ga T1 đã hình thành nhà để xe cao 5 tầng, vì thế khi thiết kế có lưu ý tới yếu tố thẩm mỹ công trình, tránh gây sự chật chội, ảnh hưởng tới cảnh quan kiến trúc.

Công tác giải phóng mặt bằng không lớn vì chỉ ảnh hưởng đến một số tòa nhà của các đơn vị, một phần nhỏ công viên Hoàng Văn Thụ.

Tổng diện tích chiếm dụng của dự án khoảng 5,12ha, trong đó hơn 50.637m2 diện tích giải tỏa thuộc các cơ quan cảng hàng không Tân Sơn Nhất, cảng vụ hàng không, Vietnam Airlines...

Theo liên danh các nhà đầu tư, đơn vị đang nỗ lực phấn đấu làm nhanh các thủ tục để các cơ quan chức năng phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào quý 3-2017 và dự kiến khởi công dự án vào quý 4-2017, đưa công trình vào khai thác trong quý 1-2019.

>> Mở đường trên cao, liệu có chuyển vị trí kẹt xe?

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên