05/04/2017 09:47 GMT+7

Nhà cao hơn đường cả mét, đập tam cấp lấy gì lên?

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Nhiều nhà đường Phạm Văn Đồng sau khi nâng nền cao hơn mặt đường cả mét mới phát hiện nâng hớ. Giờ người dân lại lo lắng khi nhận thông báo buộc báo dỡ các bậc tam cấp lên nhà.

Nhiều nhà dân trên đường Phạm Văn Đồng, P.3, Q.Gò Vấp (TP.HCM) xây bậc tam cấp cố định như thế này - Ảnh: Tự Trung
Nhiều nhà dân trên đường Phạm Văn Đồng, P.3, Q.Gò Vấp (TP.HCM) xây bậc tam cấp cố định như thế này - Ảnh: Tự Trung

Vừa qua, nhiều người dân có nhà trên đường Phạm Văn Đồng, P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM lo lắng khi nhận thông báo của UBND phường yêu cầu người dân tự tháo dỡ các bậc tam cấp lên xuống nhà.

Người dân lo lắng vì độ cao nền nhà của họ chênh so với độ cao lề đường hiện hữu từ 0,6-1,8m.

Xây nền nhà cao do dự báo sai cao độ đường

Dọc đường Phạm Văn Đồng phía chạy qua địa bàn Q.Gò Vấp, cốt nền nhà dân có độ cao thấp khác nhau. Nhiều nhà xây nền nhà cao hơn lề đường gần 1,8m.

Ông Võ Đình Hoàng Gia (chủ nhà 91-93 Phạm Văn Đồng, P.3, Q.Gò Vấp) kể trước đây nhà ông dài 20m, kéo ra đến tim đường Phạm Văn Đồng hiện hữu.

Khi làm đường này, nhà ông bị giải tỏa nên chiều dài chỉ còn chưa tới 5m, sau đó ông mua thêm phần diện tích của nhà bên cạnh ghép lại xây nhà. Thời điểm xây nhà, lo lắng cảnh đường cao hơn nhà gây ngập nên ông Gia đến hỏi ban quản lý dự án về cao độ đường trong tương lai.

Theo số liệu khuyến cáo của ban quản lý dự án, ông Gia xây dựng nền nhà cao hơn nền cũ 0,6m. Nhưng sau này, độ cao mặt đường hạ thấp so với khuyến cáo ban đầu nên nền nhà ông Gia hiện tại cao hơn lề đường khoảng 0,8m.

Để lên xuống nhà, ông Gia phải làm hai bậc tam cấp, một bằng gỗ để đẩy xe lên xuống, một bằng sắt để đi lại.

Nhận thông báo của UBND P.3 (Q.Gò Vấp) về việc tự tháo dỡ các bậc tam cấp, nhưng hiện ông Gia đang làm nghề sửa xe máy tại nhà, hằng ngày phải dắt nhiều xe lên xuống nên ông chưa tháo dỡ.

“Độ cao mặt đường làm không đúng như kế hoạch ban đầu làm dân xây nền nhà bị hớ, giờ mà tháo dỡ mấy bậc tam cấp dân biết lấy đường nào đi” - ông Gia nói.

Gần đó, gia đình ông Nguyễn Phú (271 Phạm Văn Đồng, P.1, Q.Gò Vấp) cũng đang lo lắng khi nghe thông tin phải tự tháo dỡ bậc tam cấp lên xuống.

Ông Phú cho biết lúc xây nhà, ông được Ban quản lý dự án đường Phạm Văn Đồng cho biết so với mặt đường hiện hữu, chỉ số cao độ nền đường sẽ tăng lên khoảng 0,6m. Để tránh nhà xây thấp hơn lề đường, bị ngập úng, ông Phú cho thiết kế nền nhà cao hơn độ cao mặt đường được dự báo.

Tuy nhiên, sau khi ông Phú xây nhà xong, cao độ đường lại giảm so với dự kiến ban đầu khiến nền nhà ông cao hơn lề đường khoảng 1,2m.

“Nếu chính quyền buộc tháo dỡ chúng tôi cũng chấp hành, nhưng phải tính làm sao cho người dân thuận tiện đi lại. Hiện vỉa hè đường Phạm Văn Đồng rộng khoảng 3m nên có thể cho người dân làm bậc tam cấp thu gọn để đi lại” - ông Phú đề xuất.

Tạm thời ngưng tháo dỡ

Ông Võ Minh Trí - chủ tịch UBND P.3 (Q.Gò Vấp) - cho biết ngoài tuyến đường Phạm Văn Đồng, trên địa bàn P.3 còn có đường Nguyễn Thái Sơn, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Kiệm, người dân đều phản ảnh tình trạng nền nhà cao hơn lề đường.

Như đường Phạm Văn Đồng độ chênh giữa nền nhà dân và lề đường rất lớn, khoảng từ 0,6m trở lên, thậm chí nhiều nền nhà cao hơn lề đường 1,8m.

UBND phường ra thông báo chủ yếu vận động người dân tự tháo dỡ bậc tam cấp theo chủ trương chung của quận.

Ông Trí cũng xác nhận trước đây sau khi giải tỏa, giao mặt bằng thực hiện dự án đường Phạm Văn Đồng, ban quản lý dự án và đơn vị thi công đưa ra một cao độ nền tương lai cao hơn độ cao mặt đường hiện hữu.

Sau đó lại làm mặt đường thấp hơn cao độ dự kiến, dẫn đến việc người dân xây dựng nền nhà mới có độ chênh cao hơn lề đường.

“Sau khi nhận phản ảnh của người dân, phường đã làm văn bản xin ý kiến của quận để có giải pháp xử lý cho dân” - ông Trí nói.

Ông Nguyễn Khả Chính - trưởng Phòng quản lý đô thị Q.Gò Vấp - cho hay việc người dân ở đường Phạm Văn Đồng xây dựng cốt nền nhà cao hơn lề đường đã hình thành từ lâu, cho nên chủ trương của quận tạm thời vẫn giữ nguyên hiện trạng các bậc tam cấp của người dân để tìm phương án giải quyết hợp lý.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hiệp - nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng TP - cho biết Luật xây dựng quy định Nhà nước phải cung cấp cao độ san nền ngay trong bản vẽ và giấy phép xây dựng, sửa chữa của người dân.

Tuy nhiên, tình hình thực tế ở Việt Nam nhiều mốc cao độ chuẩn đã mất hết, cho nên người dân không biết lấy mốc chuẩn nào để xác định cốt nền xây dựng. Quận, huyện cũng không xác định giúp dân, vì vậy người dân tự “áng chừng”, khiến nhiều nền nhà dân hiện nay cao hơn lề đường.

Do vậy, cơ quan chức năng phải xem xét, tùy theo bề rộng vỉa hè, để tính toán cho nhà dân tồn tại tam cấp hay không. “Nhà nước có thể thu thuế phần vỉa hè người dân sử dụng để xây tam cấp” - ông Hiệp kiến nghị.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên