27/03/2017 18:43 GMT+7

Đền bù bao nhiêu cho trẻ bị xâm hại tình dục?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đây là câu hỏi được đại diện Hội bảo vệ quyền trẻ em VN, bà Ninh Thị Hồng nêu lên tại phiên điều trần về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em chiều 27-3.

Bà Ninh Thị Hồng - ủy viên thường trực Hội bảo vệ quyền trẻ em VN phát biểu tại phiên điều trần - Ảnh: Lê Kiên

Phiên điều trần được Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tổ chức vừa kết thúc cách đây ít phút, không ít ý kiến đề nghị Quốc hội có nghị quyết về vấn đề này. 

Sao lại phải lên tận tỉnh để giám định?

Phát biểu đầy day dứt, bà Ninh Thị Hồng nêu một vấn đề là luật quy định khi có vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra thì cơ quan có quyền trưng cầu giám định là công an. Nhưng những vụ việc xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, ở bản làng nào đó, gia đình phát hiện ra thì chỉ đưa con đến trạm xá, đến huyện là cùng, bởi làm sao họ biết trung tâm giám định pháp y ở trên tỉnh mà đến. 

“Còn thêm thủ tục nữa là phải ngành công an cấp giấy thì bên y tế mới tiến hành giám định. Như vậy làm sao có thể lưu giữ được chứng cứ để sau đó xác định người nào xâm hại trẻ em?” - bà Hồng băn khoăn.

Đại diện Hội bảo vệ quyền trẻ em đề nghị ngành công an và y tế phải ngồi bàn với nhau để tạo điều kiện tốt nhất cho nạn nhân đi giám định.

“Có thể cấp dưới không có chức năng giám định, nhưng khi nạn nhân đến thì phải ghi nhận, lưu giữ lại chứng cứ như các em bị xây xước, bầm tím những chỗ nào, có tinh trùng trong âm đạo không… để sau đó cung cấp cho cơ quan giám định” - bà Hồng gợi ý. 

Một trong những khoảng trống của pháp luật được bà chỉ ra nữa là ngành y tế cũng chưa chú trọng giám định tổn hại tinh thần cho trẻ em.

"Tôi xin hỏi là với một em bị hiếp dâm thì tỷ lệ tổn hại sức khỏe, tinh thần là bao nhiêu?”, bà hỏi. “Khi xử một vụ xâm hại tình dục trẻ em, thử hỏi thực tế tòa án tuyên đền bù tổn hại vật chất, tinh thần là bao nhiêu, khi mà cứ đòi hỏi đưa hóa đơn và đưa giám định tỷ lệ thương tật?".

"Tôi xin nói rằng một em bé đang phát triển bình thường như vậy, khi bị xâm hại tình dục thì có thể cả đời bị ám ảnh, bị ngơ ngẩn, bị điên dại. Vậy ai đền bù cho các em?” - bà Hồng trăn trở.

Đừng làm các em sợ hãi

Đề cập đến công tác điều tra, lấy lời khai của nạn nhân, bà Ninh Thị Hồng cho biết bản thân bà đã đọc nhiều biên bản ghi lời khai và thấy thủ tục này còn bất cập, chưa thân thiện, nhiều trường hợp khiến các em sợ hãi. 

“Ví dụ khi các em bị xâm hại, tinh thần đang hoảng loạn, thì người lấy lời khai các em cũng là nam cảnh sát, mặc sắc phục, dùng từ ngữ của người lớn để hỏi như: Ông ấy giao cấu với cháu ngày nào? Ông ấy có sờ vào âm đạo, âm hộ của cháu không, có cầm dương vật dí vào không?... Hỏi trẻ em những câu như vậy thì các em trả lời ra sao, có dám trả lời không?” - bà nêu.

Dẫn ra vụ việc thương tâm ở Cà Mau, nạn nhân là cháu bé 13 tuổi đã tự tử chết, bà hỏi: “Việc một ông thủ trưởng cơ quan điều tra quyết định không khởi tố vụ án với lý do không có tội phạm, dẫn đến việc em bé ức quá tìm đến cái chết. Bây giờ các anh lại khẳng định là vụ này có tội phạm, sẽ khởi tố, vậy xử lý cơ quan điều tra và người quyết định không khởi tố vụ án như thế nào?”. 

Trả lời, thượng tá Đinh Văn Trình - đại diện Cục cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an - cho biết: "Vụ việc ở Cà Mau chúng tôi chưa đánh giá đúng hay sai, có thiếu trách nhiệm không, nhưng có chuyện phó thủ trưởng Cơ quan điều tra công an tỉnh Cà Mau ra quyết định không khởi tố vụ án". 

“Có thể lúc đó dựa vào những tài liệu, nhận định, tham khảo ý kiến hai ngành (Tòa án, Viện kiểm sát). Nhưng sau đó thì phải hủy quyết định này và đã khởi tố vụ án, thu thập thông tin tài liệu để xử lý tiếp” - ông Trình nói. 

 

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên