12/01/2017 09:40 GMT+7

Khổ thân voi quá, đừng bắt voi phục vụ con người

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Số lượng voi của Việt Nam đang suy kiệt nhanh chóng. Các con voi phải ăn uống kham khổ, bị xích chân, bị đóng bành (giàn giá gỗ đặt trên lưng) để khách du lịch ngồi lên.

Những con voi ở Bản Đôn (Đắk Lắk) hằng ngày vẫn phải nặng nhọc lội sông cõng khách phục vụ du lịch - Ảnh: CHÂU ANH
Những con voi ở Bản Đôn (Đắk Lắk) hằng ngày vẫn phải nặng nhọc lội sông cõng khách phục vụ du lịch - Ảnh: CHÂU ANH

“Việc rừng mất đi đang khiến môi trường sống của voi bị thu hẹp, voi tiếp xúc nhiều hơn với con người và từ đó gia tăng các nguy cơ. Muốn bảo tồn voi tốt, trước hết chúng ta cần phải giữ cho được rừng

Ông Cao Chí Công (phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT)

Tại hội thảo đánh giá công tác quản lý bảo tồn voi Việt Nam được tổ chức ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) ngày 11-1, các chuyên gia quốc tế cho rằng xu hướng hiện nay trong ngành du lịch có sử dụng voi là du khách thích được ngắm voi “sống hạnh phúc và thân thiện”, thay vì bắt voi phải phục vụ con người.

“Việc để voi phải chở khách, bị trói xích là điều không mong muốn, nhưng hiện nay chưa có nhiều chính sách hỗ trợ. Chúng tôi muốn có khoản hỗ trợ thực tế để được thả voi về rừng” - ông Y Khu Êban, chủ voi ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk nói khi được đề nghị nêu ý kiến với tư cách người nuôi voi.

Voi làm nhiều, ăn ít

Ông Cao Chí Công - phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) - cho biết đến cuối năm 2015, toàn quốc chỉ còn khoảng 60 con voi nhà và khoảng 100 con voi hoang dã.

So với chỉ vài chục năm trước đây, số lượng voi của Việt Nam đã suy kiệt nhanh chóng. Ông Huỳnh Trung Luân - giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk - cho biết hiện Đắk Lắk có 44 con voi nhà.

Kết quả đánh giá mới nhất cho thấy trong số này chỉ có 7 con voi cái đủ điều kiện để giao phối, làm mẹ. Phần lớn voi đã già yếu, không đủ điều kiện sinh con...

Cũng theo ông Luân, hiện nay đàn voi nhà đang phải chịu đựng những điều kiện sống không đảm bảo: voi được các công ty du lịch và hộ gia đình quản lý, chăm sóc với mục đích chính là phục vụ khách du lịch.

Mỗi con voi mỗi ngày chỉ được cho ăn lượng thức ăn không đủ, phải bị xích chân, bị đóng bành (giàn giá gỗ đặt trên lưng) để khách du lịch ngồi lên.

Ăn uống kham khổ nhưng voi lại phải cõng khách lội sông để lấy tiền trang trải cuộc sống cho gia chủ. Khi voi bị đau ốm thì không được chăm sóc tốt, bị sống tách biệt dẫn đến “stress” nặng, tinh thần ức chế.

“Trong những điều kiện như thế thì quả thật rất khó để voi có thể khỏe mạnh, vui vẻ, chứ chưa nói đến việc voi có thể động dục và sinh sản” - ông Luân chia sẻ.

Trong khi đó, đàn voi rừng cũng đối diện nhiều nguy cơ không kém voi nhà: năm 1980 Đắk Lắk có 500 con voi rừng thì nay chỉ còn 60-80 con. Năm năm trở lại đây, bình quân mỗi năm có 3 xác voi rừng được phát hiện ở bìa rừng, ở nương rẫy của người dân, hố nước.

Rừng bị tàn phá khiến hành lang di chuyển hẹp lại, nguồn thức ăn ít đi, bắt buộc voi phải ra gần khu vực có con người để kiếm ăn, uống nước. Trong lúc kiếm ăn, voi đã bị người dân xua đuổi, rơi vào hố nước, hoặc đau lòng hơn là có những trường hợp voi bị sát hại để lấy ngà, dính bẫy.

Tiến sĩ Willem - bác sĩ thú y người Hà Lan - cho rằng “thời gian cho voi Việt Nam đang ít dần, nếu tình trạng như hiện tại thì không lâu nữa, 10-15 năm tới đàn voi của Đắk Lắk sẽ không còn”.

“Không nên coi việc ngồi trên lưng voi là thú vui”

Bà Sarah Blaine - Quỹ quản tượng Thái Lan - cho biết trước đây, đất nước láng giềng của Việt Nam là Thái Lan cũng từng có giai đoạn voi được sử dụng để kéo gỗ, khai thác rừng. Từ năm 1999, khi việc khai thác rừng bị cấm hẳn thì đàn voi dường như đã bắt đầu thay đổi số phận.

“Ở Thái Lan, có những ngôi làng mà hiện nay nếu các bạn tới sẽ thấy dường như voi sống rất thân thiện, tình cảm với con người.

Ở các ngôi làng đó, voi có thể sinh sản rất tốt, luôn có người chăm sóc nhưng không hề bị nuôi nhốt, không bị xích chân, quản tượng cũng không dùng gậy gộc có đinh nhọn hoặc mấu sắt để bắt voi tuân lệnh mà voi vẫn theo mệnh lệnh của quản tượng” - bà Sarah Blaine nói.

Tương tự, chuyên gia voi thuộc Trung tâm cứu hộ voi Boon Lott (Thái Lan) Katherine Connor cho rằng việc sử dụng voi vào hoạt động du lịch là nhu cầu của con người. Nhưng nếu biết làm khéo léo thì chuyện voi và người sống với nhau thân thiện là điều hoàn toàn có thể.

Ở các nước có đàn voi được bảo tồn tốt, voi sống hòa đồng với con người và việc chăm sóc, quản lý, sử dụng voi vào kinh doanh du lịch được quy định hết sức chặt chẽ.

Ví dụ như chủ voi không bao giờ được cho voi chở khách ngồi trên lưng, không được có đám đông quá sáu người tập trung quan sát voi, không lại gần để chụp ảnh khiến voi bị ảnh hưởng tâm lý...

“Chúng tôi cho rằng cách thức đóng bành rồi cho khách du lịch ngồi lên trên, rồi voi chở người là một biểu hiện của việc voi bị đối xử chưa tốt. Một số nước đã làm rất thành công cách thức du lịch “ngắm voi, chơi với voi” chứ không sử dụng voi.

Nghĩa là voi được nuôi càng mạnh khỏe, sống thân thiện, béo tốt thì du khách tới thăm càng đông, người dân càng có thu nhập. Du khách chỉ cần thấy voi mạnh khỏe, hoặc họ có thể ngắm voi trên các nhà chòi, chụp ảnh với voi một cách tự nhiên” - chuyên gia Katherine Connor nói.

Nhiều du khách Việt Nam thích cưỡi voi

Ông Nguyễn Công Chung - phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk - cho rằng cách để voi sống thân thiện, vừa hút khách du lịch như mô hình đã thành công ở các nước là thật sự lý tưởng trong công tác bảo tồn voi.

“Nhưng đó là ở các nước, còn hiện nay ở chúng ta thì khách du lịch - chủ yếu khách trong nước - khi tới nơi có voi thường thích... cưỡi voi và họ rất thích thú việc đó. Nhu cầu quá lớn, trong khi các chủ voi cũng có lợi nhuận nên đã dùng voi vào việc chở khách.

Chúng tôi cho rằng để thay đổi điều đó là một quá trình còn rất dài nữa, phụ thuộc vào nhiều phía” - ông Chung nói.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên