23/10/2016 10:58 GMT+7

Vụ lọt hố ga, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Q.KHẢI - S.BÌNH - L.PHAN - T.DUNG
Q.KHẢI - S.BÌNH - L.PHAN - T.DUNG

TTO - Đến chiều 22-10, các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được thân nhân của người đàn ông tử vong sau khi lọt hố ga trước bến xe Miền Tây, Q.Bình Tân, TP.HCM.

Hố ga mở nắp không che chắn tại đường Lê Văn Việt (Q.9, TP.HCM) - Ảnh: LÊ PHAN
Hố ga mở nắp không che chắn tại đường Lê Văn Việt (Q.9, TP.HCM) - Ảnh: LÊ PHAN

Nhiều ý kiến cho rằng cần phải xử lý hình sự vụ việc trên để những tai nạn chết người tương tự không còn tái diễn.

“Bẫy tử thần” khắp nơi

Trong khi đó, ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 22-10 cho thấy trên nhiều tuyến đường ở TP, những chiếc “bẫy” hố ga bị mất nắp nằm rải rác khắp nơi.

Tại khu vực chung cư Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) đang được thi công để sửa chữa đường có một hố ga nhô cao hơn mặt đường khoảng 30cm nhưng không được rào chắn hay đặt biển cảnh báo.

Trên đường Lê Văn Việt (Q.9) đoạn giao với đường Lã Xuân Oai đến ĐH Giao thông vận tải hiện đang được thi công nâng cấp cũng có năm hố ga không được đậy nắp.

Các hố ga này nằm bên trong phần đường cho người đi bộ và sâu khoảng 2m cũng không có biển cảnh báo.

Tương tự, chỉ một đoạn đường đang thi công dài 200m trên đường Tạ Quang Bửu (Q.8) có đến hai miệng cống thoát nước sâu hoắm, không có nắp đậy nằm ngay sát lối đi.

Toàn bộ công trình này không rào chắn gì xung quanh khu vực thi công, thậm chí không có biển cảnh báo để người dân cảnh giác.

Người dân sống xung quanh đây cho biết mỗi khi mưa nước ngập che khuất miệng cống tạo thành những cái bẫy ẩn mình dưới nước.

Lỗi của đơn vị thi công

Chiều 22-10, Công an Q.Bình Tân đã công bố hình ảnh nạn nhân bị lọt hố ga tử vong. Nạn nhân khoảng 43 tuổi, cao 1,65m, sống mũi cao, dái tai trung bình. Hình ảnh nhận dạng thi thể cho thấy trước ngực người đàn ông tử vong có xăm hình rồng phượng.

Nạn nhân có thể chết do va đập và ngạt nước, tuy nhiên phải chờ kết quả giám định pháp y. Người dân nào biết nạn nhân có thể liên hệ số điện thoại 0984135992 gặp cán bộ điều tra Nguyễn Phương Nam để cung cấp thông tin.

Ông Nguyễn Ngọc Công - giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, chủ đầu tư dự án - cho biết đang tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn nhằm phục hồi dữ liệu từ điện thoại nạn nhân để có cơ sở liên hệ người nhà.

Cũng liên quan đến tai nạn trên, ông Công cho biết kết quả vẫn phải chờ cơ quan điều tra nhưng qua thông tin từ người dân và hình ảnh từ camera thì nguyên nhân trực tiếp là đơn vị thi công (Công ty TNHH liên doanh xây dựng VIC) công trường không có rào chắn, biển cảnh báo hoặc người hướng dẫn giao thông.

“Trước mắt chúng tôi yêu cầu nhà thầu thi công và đơn vị tư vấn giám sát khẩn trương khắc phục các lỗi như trên trước khi thi công hạng mục còn lại của dự án” - ông Công cho biết.

Có thể xử lý hình sự

Đề cập vụ tai nạn trên, luật sư Trương Xuân Tám cho rằng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự những người có liên quan tội “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo Bộ luật hình sự.

Theo đó, người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm...

Còn luật sư Huỳnh Văn Nông cho biết vụ việc trên còn có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” với mức án đến 12 năm tù.

Theo luật sư Nông, hậu quả nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của con người; những thiệt hại về tài sản, uy tín của cơ quan, tổ chức và những thiệt hại phi vật chất khác. “Cơ quan điều tra nên khởi tố vụ án, xử lý nghiêm minh, tránh những việc tương tự có thể xảy ra về sau” - luật sư Nông nói.

Ông Nguyễn Bật Hận - phó chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM - cho biết sẽ chỉ đạo rà soát lại các công trình. Đối với các công trình thi công cẩu thả, không đặt biển báo cảnh báo nguy hiểm thì mức xử phạt có thể lên đến 25 triệu đồng.

Các miệng cống cũ có dấu hiệu bị hư hỏng sẽ kiểm tra xem đơn vị nào quản lý, sau đó đề nghị khắc phục sửa chữa để đảm bảo an toàn cho người đi đường.

“Người dân thấy các đơn vị thi công không đảm bảo an toàn có thể gọi vào số đường dây nóng trên bảng thông tin công trình hoặc gọi thẳng vào số điện thoại của tôi: 0903812723 để chúng tôi xử lý” - ông Hận nói.

Dấu hỏi trách nhiệm từ những cái chết oan uổng

Sau cái chết đau lòng của một bé trai 8 tuổi ở Bình Dương, một người đàn ông tại TP.HCM vừa đột ngột qua đời vì tai nạn tương tự.

Giải thích cớ sự, chủ đầu tư dự án khu hành chính Dĩ An (Bình Dương) phân bua vỉ chắn rác đã bị mất cắp. Phía công ty thi công hố ga ở đường Kinh Dương Vương (TP.HCM) cho biết công trình đang được thi công, có bốn cột sắt và dây nilông rào chắn. Vào thời điểm người đàn ông bị nạn, công nhân đang đi đậy nắp các hố ga nên đã tháo dây bảo vệ...

Nghe có vẻ như đó chỉ là những bất trắc ngoài ý muốn, rằng trước đó các đơn vị đã làm các điều cần làm theo phận sự.

Tương tự những trường hợp tử vong khác, không thấy các công ty nhận lỗi và có trách nhiệm tương thích. Các hiểm họa trên đường cứ thế xảy ra, gieo cho các cư dân nhiều nỗi bất an.

Phải nói rằng trong tất cả lĩnh vực đều có thể tiềm ẩn những rủi ro, quan trọng là làm sao có thể dự báo trước, kiểm soát được diễn tiến của rủi ro và giảm thiểu hậu quả xuống mức thấp nhất.

Vì lẽ đó, các đơn vị thi công không thể chỉ làm cho xong việc trước mắt mà cần phải biết tự vấn để có thể giải quyết các tình huống phát sinh.

Khi có chết người xảy ra thì phải xác định nguyên nhân, hành vi trái pháp luật và yếu tố lỗi để từ đó quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Đối với các vụ tai nạn từ các cống thoát nước như trên, dù yếu tố lỗi đã rõ nhưng các đơn vị thường chỉ hỗ trợ để “chia sẻ, xoa dịu”. Vì sao không phải là nghĩa vụ bồi thường theo luật định?

Một hình thức truy cứu cao hơn, đó là xử lý hình sự. Tùy trường hợp, các cơ quan pháp luật có thể truy cứu các tội danh như tội cản trở giao thông đường bộ, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính...

Song trước giờ ít khi những người liên can bị khởi tố. Các cơ quan hữu trách vẫn thường nhìn nhận là tai nạn ngoài ý muốn, là bất khả kháng nên không điều tra cho ra lẽ, cùng lắm thì đơn vị có liên quan chỉ bị xử lý hành chính.

Cộng đồng có quyền đòi hỏi chính quyền phải có giải pháp để chấm dứt những cái chết oan uổng từ miệng cống, hố ga... Vậy nên những câu hỏi về việc bỏ lửng trách nhiệm mà từ lâu thiếu lời giải xác đáng vẫn phải tiếp tục được đặt ra.

BÁ TRUNG

 

Q.KHẢI - S.BÌNH - L.PHAN - T.DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên