03/10/2016 17:25 GMT+7

Nhiều câu hỏi về vụ xử phạt phóng viên Quang Thế

Thạc sĩ NGUYỄN MINH SƠN (Viện KSND cấp cao tại TP.HCM)
Thạc sĩ NGUYỄN MINH SƠN (Viện KSND cấp cao tại TP.HCM)

TTO - Để làm rõ việc xử phạt vi phạm hành chính của công an quận Tây Hồ đối với phóng viên (PV) Quang Thế có đúng pháp luật hay không, chúng ta phải làm rõ nhiều vấn đề cần quan tâm.

Cơ quan điều tra thu thập thông tin từ nhà báo Quang Thế và chiến sĩ cảnh sát Ngô Quang Hưng tại hiện trường xảy ra vụ “xô xát” trên cầu Nhật Tân - Ảnh: Thân Hoàng

Trước hết, theo pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000, đối tượng được xem là bí mật nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Như vậy, vụ việc một công dân tự sát trên cầu Nhật Tân, nếu tiết lộ ra ngoài khi chưa có kết luận của cơ quan điều tra có làm nguy hại cho Nhà nước hay không? 

Vấn đề thứ hai là khu vực khám nghiệm hiện trường vụ tự sát có phải là khu vực cấm hay địa điểm cấm hay không?

Theo quy định hiện hành thì những khu vực, địa điểm được xác định thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải đánh số, đặt bí số, bí danh, ký hiệu mật hoặc phải được cắm biển cấm.

Theo thông tư số 12/2002/TT-BCA(A11) do Bộ Công an ban hành ngày 13-9-2002, khu vực, địa điểm khi đã xác định thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải cắm biển cấm.

Biển cấm gồm hai loại: biển “khu vực cấm” kích thước 80 x 60cm, làm bằng vật liệu bền vững; chữ viết màu đen trên nền biển màu trắng; viết bằng hai thứ tiếng Việt và Anh; dòng trên viết tiếng Việt, chiều cao hàng chữ là 20cm, dòng dưới viết tiếng Anh, chiều cao hàng chữ là 10cm.

Còn biển “địa điểm cấm” kích thước 40 x 25cm, làm bằng vật liệu bền vững; chữ viết màu đen trên nền biển màu trắng; viết bằng hai thứ tiếng Việt và Anh; dòng trên viết tiếng Việt, chiều cao hàng chữ là 8cm, dòng dưới viết tiếng Anh, chiều cao hàng chữ là 6cm (có mẫu kèm theo).

Nếu khu vực khám nghiệm hiện trường vụ tự sát xảy ra ngày 23-9 trên cầu Nhật Tân được xác định là khu vực cấm thì công an có thực hiện đúng quy định của pháp luật hay chưa?

Tại sao công an không sử dụng biển báo “khu vực cấm” hoặc “địa điểm cấm” mà lại sử dụng các chiến sĩ công an làm “cột mốc sống”?

Việc sử dụng “cột mốc sống” như vậy có đúng quy định của pháp luật hay không? Và việc công an không thực hiện việc cắm biển báo “khu vực cấm” hoặc “địa điểm cấm” thì khu vực đó có được xem là khu vực cấm hoặc địa điểm cấm hay không?

Trong vụ việc xảy ra trên cầu Nhật Tân ngày 23-9, từ vị trí những người ngăn cản nhà báo tác nghiệp (bìa trái) đến vị trí chiếc taxi có tài xế tự tử (bìa phải) còn có rất đông người, không rõ vị trí nào là ranh giới hiện trường vụ việc - Ảnh cắt từ clip
Trong vụ việc xảy ra trên cầu Nhật Tân ngày 23-9, từ vị trí những người ngăn cản nhà báo tác nghiệp (bìa trái) đến vị trí chiếc taxi có tài xế tự tử (bìa phải) còn có rất đông người, không rõ vị trí nào là ranh giới hiện trường vụ việc - Ảnh cắt từ clip

Vấn đề thứ ba, nếu thỏa mãn các căn cứ để xử phạt PV Quang Thế như trình bày nêu trên thì việc xử phạt vi phạm hành chính cũng phải tuân thủ pháp luật.

Theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, mọi quyết định xử phạt phải căn cứ vào biên bản, trừ trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức, khi đó người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt tại chỗ. 

Luật xử lý vi phạm hành chính cũng quy định việc xử phạt vi phạm hành chính được căn cứ vào hồ sơ vụ việc vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến mà không cần phải lập biên bản nhưng chỉ trong các trường hợp vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, sau đó có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án.

Câu hỏi đặt ra là ngay từ ban đầu, công an có xác định hành vi của PV Quang Thế là hành vi phạm tội hay không?

Nếu hành vi của PV Quang Thế khó có thể xác định là hành vi phạm tội thì công an có ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự hay chưa? Quyết định đó có gửi cho viện kiểm sát cùng cấp đúng hạn luật định hay không?

Chỉ có như thế thì việc xử phạt vi phạm hành chính đối với PV Quang Thế mới không cần lập biên bản.

PV Quang Thế không lợi dụng tư cách nhà báo

Về việc xử phạt PV Quang Thế có hành vi lợi dụng tư cách nhà báo để can thiệp và cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân, luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: hành vi “lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân” được quy định tại điểm b, khoản 2, điều 6 nghị định số 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Hành vi này chỉ bị xử lý khi phóng viên, nhà báo tác nghiệp không theo sự phân công của lãnh đạo tờ báo, việc tác nghiệp là hành vi cá nhân có chủ đích và vi phạm quy định của Luật báo chí thì mới bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trường hợp PV Quang Thế đi lấy tin bài theo sự chỉ đạo của lãnh đạo, ở góc độ nào đó được xem là thực hiện công việc được giao.

Cơ quan công an cũng không chứng minh được PV Quang Thế có hành vi vi phạm và cản trở việc điều tra nên không thể khẳng định PV Quang Thế lợi dụng tư cách nhà báo để cản trở công việc của cá nhân, tổ chức.

HOÀNG ĐIỆP

Thạc sĩ NGUYỄN MINH SƠN (Viện KSND cấp cao tại TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên