30/08/2016 17:54 GMT+7

Bia chiếm 25-30% thu ngân sách Thừa Thiên - Huế

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Nguồn thu ngân sách của Thừa Thiên - Huế vẫn chưa thật sự bền vững, phụ thuộc nhiều vào sản phẩm bia, chiếm 25-30% tổng thu ngân sách.

Công ty Bia Carlsberg Việt Nam giới thiệu về nhà máy bia Huế đặt tại Khu công nghiệp Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) - Ảnh: GIA HƯNG
Công ty bia Carlsberg Việt Nam giới thiệu về nhà máy bia Huế đặt tại Khu công nghiệp Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) - Ảnh: GIA HƯNG

Báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế khai mạc ngày 30-8 về kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm 2010-2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho biết kinh tế của tỉnh phát triển ổn định, tăng trưởng kinh tế (9,1%) thấp hơn kế hoạch đề ra (hơn 13%) là mức tăng trưởng hợp lý.

Tuy nhiên, các con số của Ban kinh tế - ngân sách HĐND đưa ra cho thấy vị trí nền kinh tế của Thừa Thiên - Huế hiện vẫn còn thấp trong khu vực miền Trung.

Thế mạnh du lịch nhưng thu chủ yếu dựa vào bia

Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách HĐND do ông Nguyễn Quang Tuấn trình bày cho biết quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng gấp 1,54 lần so với năm 2010, tuy nhiên quy mô vẫn còn nhỏ, đứng thứ 4/6 tỉnh Bắc Trung bộ (chỉ đứng trên Quảng Trị, Quảng Bình), đứng cuối cùng trong năm tỉnh, thành của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định).

Phát triển công nghiệp chủ yếu dựa vào các sản phẩm như: bia, ximăng, điện, dệt may trong khi năng lực sản xuất mới tăng thêm chưa nhiều, chưa có sản phẩm mới mang tính đột phá.  

Cũng theo Ban kinh tế - ngân sách, ngành du lịch tỉnh này tiếp tục phát triển khá nhanh, tổng lượng khách du lịch đến Huế tăng bình quân 16,7%/năm, tổng lượt khách lưu trú đứng thứ 3/6 tỉnh Bắc Trung bộ, doanh thu du lịch tăng bình quân gần 20%/năm.

Tuy nhiên, xét về tổng thể, sự phát triển của ngành du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh.

Có nhiều ý kiến cho rằng du lịch Thừa Thiên - Huế đang phát triển chậm lại, trong khi các tỉnh trong khu vực có ít tiềm năng hơn nhưng đã phát triển mạnh mẽ và có sự bứt phá. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do chưa phát triển các sản phẩm du lịch mới có chất lượng, hấp dẫn để níu chân du khách.

Vì vậy, nguồn thu vẫn chưa thật sự bền vững, phụ thuộc nhiều vào sản phẩm bia, chiếm 25-30% tổng thu ngân sách (năm 2015 tổng thu 5.010 tỉ đồng); chưa xuất hiện sản phẩm mới để đóng góp vào tăng thu ngân sách.

Tính đến năm 2015, quy mô thu ngân sách của Thừa Thiên - Huế đứng thứ 4/6 tỉnh Bắc Trung bộ,  5/5 tỉnh thành của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Trong khi đó, chi ngân sách thường xuyên lại tăng mạnh do trung ương ban hành nhiều chính sách, chế độ mới; một số nhiêm vụ chi chưa thật sự tiết kiệm, các khoản chi cho sự nghiệp khoa học công nghệ, xúc tiến đầu tư, các mô hình phát triển sản xuất... chưa mang lại hiệu quả tương xứng. Chi đầu tư còn phụ thuộc vào nguồn thu tiền sử dụng đất và nguồn trung ương bổ sung nên tính bền vững chưa cao.  

Đến năm 2015, quy mô vốn đầu tư của tỉnh Thừa Thiên - Huế đứng thứ 4/6 tỉnh Bắc Trung bộ, 5/5 tỉnh thành của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Nhà máy bia Huế của tập đoàn Carlsberg đặt tại Khu công nghiệp Phú Bài - nơi tạo ra nguồn thu chính cho tỉnh Thừa Thiên - Huế - Ảnh: GIA HƯNG
Nhà máy bia Huế của Tập đoàn Carlsberg đặt tại Khu công nghiệp Phú Bài - nơi tạo ra nguồn thu chính cho tỉnh Thừa Thiên - Huế - Ảnh: GIA HƯNG

 

Chuyển từ quản lý sang hỗ trợ doanh nghiệp

Kế hoạch 5 năm 2016-2020, UBND tỉnh vẫn đưa ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) là trên 9%, tương đương mức tăng của 5 năm qua.

Để thực hiện mục tiêu đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề nghị bốn nhóm giải pháp tổng hợp để phát triển nền kinh tế của tỉnh trong giai đoạn 5 năm 2016-2020.

Trong đó, giải pháp đột phá phát triển kinh tế được Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh: “Phải thay đổi tư duy trong toàn bộ hệ thống, lấy tư duy hỗ trợ doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp làm chủ đạo, thay cho tư duy quản lý doanh nghiệp”.  

Cũng theo ông Cao, tỉnh sẽ thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo hướng có lợi nhất cho nhà đầu tư. Đồng thời, đề xuất trung ương một số cơ chế tạo đột phá như: cơ chế đặc thù phát triển “Đô thị di sản”; xã hội hóa việc trùng tu và khai thác quần thể di tích cố đô Huế... Thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, hình thành Trung tâm xúc tiến đầu tư tập trung; mở văn phòng xúc tiến đầu tư tại các thị trường lớn như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Tập trung thu hút từ 5 đến 10 nhà đầu tư có năng lực mạnh để đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng giao thông, đường bay, các dịch vụ du lịch cao cấp, sản xuất công nghiệp sạch.

Ban Kinh tế - ngân sách đề nghị ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn nhằm tạo hình ảnh mới trong thu hút vốn đầu tư trên địa bàn. Đó là các dự án: Trung tâm thương mại Vincom Hùng Vương và khách sạn 5 sao Vinpearl Huế, khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô, các công trình hạ tầng ở khu đô thị Chân Mây - Lăng Cô… Phát triển vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên