28/06/2016 07:43 GMT+7

Đầu tàu không thể chạy mãi bằng than đá hay dầu diesel

MAI HƯƠNG - MAI HOA (maihuong@tuoitre.com.vn)
MAI HƯƠNG - MAI HOA (maihuong@tuoitre.com.vn)

TTO - Nới rộng thời gian làm việc suốt buổi chiều đến tận 19g ngày 27-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các bộ ngành lắng nghe, bàn bạc thấu đáo nhiều vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bìa trái) trò chuyện với lãnh đạo TP.HCM sau buổi làm việc - Ảnh: Tự Trung
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bìa trái) trò chuyện với lãnh đạo TP.HCM sau buổi làm việc - Ảnh: Tự Trung

 

Cùng tham dự có các phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, các bộ trưởng và thành viên Chính phủ. Về phía TP.HCM có Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành.

Tại buổi làm việc này, lãnh đạo TP.HCM đã đề đạt lên Thủ tướng 7 nhóm kiến nghị với 28 kiến nghị chi tiết về phân cấp ủy quyền, cơ chế tài chính đặc thù, tổ chức bộ máy, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo an ninh trật tự cho TP.HCM.

Tôi đề nghị TP.HCM phải có ước mơ xa hơn, cao hơn, quyết tâm chính trị rõ hơn thì bước đi ở những lĩnh vực then chốt mới mạnh mẽ toàn diện, còn nếu cứ lừng khừng hoặc thiếu quyết tâm chính trị thì khó đưa TP.HCM thành ngọn cờ đầu của cả nước trong các lĩnh vực

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

Đi đầu trong tự chủ bệnh viện và trường học

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành ưu tiên bố trí vốn theo tiến độ thực hiện cho dự án Bệnh viện Nhi đồng và Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 từ nguồn vốn trung ương.

Ngoài ra, chấp thuận cho TP đầu tư 3 dự án bệnh viện cửa ngõ TP gồm Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi từ nguồn ngân sách TP để sớm triển khai thực hiện. TP.HCM cũng kiến nghị trung ương cho phép thí điểm thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm TP, là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP trên cơ sở tổ chức lại các cơ quan đang thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Liên quan lĩnh vực y tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá TP.HCM hiện chưa có bệnh viện công nghệ cao. TP thậm chí còn chưa phải là trung tâm khám chữa bệnh của quốc gia chứ chưa nói đến tầm khu vực. Ông Phúc đặt vấn đề: “Xã hội hóa mạnh mẽ y tế để tự trang trải, tự nuôi sống, tự phát triển được không? TP.HCM mà cứ làm bình bình như các tỉnh miền núi phía Bắc là không được”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết về kiến nghị thí điểm thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm TP, bộ hoàn toàn nhất trí. Theo bà Tiến, với quy định hiện nay, Bộ Y tế là đầu mối chủ trì thường trực, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương. Nhưng với một TP lớn như TP.HCM mà để Sở Y tế làm đầu mối chịu trách nhiệm trước UBND TP thì e rằng là vượt khả năng. “Việc này TP cứ thí điểm, nếu gặp khó khăn, Bộ Y tế sẽ chia sẻ” - bà Tiến nói.

Riêng việc đầu tư 3 bệnh viện cửa ngõ TP bằng nguồn ngân sách TP, bà Tiến cho rằng nên làm càng sớm càng tốt. Theo bà Tiến, hiện nay vốn đầu tư cho y tế chủ yếu là từ ngân sách, còn nguồn vốn xã hội hóa rất nhỏ. Vừa qua TP đầu tư xây dựng, nâng cấp một số bệnh viện quận huyện để giảm tải, Bộ Y tế rất hoan nghênh, tuy nhiên tỉ lệ giường bệnh trên đầu người của TP so với mức phát triển của TP là quá thấp.

Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa y tế, giáo dục để đẩy nhanh phát triển cơ sở vật chất hạ tầng cho hai lĩnh vực này.

Kiên quyết thu hồi nhà đất sử dụng không đúng mục đích

Về vấn đề xử lý nhà đất do các cơ quan, đơn vị, công ty nhà nước thuộc trung ương quản lý trên địa bàn TP.HCM, TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp TP tăng cường công tác hậu kiểm việc triển khai thực hiện phương án phê duyệt của Bộ Tài chính đối với 102 địa chỉ nhà đất của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn TP, kiên quyết thu hồi đối với nhà đất đang tiếp tục sử dụng chưa đúng mục đích, công năng, bỏ trống, cho thuê, cho mượn...

Cụ thể, xử lý thu hồi nhà đất tại số 831 Trường Chinh (P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú) của Xí nghiệp Cơ khí xếp dỡ đường sắt Sài Gòn, đang cho thuê toàn bộ và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo đúng phương án phê duyệt của Bộ Tài chính; tạo quỹ nhà đất cho TP quản lý để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình phúc lợi công cộng, công viên cây xanh, trường học, bệnh viện...

TP cũng kiến nghị không giao tài sản cố định là nhà đất cho các công ty nhà nước để thực hiện cổ phần hóa đối với nhà đất đang sử dụng không đúng mục đích, không đúng công năng... Khi giao tài sản cố định là nhà đất cho các công ty nhà nước để thực hiện cổ phần hóa phải có ý kiến của UBND TP.HCM theo quy định.

Riêng với đề xuất cho phép TP.HCM được chủ động tự quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để giảm áp lực cho ngân sách đối với các dự án cải tạo xây mới chung cư cũ xuống cấp, sắp sập, các dự án chỉnh trang đô thị, di dời tái định cư, cải thiện đời sống cho các hộ dân ở trên và ven kênh rạch..., Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bày tỏ sự đồng tình: “Tôi cho rằng nên phân cấp mạnh cho TP. Riêng với những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Thủ tướng thì đề nghị nên báo cáo Quốc hội, xin ý kiến Bộ Chính trị. Những vấn đề có thể cho TP thí điểm thì đề nghị TP lập thành đề án” - ông Dũng góp ý.

Đầu tàu không thể chạy mãi bằng than đá hay dầu diesel

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho rằng giải quyết cơ chế chính sách cho TP.HCM chính là giải quyết cơ chế cho cả nước. Tất cả kiến nghị của TP hôm nay trình lên Thủ tướng đều căn cứ nghị quyết 16 của Bộ Chính trị trên tinh thần cho phép TP.HCM thí điểm tất cả vấn đề luật chưa có, chưa quy định. “Sau 40 năm, TP.HCM luôn là đầu tàu. Nhưng đầu tàu không thể chạy mãi bằng than đá hay dầu diesel mà phải có một năng lượng mới, đầu tàu phải chạy bằng nhiên liệu tốt nhất, thậm chí là năng lượng nguyên tử để kéo các toa tàu tăng tốc” - ông Thăng nói.

Trước các đề xuất của TP, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nên thống nhất quan điểm chung là ủng hộ TP. “Chính phủ mong muốn TP.HCM đi đầu trong đề xuất các cơ chế chính sách. Với các đề xuất không trái luật, đề nghị ủng hộ cho TP làm thí điểm” - ông Đam nói.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: vượt lên khó khăn chung, TP vẫn giữ được mức độ tăng trưởng khá, Chính phủ cũng đánh giá cao sự ổn định chính trị xã hội của TP trong bối cảnh phức tạp vừa qua.

“Tôi đề nghị TP phải có ước mơ xa hơn, cao hơn, quyết tâm chính trị rõ hơn thì bước đi ở những lĩnh vực then chốt mới mạnh mẽ toàn diện, còn nếu cứ lừng khừng hoặc thiếu quyết tâm chính trị thì khó đưa TP thành ngọn cờ đầu của cả nước trong các lĩnh vực” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Cơ bản nhất trí với 7 nhóm kiến nghị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra cho TP.HCM một số mục tiêu phát triển như xây dựng TP thông minh, có khả năng kết nối sâu sát vào chuỗi giá trị khu vực và quốc tế. TP phải cạnh tranh được với các TP lớn của khu vực châu Á, năng động, hiện đại, là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông. Một mặt, TP phải là điểm nhấn thu hút đầu tư và khởi nghiệp, hướng tới nền kinh tế thị trường hài hòa, bền vững. Từ mục tiêu đó, Thủ tướng cho rằng TP phải xây dựng cơ cấu kinh tế thông minh, lấy dịch vụ và công nghệ cao làm mũi nhọn.

Thủ tướng cũng cho biết về cơ bản nhất trí với 7 nhóm kiến nghị của TP. Có những việc, dự án phải trình sớm trong tháng 7-2016. Có những kiến nghị sẽ cho thí điểm, có kiến nghị sẽ được làm thẳng, một vài kiến nghị thì phải bàn với các bộ ngành về phương thức, cách làm, nhưng còn chủ trương thì cơ bản là thống nhất. Chính phủ sẽ có văn bản cụ thể trả lời cho TP.

“Chúng ta không có tiền nhiều, chúng ta phải cho TP cơ chế để TP.HCM vận động, phát triển lên. Chúng tôi mong muốn rằng những cơ chế này sẽ góp phần giúp cho điều hành và phát triển của TP” - Thủ tướng nhấn mạnh.

TP.HCM kiến nghị tăng biên chế lực lượng công an

Nhằm đảm bảo an ninh trật tự, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép lực lượng công an TP được áp dụng cơ chế đặc thù về tăng cường biên chế, đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật và các chế độ chính sách của cán bộ chiến sĩ ngang tầm với quy mô địa bàn trọng điểm và đặc điểm phức tạp của TP; thí điểm bố trí công an chính quy tại các xã có tốc độ đô thị hóa nhanh.

MAI HƯƠNG - MAI HOA (maihuong@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên