19/06/2016 19:53 GMT+7

​Những sự kiện làng báo Sài Gòn xưa

TRẦN NHẬT VY giới thiệu
TRẦN NHẬT VY giới thiệu

TTO - Làng báo Sài Gòn có tuổi đời hơn 150 năm. Trong hơn 150 ấy, rất nhiều sự kiện đã xảy ra, trở thành những giai thoại khó quên.

Làng báo Sài Gòn
Bìa sách “Làng báo Saigon 1916-1930”, một ấn phẩm có giá trị về báo chí VN của NXB Đại Học Columbia - Ảnh: T.L

Với tâm huyết nghề nghiệp, nhà báo Trần Nhật Vy sao lục, biên tập để giới thiệu một số những chuyện được chính các nhà báo đi trước kể lại trên các tờ báo tại Sài Gòn vài chục năm trước đây.

Hi vọng những câu chuyện này giúp bạn đọc ngày nay hiểu thêm về nghề báo của làng báo Sài Gòn xưa. 

Báo chí thống nhứt ý chí và hành động

Đây là câu chuyện kể của nhà báo Minh Chiếu - Cao Thượng Thinh, một trong những nhà báo tiên phong của làng báo Sài Gòn. Ông từng cộng tác với các tờ Công Luận, Lục Tỉnh Tân Văn, Hoàn Cầu Tân Văn... từ 1926 đến 1945. 

Ngược dòng thời gian, giai đoạn đầu của Nam Bộ Kháng Chiến, chúng tôi theo làn sóng tản cư của đồng bào từ Xóm Thơn Gò Vắp (Gò Vấp) lên tới cầu Rạch Quảng (Ba Thôn), thì dừng lại trú ngụ ở nhà anh Lộc (chủ nhà hàng O’daka ở Dakao, cả gia đình anh đã tản cư lên ở đây). Gia đình anh Trúc Chi (đã ra người thiên cổ) cũng tản cư ở gần đó.

Đôi ba ngày anh em chúng tôi sang sông qua An Phú Đông (cơ sở kháng chiến ở Gò Vắp, Tân Bình, 1 số thiên cư về đây).

Một hôm, chúng tôi phải ở lại đêm vì có nhiều anh từ các nơi về gặp nhau ở đây. Đêm hôm đó, chúng tôi nói chuyện về công cuộc kháng chiến giành độc lập.

Một anh quả quyết rằng “Thực dân phải bị đánh đuổi, dân tộc quốc gia ta dù đã bị chúng chia ra Trung, Nam, Bắc Kỳ nhưng nguồn gốc của ta là một, chúng ta sẽ thống nhứt toàn vẹn”.

Bổng anh Trúc Chi nổi hứng đọc lên 4 câu ca dao “Chim xa rừng thương cây nhớ cội/Người xa nguồn trôi nổi lắm nơi/Nước non là nước non trời/Ai chia đặng nước, ai dời đặng non”.

Bất giác lòng tôi rạo rực trào dâng một niềm tin mảnh liệt vào sự thiêng liêng, vì “Nước non là nước non trời/Ai chia đặng nước ai dời được non”.

Hồn song núi đất Việt trời Nam hun đúc Nam Bộ Kháng Chiến nên khí hào hùng tràn ngập không gian!

Khi làm cho báo Nam Kỳ được mấy tháng tôi vẫn còn ốm yếu, tay không cầm được viết như bình thường - hậu quả bị trói buộc tra tấn ở Dĩ An - phải kẹp cây viết vào ngón trỏ và ngón giữa mà viết một cách khó khăn, thì một hôm có mấy anh đến thăm.

Đó là các anh Vũ Tùng, Trí Mai, Sinh (Nam Quốc Cang) và một anh nữa tôi không nhớ tên. Rồi các anh bàn qua việc thành lập tổ chức Báo Chí Thống Nhứt.

Ngẫu nhiên, một trong 4 anh vụt thốt ra 4 câu ca dao trên, làm tôi liên tưởng đến cái đêm cùng mấy anh em gặp nhau trong buổi “hội thảo” ở An Phú Đông.

Công khai bất hợp pháp

Và chúng tôi đã đồng ý trên nguyên tắc về tổ chức báo chí thống nhứt. Các anh chia nhau mỗi người một phần việc, vận động với anh Paul Lê Văn Trường cho đặt văn phòng báo chí thống nhứt tại 34 Bonard (tức tại báo quán Nam Kỳ), mặt khác đi vận động các chủ báo, ký giả...

Một số tờ báo ra đời tại Sài Gòn từ những năm đầu - Ảnh: T.L

Đâu đó đều hội ý trước được hầu hết chấp nhận tham gia nên ngày khai đại hội bầu Ban chấp hành cũng không có gì trục trặc đáng tiếc. Anh Tú Nguyễn Ngọc Phương được cử làm Tổng thơ ký, tôi được cử làm Phó Tổng thơ ký.

Một nội qui đưa ra, tất cả đều chấp thuận “Báo chí VN không được đăng bài vở, tin tức bất lợi cho kháng chiến. Nếu bị nhà cầm quyền thực dân bắt buộc thì tim cách làm cho suy giảm ảnh hưởng của bài hoặc tin tức của họ đưa...”.

Đại khái nội qui của báo chí thống nhứt là thế. Mỗi tuần phải họp một lần, chủ báo bận không đi được thì cử đại diện thẩm quyền, phải có giấy giới thiệu trước.

Tôi đại diện chánh thức cho báo Nam Kỳ, dù thế, hai ông Trường và Đáng thường dự phiên họp nhưng không quyền biểu quyết, vì đã có tôi. Phiên họp hàng tuần để phê bình, rút tỉa ưu khuyết điểm và đề chương trình hoạt động tuần tới. Độ 2 tháng sau một phiên đại hội bất thường được triệu tập và tôi được cử thay anh Tú Phương giữ chức Tổng thơ ký.

Chắc quí vị lấy làm lạ tại sao báo chí thống nhứt không cử chủ tịch mà lại chỉ cử Tổng thơ ký. Đó cũng là đặc điểm của báo chí thống nhứt lúc bấy giờ, Tổng thơ ký được trọn quyền, các ủy viên phải tùy theo quyết định mà thực hành, nếu có bất đồng ý kiến phải đủ số ¾ mới họp đại hội giải quyết. Và một điều ít ai biết là báo chí thống nhứt làm bình phong nổi cho một đoàn thể chánh danh khác hoạt động chìm!

Cũng xin nói thêm, tổ chức báo chí thống nhứt không cần xin phép nhà cầm quyền (Pháp) - vì xin vị tất họ đã cho - nên chỉ gởi văn thơ báo cho Ủy viên Cộng hòa Pháp (lúc bấy giờ là ông Torel) biết vậy thôi. Và dường như nhà cầm quyền thực dân không nhìn nhận mà cũng không ra mặt cấm nên sở mật thám đã tiếp phái đoàn báo chí thống nhứt cũng như viên chánh văn phòng Phủ Ủy viên cộng hòa tiếp kiến Tổng thơ ký.

Như thế báo chí thống nhứt đã sanh hoạt “công khai bất hợp pháp” đẩy cao trào Nam Bộ Kháng Chiến đến mức độ là nhà cầm quyền thực dân ái ngại...

Báo chí thống nhứt đã được một việc thống nhứt ý chí, thống nhứt hành động bằng cách quyết định cách báo trong tổ chức đều nghỉ ngày chủ nhựt chỉ để một tờ xuất bản ngày đó, in hàng chữ lớn trên tựa báo (manchette) “Cơ quan báo chí thống nhứt”.

Độc giả chỉ mua báo của tổ chức

Luân phiên như vậy. Anh em làm báo khác (nghỉ) viết bài cho tờ báo ra ngày chúa nhựt, bán báo trừ các sở phí còn lại đem chia hết cho những anh em nào có bài đăng trong số đó.

Độc giả ngày chúa nhựt chỉ kiếm mua tờ báo của tổ chức, còn mấy tờ khác (đứng ngoài) không ai rớ tới. Ngày thường cũng thế, đồng bào độc giả chừa mấy tờ báo ngoài tổ chức ra không mua.

Trong đời làm báo của tôi, không có gì làm cho tôi hừng chí và thích thú bằng giai đoạn hoạt động trong tổ chức báo chí thống nhứt.

Bây giờ nhắc lại cũng còn thấy cảm khoái trong lòng. Nói cho các chủ báo làm đúng lời cam kết là việc rất khó, vậy mà ai nấy, ít ra bề ngoài, cũng cố gắng giữ tròn.

Đứng trong tổ chức báo chí thống nhứt, các ông bà chủ báo hồi đó tuy không nói ra, chớ cũng biết là bị nhà cầm quyền thực dân gây nhiều phiền phức rầy rà cho tờ báo mình.

Quyền lợi riêng của tờ báo dù muốn dù không cũng đã bị hy sinh. Nhưng các vị ấy - cũng như anh chị em ký giả - vì quyền lợi chung cao đẹp hơn, mà vui chịu hy sinh quyền lợi của tờ báo mình. Ai cũng gác bỏ cái ta lại một bên.

Vì lúc đó ai ai cũng một lòng một dạ vì đại cuộc chống thực dân, thống nhứt quốc gia dân tộc, bởi “Nước non là nước non trời/Ai chia đặng nước, ai dời đặng non”.

Dù báo chí Sài Gòn được hưởng nhiều tự do theo qui chế “thuộc địa” so với các miền Trung và Bắc nhưng cũng có lúc cũng bị “lửa táp lông mày”.

Mời bạn đọc đón đọc bài tiếp theo về các vụ đàn áp báo chí từ những năm đầu của làng báo Sài Gòn.

 

TRẦN NHẬT VY giới thiệu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên