13/06/2016 14:55 GMT+7

PVC lỗ 3.200 tỉ thời ông Trịnh Xuân Thanh làm lãnh đạo

VĂN ĐỨC - TRUNG HÀ
VĂN ĐỨC - TRUNG HÀ

TTO - Lãnh đạo PVN từng có văn bản gửi Bộ Công thương đề cập trách nhiệm lãnh đạo PVC - trong đó có ông Trịnh Xuân Thanh trong thua lỗ này, nhưng ông Thanh vẫn lên Phó chủ tịch UBND Hậu Giang.

Chiếc xe Lexus từng mang biển số xanh của Hậu Giang 95A-0699 đã được thay lại biển số trắng - Ảnh: H.T.D.
Chiếc xe Lexus từng mang biển số xanh của Hậu Giang 95A-0699 đã được thay lại biển số trắng - Ảnh: H.T.D.

Trước khi về nhậm chức phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông Trịnh Xuân Thanh - người đang được dư luận quan tâm vì sử dụng chiếc Lexus 570 gắn biển xanh để đi làm, từng giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị của Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) từ tháng 2-2009 đến tháng 5-2013.

Có lịch sử hình thành từ tháng 8-1983 nhưng phải tới tháng 10-2007, khi Tập đoàn Dầu khí (PVN) thông qua đề án chuyển đổi Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí thành Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thì doanh nghiệp này mới bắt đầu nổi danh. 

Chốt năm 2013: PVC lỗ hơn 3.200 tỉ đồng

Giữa năm 2012, ban xây dựng thuộc PVN trình tổng giám đốc PVN báo cáo tổng hợp năng lực hoạt động xây dựng của PVC và các đơn vị thành viên.

Báo cáo được báo chí đăng tải, qua đó cho thấy PVC tại thời điểm này đã mất cân đối về tài chính, sa lầy vào bất động sản, đặc biệt là có tình trạng đầu tư vốn vào nhiều dự án không đúng mục đích, không theo kế hoạch được phê duyệt...

Báo cáo của Ban xây dựng PVN cho biết tại thời điểm kiểm tra, PVC có vốn điều lệ là 2.500 tỉ đồng, nợ ngắn hạn là hơn 9.600 tỉ đồng, dòng tiền kinh doanh âm hơn 1.100 tỉ đồng, tổng số nợ gốc vay quá hạn tính đến hết năm 2011 là 993 tỉ đồng với lãi vay từ 4,9-21%/năm.

Đoàn kiểm tra kết luận nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc mất cân đối tài chính của PVC là do sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư tài chính dài hạn trong khi hiệu quả đầu tư tài chính thấp.

Báo cáo cũng nêu hiện trạng khi thực hiện các dự án (chủ yếu được chỉ định thầu) thì PVC chỉ hoạt động với vai trò quản lý trung gian, công tác thi công trực tiếp được giao cho các công ty con thực hiện thông qua hợp đồng kinh tế.

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, PVC cũng chỉ đóng vai trò là tổ chức trung gian với vai trò là tổng thầu nhận các công trình với chủ đầu tư, sau đó ký hợp đồng với các nhà thầu phụ là các đơn vị thành viên của PVC với giá trị thấp hơn để thu phí quản lý của các công ty này.

Nguồn thu chủ yếu của PVC từ các khoản chênh lệch giữa giá nhận thầu và giá giao thầu, cổ tức và lợi nhuận được chia từ các đơn vị thành viên.

Theo báo cáo của PVN, năm 2013 PVC lỗ hợp nhất là 3.202 tỉ đồng, lỗ công ty mẹ là 2.325 tỉ đồng.

Hé lộ nhiều vấn đề trong điều chuyển lãnh đạo PVC

Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh những năm trước (giai đoạn ông Thanh và ông Vũ Đức Thuận lãnh đạo PVC) và một lý do nữa là “thị trường xây dựng mới hạn chế”.

Khi PVC công khai việc thua lỗ, ban lãnh đạo cũ bị điều chuyển thì có nhiều vấn đề hé lộ.

Điển hình là hàng loạt cán bộ của một công ty con thuộc PVC là PVC-ME bị cơ quan điều tra khởi tố bởi các hành vi vi phạm pháp luật tại một số công trình mà PVN và các doanh nghiệp thành viên của PVN đầu tư, như dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ, Nhà máy PVTEX Hải Phòng...

Sau khi Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm để lỗ ở PVC, theo nguồn tin Tuổi Trẻ, tổng giám đốc PVN khi đó là ông Đỗ Văn Hậu có văn bản gửi tới Bộ Công thương, trong đó có đề cập trách nhiệm của ban lãnh đạo PVC như ông Trịnh Xuân Thanh.

Tuy nhiên, báo cáo này không được Bộ Công thương công khai cụ thể. Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết PVC lỗ bởi hai nguyên nhân chính: thứ nhất là từ bất động sản, thứ hai là do các dự án đầu tư dở dang như xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng và Ethanol Phú Thọ...

Cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm

Ông Nguyễn Minh Nhị
Ông Nguyễn Minh Nhị

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho rằng chuyện ông Trịnh Xuân Thanh không chỉ là chiếc xe sang mà nó khiến mọi người phải đặt dấu hỏi về công tác quy hoạch, điều động, bố trí cán bộ.

Ông Nhị nói: “Trường hợp này cho thấy có vấn đề, cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm để củng cố thêm niềm tin của người dân, của xã hội”.

* Theo ông là có vấn đề?

- Ông Thanh làm chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí VN (PVC), đơn vị này thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng.

Trong khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm thì ông Thanh được chuyển lên làm phó chánh văn phòng Bộ Công thương rồi luân chuyển vào làm phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Một người đang phải kiểm điểm trách nhiệm lại được điều chuyển lòng vòng, rồi vô Nam làm lãnh đạo tỉnh. Mới đây lại vượt qua ba vòng hiệp thương, trúng cử đại biểu Quốc hội.

Nếu mọi chuyện suôn sẻ, ông Thanh sẽ tiếp tục thăng tiến lên những chức vụ cao hơn sau này. Như vậy rõ ràng là có vấn đề chứ gì nữa. Tôi thấy bất ngờ.

* Bất ngờ thế nào, thưa ông?

- Tôi từng làm trưởng ban tổ chức tỉnh ủy bảy năm. Tôi cảm nhận việc điều động bố trí công tác, chức vụ, kể cả việc ông Thanh trúng cử đại biểu Quốc hội kể ra... cũng lạ, có gì đó bất thường.

Qua trường hợp này cho thấy lỗ hổng rất đáng lo trong công tác tổ chức, công tác cán bộ, nó tạo ra khoảng cách ngắn nhất cho kẻ cơ hội leo lên chức vụ cao. Cái đó làm mất lòng tin của người dân, của đảng viên.

* Theo ông, trường hợp ông Thanh nên giải quyết thế nào?

- Tổng bí thư đã có ý kiến chỉ đạo rồi, dư luận rất đồng tình, hoan nghênh. Tổng bí thư là trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, ông chỉ đạo là đúng bài rồi, nay ông trực tiếp đứng ra xử lý giải quyết luôn là... đúng thuốc, đúng liều.

ĐỨC VỊNH ghi

VĂN ĐỨC - TRUNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: PVC PVN Trịnh Xuân Thanh