29/03/2016 09:25 GMT+7

Quyền của Chủ tịch nước thế nào?

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Đại biểu Nguyễn Anh Sơn, trưởng đoàn ĐBQH Nam Định đã dành toàn bộ phần phát biểu của mình để đánh giá và đặt ra những vấn đề mà theo ông cử tri còn rất băn khoăn về vai trò của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ.

Sáng 2-4, các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín bầu tân Chủ tịch nước

Chủ tịch nước và Chính phủ chưa phối hợp rõ nét

Ông nói: “Cử tri nói với tôi là Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước khi tiếp xúc cử tri, khi làm việc ở các địa phương luôn luôn thể hiện mong muốn, quyết tâm chống tham nhũng, căm ghét những kẻ tham nhũng, thái độ rất rõ ràng”

Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Anh Sơn nói cử tri và cả bản thân ông rất băn khoăn: “Không biết là Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đứng ở vị trí nào trong trận chiến đấu tranh chống lại tham nhũng? Chủ tịch nước được làm gì và làm được gì trong việc chống lại tham nhũng?”.

Không chỉ vấn đề chống tham nhũng, đại biểu Sơn cũng cho rằng: “Nhìn tổng thể trong nhiều mặt hoạt động chưa thể hiện rõ quyền lực của Chủ tịch nước trong đối nội và đối ngoại, đặc biệt là đối nội”.

Ông phân tích:

“Thứ nhất khi thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn do Hiến pháp quy định thì cũng chưa rõ. Chẳng hạn quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang, chủ tịch hội đồng quốc phòng an ninh... Chúng tôi thấy chưa rõ”.

Thứ hai, ông Sơn cho rằng trong việc công bố luật và pháp lệnh của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước chỉ mới đóng vai trò là người “kết thúc khâu cuối cùng mà Quốc hội thông qua chứ chưa thực hiện quyền xem xét lại luật, pháp lệnh nếu như còn có điểm chưa hợp lý”.

Vấn đề thứ ba, ông Nguyễn Anh Sơn đánh giá mối quan hệ phối hợp điều hành hành giữa Chủ tịch nước và Chính phủ là chưa rõ, chưa cụ thể trong việc giải  quyết vấn đề quốc kế dân sinh, vấn đề quan trọng của đất nước.

Phải có luật về chế định Chủ tịch nước

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn tin rằng về chủ quan Chủ tịch nước đã hết sức cố gắng ,vì dân vì nước. Nhưng về khách quan, có những việc Chủ tịch nước dù muốn làm nhưng đã không thể hiện được hết mong muốn của mình.

“Vì thế tôi kiến nghị đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ tới luật về chế định của chủ tịch nước. Đây là một chế định quan trọng, làm rõ tư cách của chủ tịch nước đứng đầu đối nội đối ngoại” - Ông kiến nghị.

“Phải làm rõ, nguyên thủ quốc gia thì được làm những gì? Thứ hai là làm rõ quyền hạn của Chủ tịch nước trong từng lĩnh vực. Thống lĩnh lực lượng vũ trang thì như thế nào? - Đại biểu Nguyễn Anh Sơn đặt câu hỏi.

Ông cho rằng phải thể chế rõ ràng quy định về bộ máy giúp việc cho Chủ tịch nước, vì muốn Chủ tịch nước làm việc tốt thì phải có có bộ máy giúp việc hoàn chỉnh cụ thể.

“Nếu sợ bộ máy phình to, tăng biên chế thì phải cho Chủ tịch nước có quyền xây dựng đội ngũ tư vấn” - Đại biểu Nguyễn Anh Sơn đề nghị.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên