15/02/2016 09:13 GMT+7

Không thu phí thì tiếc, thu thì tắc đường

NGUYỄN NAM - HÀ MI
NGUYỄN NAM - HÀ MI

TT - Một vài trạm thu phí rơi vào cảnh bối rối khi nhận văn bản của Bộ GTVT yêu cầu nếu xảy ra ùn tắc thì trạm thu phí mở tất cả các cửa, không thu phí.

Xe nối đuôi nhau qua trạm thu phí Sông Phan hướng đi TP.HCM - Ảnh: NG.Nam
Xe nối đuôi nhau qua trạm thu phí Sông Phan hướng đi TP.HCM - Ảnh: NG.Nam

Văn bản của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ký ngày 12-2, yêu cầu nếu xảy ra ùn tắc thì trạm thu phí mở tất cả các cửa, không thu phí để giải tỏa ách tắc.

Trong đó có trạm thu phí Sông Phan (xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận). Theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ chiều 14-2, tình trạng ùn tắc giao thông đoạn qua trạm thu phí này trầm trọng hơn khi ôtô nối đuôi nhau dài gần 1km chờ qua trạm.

Theo một cán bộ có trách nhiệm của Công an Bình Thuận, các xe chạy tuyến Bắc - Nam trong hai ngày qua đổ về nhiều, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài tại khu vực gần trạm thu phí Sông Phan.

Trong đó chủ yếu là xe khách chở người dân vào miền Nam làm việc trở lại sau tết và xe du lịch về miền Trung, miền Bắc ăn tết nay quay lại miền Nam.

Chiều 14-2, hàng trăm ôtô nối đuôi nhau nhích từng chút một chờ qua trạm thu phí Sông Phan. Cả ba làn thu phí (hướng đi TP.HCM) lúc nào cũng có xe chờ chực lấy vé qua trạm.

Làn đường băng qua trạm thu phí hằng ngày dành cho xe quá cỡ và xe máy cũng được tận dụng để bán vé cho xe qua trạm.

Nguy hiểm nhất là xe máy qua đoạn đường này bị ôtô chiếm luôn phần đường của mình, phải bám sau đuôi ôtô mà chạy, có khi bị gạt văng xuống lề đường. Nhiều xe khách chạy lấn làn xe máy để đua lên phía trước tạo nên khung cảnh bát nháo.

Tuy nhiên, ở chiều đối diện (TP.HCM đi miền Trung) thì thưa thớt xe qua lại. Cánh tài xế nhìn thấy cảnh này, nhiều người đã lắc đầu ngao ngán.

“Mấy ngày này ùn tắc quá thì xin đừng thu để giao thông thông suốt, hoặc tận dụng thêm một làn ngược chiều cho xe qua. Chứ một bên chật cứng, một bên vắng tanh thế này chúng tôi thấy rất bực bội” - anh Nguyễn Công Tín, lái xe du lịch từ Khánh Hòa vào TP.HCM, than thở khi đi qua trạm thu phí Sông Phan.

Đại tá Trần Văn Nghĩa - trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận - cho hay trước tình hình này đã tăng cường lực lượng CSGT đến khu vực ùn tắc điều tiết đảm bảo an toàn giao thông.

Ông Huỳnh Ngọc Thanh - chánh văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh Bình Thuận - cho biết lúc 16g ngày 13-2, nhận thấy tình hình ùn tắc giao thông căng thẳng tại trạm thu phí Sông Phan nên ông đã đề nghị với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho “xả trạm” nhằm giải tỏa lượng xe ùn ứ.

Sau khi xả trạm khoảng một giờ đã giảm được tình trạng ùn tắc giao thông và trạm thu phí hoạt động lại bình thường.

“Tôi đã đề nghị với phía trạm thu phí khi xảy ra ùn tắc thì xả trạm cho xe qua. Chiều nay (14-2), chúng tôi theo dõi tình hình và sẽ tiếp tục đề nghị xả trạm nếu tái diễn cảnh ùn tắc như chiều 13-2, hoặc tận dụng phân bổ thêm làn ngược lại để giảm tải cho xe đi hướng TP.HCM” - ông Huỳnh Ngọc Thanh nói.

Do lượng xe đông, vẫn thu phí dẫn đến ùn tắc ở trạm thu phí Sông Phan -  Ảnh: NG.NAM
Do lượng xe đông, vẫn thu phí dẫn đến ùn tắc ở trạm thu phí Sông Phan - Ảnh: NG.Nam

Muốn về Sài Gòn phải chịu kẹt xe

Ngày 14-2, ngày cuối cùng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2016, hàng vạn người từ miền Tây quay lại TP.HCM học tập, làm việc khiến nhiều tuyến đường bị quá tải, trong đó quốc lộ 1 nhiều đoạn bị ùn ứ, kẹt xe.

Theo ghi nhận, quốc lộ 60 đoạn qua địa bàn tỉnh Bến Tre bị ùn ứ tại nhiều đoạn vào buổi sáng 14-2. Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang xuất hiện nhiều điểm ùn ứ mới.

Đoạn qua ngã tư Lương Phú, huyện Châu Thành hàng ngàn phương tiện chen chúc, nối thành hàng dài trên đường. Còn đoạn gần cầu Tân Hương, dòng xe rồng rắn kéo dài hơn 2km di chuyển chậm chạp.

Tương tự, đoạn qua TP Tân An, tỉnh Long An do lượng xe tăng đột biến nên cũng xảy ra ùn ứ, điều trước đây rất ít khi xảy ra tại đoạn đường này.

Ngày 14-2, các tuyến đường cửa ngõ, bến xe, nhà ga tại TP.HCM đông nghẹt người dân trở lại sau tết.

Trong ngày có 18 đoàn tàu chở khoảng 13.000 khách về ga Sài Gòn. Do lượng khách quá đông, taxi xếp hàng dài khoảng 1km từ đường Nguyễn Thông (Q.3) vào sân ga Sài Gòn chờ chở khách.

Theo Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, dự kiến từ ngày 11 đến 23-2 (mùng 4 đến 16 tháng giêng) sẽ có 231 đoàn tàu chở khoảng 170.000 hành khách trở lại TP.HCM, trung bình mỗi ngày ga Sài Gòn đón 13.000 - 14.000 lượt khách.

Trong khi đó, theo ông Trần Văn Phương - phó tổng giám đốc bến xe Miền Tây, vào dịp cao điểm sau Tết Nguyên đán mỗi ngày có hơn 1.200 xe chở khoảng 55.000 lượt khách từ các tỉnh miền Tây vào bến.

Lực lượng bảo vệ túc trực điều tiết các xe khách vào bãi đậu hoặc đề nghị tài xế quay xe về các tỉnh, tránh ùn tắc trong và ngoài bến. Ngoài ra, thời gian này các tuyến xe buýt cũng xuất bến nhiều hơn để giải tỏa hành khách.

Còn ông Thượng Thanh Hải, phó tổng giám đốc bến xe Miền Đông, cho biết lượng xe từ các tỉnh đổ dồn về bến nhiều, tập trung vào sáng sớm, trung bình mỗi ngày có 1.300 - 1.400 xe chở 40.000 - 45.000 lượt khách.

* Theo bà Nguyễn Thị Hoài Phương - phó giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE), trong dịp tết 2016 từ ngày 4 đến 14-2 có 410.000 lượt ôtô lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM - Đồng Nai).

Như vậy, bình quân mỗi ngày có 41.000 ôtô lưu thông, tăng gấp đôi so với ngày thường, trong đó ngày có lượng xe nhiều nhất là 13-2 đạt kỷ lục với 63.586 xe lưu thông.

Lượng xe lưu thông trên đường cao tốc tăng đột biến do tuyến đường cao tốc này đã rút ngắn thời gian hành trình đi các tỉnh miền Đông, miền Trung, miền Bắc. Trong đó rút ngắn nhiều thời gian đi các tuyến du lịch về biển Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang hay Đà Lạt.

N.ẨN - ĐỨC PHÚ - ÁI NHÂN - M.TRƯỜNG

NGUYỄN NAM - HÀ MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên