13/10/2015 08:09 GMT+7

Kinh tế tăng trưởng khá nhưng còn nhiều nỗi lo

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, nhìn trong toàn giai đoạn thì nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt thấp so với nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch năm năm 2011 - 2015.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ  Quốc hội - Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: TTXVN

Báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế trình bày tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 12-10) cho thấy nhiều khả năng GDP năm 2015 sẽ tăng 6,5%, đặt mục tiêu tăng 6,7% cho năm 2016 nhưng nền kinh tế vẫn còn đó nhiều nỗi lo.

Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội khẳng định tăng trưởng kinh tế năm 2015 cao nhất so với các năm trong kế hoạch năm năm (2011 - 2015), trong khi lạm phát ở mức thấp, kinh tế vĩ mô được giữ ổn định.

Nông dân vẫn khổ, doanh nghiệp giải thể nhiều

Đồng thời, bản báo cáo này cũng chỉ ra những vấn đề đáng quan ngại: một số ý kiến cho rằng việc phục hồi tăng trưởng thiếu yếu tố bền vững, lo ngại rằng việc khai thác dầu vượt kế hoạch đề ra trong điều kiện giá dầu ở mức quá thấp; nông nghiệp là ngành đóng góp xuất khẩu lớn và xuất siêu khoảng 10 tỉ USD/năm nhưng giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, khó khăn tiêu thụ sản phẩm ảnh hưởng quá lớn đến thu nhập của người sản xuất, nhất là nông dân...

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, nhìn trong toàn giai đoạn thì nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt thấp so với nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch năm năm 2011 - 2015. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 thấp hơn giai đoạn trước, năng suất lao động thấp.

Ông cũng nhìn nhận: số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể lớn trong những năm qua là đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực trong trung hạn, dài hạn (số doanh nghiệp giải thể trong năm 2013 khoảng 60.000, năm 2014 khoảng 67.800 và 9 tháng đầu năm 2015 là 54.566).

Phải đặc biệt lưu ý về hội nhập

Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội đề nghị tiến hành các thủ tục theo quy định trình Quốc hội phê chuẩn và xây dựng chương trình hành động cụ thể nội dung và bước đi, triển khai các hiệp định mới AEC, TPP, FTA Việt Nam - EU.

Đồng thời, “có giải pháp cải thiện mạnh mẽ sự mất cân đối trong quan hệ thương mại với Trung Quốc”; xử lý hiệu quả nợ xấu; kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ đọng xây dựng cơ bản...

Chủ trì cuộc họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Kế hoạch - đầu tư tiếp tục hoàn thiện báo cáo, trong đó thể hiện rõ một số vấn đề cụ thể mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

“Ví dụ như việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện biện pháp mua một số ngân hàng thương mại với giá 0 đồng, mua là như vậy nhưng trên thực tế các ngân hàng này đã âm vài ngàn đến vài chục ngàn tỉ” - bà Ngân nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết trung ương đã nhất trí cho những người hưởng lương hưu thấp dưới mức lương cơ sở sẽ được điều chỉnh để bằng mức lương cơ sở, Chính phủ cần đưa kết luận này vào báo cáo để những người thuộc đối tượng này yên tâm.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị: “Trong các giải pháp thì phải đặc biệt quan tâm tới hội nhập. TPP đã kết thúc đàm phán, dự kiến tháng 11, 12 năm nay có thể ký và giữa năm sau Quốc hội có thể phê chuẩn. Cứ loay hoay không chuẩn bị sớm thì sẽ bị động”.

Báo cáo thẩm tra đề nghị năm 2016 “tổ chức giám sát việc triển khai thực thi pháp luật, đánh giá thực chất đội ngũ cán bộ, công chức; cương quyết loại bỏ những người gây cản trở, trục lợi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, giải quyết hiệu quả vấn đề bức xúc xã hội, kiên quyết trấn áp mạnh tội phạm. Xây dựng các phương án chủ động bảo đảm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trong mọi tình huống”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên