05/09/2015 11:20 GMT+7

Ám ảnh những cái chết do bệnh nhân tâm thần gây ra

LÊ THANH HÀ - TIẾN THẮNG
LÊ THANH HÀ - TIẾN THẮNG

TTO - Liên tục những án mạng đau lòng, nhiều người chết oan uổng do người bệnh tâm thần gây ra đã khiến dư luận không khỏi lo lắng về công tác quản lý người bệnh tâm thần hiện ra sao.

Vũ Văn Đản bị bắt và được đưa đi giám định sau khi truy sát, giết 4 người thân, hàng xóm
Vũ Văn Đản được đưa đi giám định tâm thần sau khi truy sát kinh hoàng, giết 4 người thân, hàng xóm tại Gia Lai

Vụ việc đau lòng mới nhất xảy ra ngày 1-9 đối với cô giáo Bùi Thị Thêm, 46 tuổi, trú tại xã Bảo Hà huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. 

Vào khoảng 7g sáng, khi cô Thêm đang trên đường tới Trường THCS Tiền Phong để dạy học thì bất ngờ bị Nguyễn Văn Doanh (41 tuổi, một người bệnh tâm thần ngụ xã Tiền Phong) chặn đường, dùng dao dâm trúng ngực khiến cô Thêm tử vong.

Vụ việc nghiêm trọng hơn khiến dư luận rúng động là vụ Vũ Văn Đản - một người có dấu hiệu tâm thần - đã ra tay truy sát vợ con, người thân, hàng xóm láng giềng xảy ra trưa 23-8 tại Gia Lai.   

Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Lan - vợ Đản, thì trưa đó khi chị cùng hai con đang ở nhà thì bất ngờ bị Đản vác dao vào đuổi chém. Hoảng sợ chị ôm con bỏ chạy và bị Đản chém vào hai ngón tay.

Bà Nguyễn Thị Liên - người làm rẫy cho nhà hàng xóm của Đản ở vườn kế bên - thấy thế liền chạy qua bế con phụ Lan thì bị Đản chém gục tại chỗ.

Tiếp đó, Đản chạy qua nhà ông Đinh Văn Vấn (nhà hàng xóm đối diện) chém ông Vấn gục xuống rồi tiếp tục chạy qua nhà nhà chị Lê Thị Thơm (33 tuổi, em dâu của Đản) gần đó để tìm người chém.

Một người hàng xóm tên Minh phát hiện nên chạy vào cũng bị Đản chém vào người, em trai của Đản là Vũ Văn Tuyên cũng bị Đản chém sượt vai. 

Đản chạy tới nhà chị Thơm, lúc này ba mẹ con chị Thơm đang ở trong phòng ngủ. Đản vung dao chém tới tấp khiến chị Thơm và con gái Vũ Thị Vân (9 tuổi) gục xuống. Chém xong thì Đản bỏ đi ra rẫy cà phê.

Trong số những người bị Đản truy sát trên thì bốn người gồm bà Liên, ông Vấn và mẹ con chị Thơm đã tử vong.

Theo những người thân của Vũ Văn Đản thì Đản có bệnh lý tâm thần. Trước lúc gây án một thời gian, Đản hay kêu đau đầu và có biểu hiện khác thường. Khi đi bệnh viện thì các bác sĩ cho thuốc về uống và khuyên gia đình theo dõi kỹ.

Vụ Điểu Thị Chanh (26 tuổi) giết hai con ruột của mình (đứa 4 tuổi, đứa 2 tuổi) rồi quăng xác xuống giếng tại xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước cũng khiến nhiều người bàng hoàng...

Nguyễn Văn Doanh tại cơ quan điều tra sau khi đâm chết cô giáo
Nguyễn Văn Doanh tại cơ quan điều tra sau khi đâm chết cô giáo

Nhiều người bệnh tâm thần sống chung trong cộng đồng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng người có bệnh tâm thần vẫn sống chung với gia đình trong cộng đồng dân cư không phải ít, nhất là với dạng người bệnh tâm thần "lúc tỉnh, lúc điên" thì nhiều gia đình không muốn đưa người thân của mình vào điều trị tập trung tại bệnh viện.

Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang - giám đốc Trung tâm pháp y Tâm thần khu vực TP.HCM, tình trạng người tâm thần gây nguy hiểm cho người khác là một thực tế từ tình trạng nhiều người bị tâm thần còn ở chung trong cộng đồng. 

Trong khi đó, một người có vấn đề tâm thần tiềm ẩn thường có thể có hành vi bất thường gây nguy hiểm cho người khác.

Họ có thể lên cơn xung động bất ngờ và nguy hiểm cho những người xung quanh và cho cả bản thân họ vì khi đó họ không thể phân biệt được người thân hay người xung quanh. Tuy nhiên, khi không có cơn họ vẫn sinh hoạt bình thường.

Hiện nay công tác quản lý người tâm thần rất khó vì cần phải được giám định đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần để có kết luận về việc họ có chịu trách nhiệm năng lực hành vi dân sự, hình sự hay không.

Trên cơ sở giám định, nếu họ mất năng lực nhận thức thì lúc đó mới kiến nghị và chuyển họ về cơ quan trưng cầu để áp dụng điều kiện điều trị bắt buộc với hình thức là điều trị tập trung.

Về tiêu chí của điều trị tập trung, nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế đã đưa ra các tiêu chuẩn áp dụng của điều trị bắt buộc này.

Về trách nhiệm hình sự của người tâm thần, theo quy định của các điều 13, 43, 44 Bộ luật hình sự, một người trong quá trình gây án bị tâm thần hoặc bị những bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự mà cần áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Tùy vào giai đoạn tố tụng, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận của hội đồng giám định pháp y có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.

Nếu thấy không cần thiết phải đưa vào một cơ sở điều trị chuyên khoa, thì có thể giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nom dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Công an khó "can thiệp" khi người nhà che giấu

Đại tá Phạm Quang Thiện - trưởng Công an huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng - đã chia sẻ như vậy khi nói về công tác ngăn ngừa, quản lý người tâm thần nhằm tránh gây ra những vụ việc đáng tiếc.

Nói về vụ việc ông Nguyễn Văn Doanh đâm chết cô giáo Bùi Thị Thêm vào ngày 1-9 trên, trước đó cơ quan công an huyện chưa nhận được báo cáo nào về những biểu hiện bất thường, gây bất ổn của ông Doanh.

Theo đại tá Thiện, chính quyền địa phương trực tiếp quản lý cần nắm tình hình để có biện pháp chủ động. Cơ quan công an khi nắm được thông tin hay có phản ánh thì chỉ có thể yêu cầu gia đình người bệnh đưa bệnh nhân vào các cơ sở điều trị.

Trường hợp người có tiểu sử bệnh tâm thần với biểu hiện lúc tỉnh táo, lúc mất kiểm soát bản thân mà người nhà không đưa bệnh nhân đi chữa trị thì cơ quan công an cũng khó có thể can thiệp.

Phòng ngừa nguy cơ người tâm thần gây nguy hại

Để phòng ngừa những người có hành vi gây án khi đã có tiềm ẩn sẵn bệnh tâm thần, phải có biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa, dự báo sự xuất hiện của các hành vi nguy hiểm mà người tâm thần có thể gây ra. 

Có ba yếu tố cần phải quan tâm để giảm bớt tình trạng người tâm thần lên cơn bệnh và tấn công người khác.

Đầu tiên là người nhà bệnh nhân cần quan tâm đến sức khỏe của bệnh nhân do hiện nay còn tình trạng nhiều người bị bệnh tâm thần nhưng người ta không cho là mình bị bệnh nên không đi khám bệnh hoặc khám rồi nhưng không chịu uống thuốc theo toa bác sĩ.

Thứ hai là ở địa phương nơi quản lý bệnh nhân tâm thần (hiện nay đa số bệnh nhân được quản lý, theo dõi và cấp thuốc điều trị tại các phòng khám tâm thần của quận, huyện hoặc trạm y tế - PV) cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ với gia đình bệnh nhân để theo dõi việc khám, cho thuốc định kỳ để đảm bảo bệnh nhân được uống thuốc điều trị đầy đủ.

Thứ ba là tuyên truyền phổ biến cho người dân biết cách phòng ngừa bệnh, khi có các dấu hiệu tâm thần thì cần động viên người nhà đưa bệnh nhân đi khám bệnh và điều trị kịp thời.

Khi bệnh nhân được điều trị tốt sẽ giúp giảm thiểu được thì càng tốt cho bệnh nhân và xã hội. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là có khi bệnh nhân đang dùng thuốc điều trị nhưng bị các yếu tố khác tác động thì vẫn có thể lên cơn và gây nguy hiểm cho người khác và bản thân họ.

Thạc sĩ NGUYỄN NGỌC QUANG

Giám đốc Trung tâm pháp y tâm thần khu vực TP.HCM

LÊ THANH HÀ - TIẾN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên