30/08/2015 10:16 GMT+7

Chiếu phim ngăn tự tử

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Ở Kon Chro - huyện vùng xa khó khăn nhất của tỉnh Gia Lai - nhiều năm nay người dân và các ban ngành phải vất vả với vấn nạn tự tử.

Ba trong số sáu con của Bloc và Blet (làng Dơng, Kon Chro, Gia Lai) bơ vơ sau khi ba mẹ tự tử chết - Ảnh: B.D
Ba trong số sáu con của Bloc và Blet (làng Dơng, Kon Chro, Gia Lai) bơ vơ sau khi ba mẹ tự tử chết - Ảnh: B.D

 Số vụ tự tử hằng năm nhiều đến nỗi Huyện ủy phải ra chỉ thị: buôn làng nào để xảy ra tự tử thì cán bộ nơi đó bị hạ xếp loại.

Con số các ca tự tử được thống kê ở Kon Chro khiến người ta không khỏi giật mình: năm 2010 xảy ra 56 vụ, chết 15 người; năm 2012 có 128 ca tự tử, chết 14 người.

Tình hình tự tử lên đến “đỉnh điểm” vào năm 2013 với số người chết là 35. Năm 2014, số người chết vì tự tử cũng là 35.

Một bác sĩ tại Trung tâm Y tế Kon Chro lắc đầu khi nói về vấn nạn tự tử: “Các bệnh nhân đưa lên đây chỉ có hi vọng sống sót khi uống các loại thuốc kích thích thông thường, còn thắt cổ hay uống thuốc diệt cỏ thì hầu như không có hi vọng”.

Ông Đinh Keo - trưởng Ban dân vận Kon Chro - cho biết kế hoạch tuyên truyền ngăn ngừa tự tử được quán triệt xuống từng thôn làng, từng cán bộ và đưa hẳn vào tiêu chí xếp loại đánh giá tổ chức Đảng, xếp loại đảng viên. Nơi nào có tự tử xảy ra thì cán bộ phải chịu trách nhiệm.

Huyện cũng tổ chức cả hệ thống cơ sở gồm công an, Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội người cao tuổi thực hiện các đêm tuyên truyền, nói chuyện với bà con.

Các chương trình này có khi lồng ghép, khi thì thành các chuyên đề như “Cả tổ chức hướng về quần chúng”, “Lấy quần chúng giáo dục quần chúng”, “Cuộc sống vốn tươi đẹp”...

Cán bộ xuống cơ sở ngoài nhiệm vụ chuyên môn còn có nhiệm vụ tranh thủ tuyên truyền, giải thích cho bà con biết về nỗi mất mát do tự tử gây ra.

Một nữ chủ làng ở ven thị trấn Kon Chro cho biết: “Cả làng mình họp lại và quán triệt bà con nào mà có người tự tử chết thì người làng không dự đám ma, không góp rượu, cho tự chịu một mình.

Nhiều người nghĩ cho mình quá, chết một mình nhưng người ở lại phải mất trâu bò để cúng, người làng mất rượu, rồi mất công mất sức mấy ngày đi đám ma”.

Ông Đỗ Hà Quang - phó Ban tuyên giáo Kon Chro - mở máy tính cho chúng tôi xem đoạn video clip do chính ông phối hợp với các đơn vị khác xây dựng để chiếu cho bà con các ngôi làng xem nhằm tuyên truyền.

Đoạn clip này có tựa đề “Cuộc sống là vốn quý”, nội dung kể về hành trình giành giật sự sống của những bác sĩ, người bệnh ở khắp nơi trên thế giới.

Đối lập với những hình ảnh ấy là nhiều người ở buôn làng lại coi cái chết như sự giải thoát dễ dãi, để lại những đau đớn khôn nguôi cho người thân.

Ông Quang nói: “Chúng tôi xuống làng chiếu phim cho bà con coi, thanh niên, người làng, những người hay say rượu bưng mặt khóc rồi thề không tự tử nữa. Nhờ vậy số vụ tự tử đã giảm xuống rõ rệt: sáu tháng đầu năm nay mới có tám vụ, bốn người chết, không biết đến cuối năm sẽ thế nào”.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên