26/08/2015 16:18 GMT+7

Ông Lê Trương Hải Hiếu: Không dám tự đánh giá có ưu ái không

MAI HƯƠNG - MAI HOA ghi
MAI HƯƠNG - MAI HOA ghi

TTO - Là con của Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, khi được bổ nhiệm chủ tịch UBND Q.12,  ông Lê Trương Hải Hiếu cho rằng mình càng phải trách nhiệm hơn để giữ uy tín cho bản thân, cho gia đình.

Ông Lê Trương Hải Hiếu phát biểu tại một kỳ họp HĐND TP.HCM tháng 12-2014 - Ảnh: Quang Định

Sáng 26-8, bên lề kỳ họp HĐND TP.HCM, ông Lê Trương Hải Hiếu (34 tuổi), đại biểu HĐND, đã có cuộc trao đổi ngắn, cởi mở, chân tình với báo chí về việc vừa được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch UBND, phó bí thư Quận ủy quận 12, TP.HCM, là chủ tịch quận trẻ nhất TP.HCM.

Ông Hiếu nói bản thân ông rất hồi hộp bởi giữ vị trí đứng đầu chính quyền một địa bàn rộng, dân số gấp đôi quận 1, diện tích lớn hơn quận 1, hiện đang trong quá trình phát triển thì sẽ còn bề bộn, nhiều việc phải làm.

Suy nghĩ đầu tiên là mong muốn làm sao mình nắm bắt được sớm nhất tình hình địa phương, nắm bắt được hoàn cảnh tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Quan trọng là phải nghiên cứu lại văn kiện đại hội đại biểu của quận trong nhiệm kỳ vừa rồi, coi bài học kinh nghiệm là gì, phương hướng sắp tới là gì để đeo bám vào đó, cộng thêm những tích lũy từ thực tiễn rồi mới có thể có được chỉ đạo cụ thể trong thời gian tới.

* Khi còn ở quận 1 ông có rất nhiều sáng kiến, ông có nghĩ sẽ đưa những sáng kiến đó về áp dụng ở quận 12 không?

- Thật ra, đối với một quận đang trong quá trình đô thị hóa thì việc đầu tiên là củng cố lại quy hoạch. Quận 1 nằm trong khu quy hoạch 930ha trung tâm TP là đã hoàn chỉnh.

Về quận 12, phải củng cố lại quy hoạch, từ đó mới biết đường sá, cây xanh, trường học, các tiện ích công cộng… Đầu tiên tôi muốn làm chuyện này cho thật chuẩn mực.

* Sau khi nhận nhiệm vụ, ông đã có một số chia sẻ trên trang Facebook cá nhân. Vì sao ông lại chọn cách chia sẻ này?

- Mình chia sẻ ở đây là chia sẻ cảm xúc, tình cảm của mình khi chia tay một nơi đã công tác gần 10 năm. Đây coi như là một lời tri ân các cô chú, từ cán bộ, đảng viên hưu trí đến các cô chú, anh chị, đồng chí đồng đội đã hỗ trợ tôi suốt khoảng thời gian vừa rồi.

Ngày về công tác tại Quận đoàn 1, tôi chỉ là một sinh viên vừa tốt nghiệp về nước, rất bỡ ngỡ, nếu không có hỗ trợ thì không thể bám rễ, không thể hoàn thành nhiệm vụ được.

Về kinh nghiệm điều hành quản lý, xử lý các vấn đề không thể bằng những người đã có quá trình lâu dài.

Từ trước đến giờ tôi luôn tâm niệm phải cầu thị học hỏi, xác định phương cách mình làm là lấy nguyện vọng của người dân làm mệnh lệnh.

Người dân cần gì mình làm cái đó chứ không thể ngồi trong phòng sáng tạo được, mỗi địa phương có đặc thù khác nhau, công thức của mình đơn giản là vậy thôi.

Điều tâm đắc nhất trong thời gian công tác tại quận 1 là được sự hài lòng của người dân. Nói hài lòng thì hơi chủ quan, thật ra một số cô chú, anh chị đánh giá là hài lòng.

Ở đây mình cùng mọi người xây dựng được cái quy chuẩn, chuẩn mực và nhận thức trách nhiệm của cán bộ đối với dân, từ đó dẫn đến thái độ của mình đối với công việc để phục vụ nhân dân, đó là cái quan trọng nhất.

Tiếp tục xây dựng các hệ thống khác: công nghệ thông tin, quy trình xử lý hồ sơ sao cho khoa học, tiết kiệm thời gian nhất. Sản phẩm làm ra không phải đã đáp ứng đủ yêu cầu nhưng trước mắt đã có nền tảng cơ sở bước đầu để tiếp tục phát triển.

Bước đầu cũng ghi nhận sự hài lòng của người dân thông qua các kênh góp ý đánh giá, dư luận xã hội, không phải do mình mà do tất cả tập thể cán bộ công chức quận 1 đồng lòng.

* Việc đầu tiên ông sẽ làm khi về quận 12 là gì?

- Đầu tiên khi về quận 12 tôi sẽ đi cơ sở. Phương châm là cố gắng làm sao để đời sống người dân ngày càng sung sướng hơn.

Cái đầu tiên tôi suy nghĩ là sẽ nắm lại tình hình, quy trình thủ tục xem có gì chưa phù hợp để cải tiến.

Còn việc ứng dụng điện tử hay không thì quan trọng là hồ sơ, quy trình phải đúng quy định pháp luật đã, sau đó mới giảm thiểu những việc không cần thiết, rồi đưa ứng dụng điện tử vào để tăng năng suất giải quyết công việc nhanh hơn, chứ áp dụng ngay ứng dụng điện tử trong khi quy trình chưa phù hợp thì không được.

* Được biết trước đây ông từng học luật, tại sao lại chọn con đường quản lý nhà nước?

- Tôi học luật và sau đại học là học về quản lý kinh tế. Tôi nghĩ rằng tư nhân thì quản lý kinh tế để làm giàu cho bản thân, còn người quản lý nhà nước nếu hiểu về kinh tế sẽ có cơ chế chính sách làm sao để mỗi người dân giàu hơn, đó là thành công của người quản lý nhà nước.

* Là con của người lãnh đạo đứng đầu TP, ông có nghĩ nhờ vậy mình được ưu ái và có gặp áp lực trong công việc?

- Khi nhận quyết định tôi xúc động, nhiều trăn trở về trách nhiệm. Tôi cũng bất ngờ nhưng ưu ái hay không thì không dám tự đánh giá. Nhưng tôi thấy các quy trình hồ sơ, thủ tục của mình đều như những người khác.

Không phải so sánh nhưng vào tháng 8-2005, tức 10 năm trước, anh Võ Văn Thưởng (phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, sinh năm 1970) về quận 12 làm bí thư. Tôi không phải trẻ nhất đâu.

Cha tôi là bí thư thành ủy (ủy viên Bộ chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải - PV), tôi cảm thấy mình càng phải trách nhiệm hơn để ngoài giữ uy tín cho bản thân còn giữ uy tín cho gia đình nữa.

MAI HƯƠNG - MAI HOA ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên