10/07/2015 17:30 GMT+7

Rừng bị tàn phá từ… dự án bảo vệ phát triển rừng

HÀ BÌNH – TRUNG TÂN
HÀ BÌNH – TRUNG TÂN

TTO - Sáng 10-7, kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa XIII bước vào phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại hội trường với những vấn đề như công tác kêu gọi đầu tư, bảo vệ rừng, phát triển cây mắc ca.

Một vụ phá rừng, vận chuyển hơn 10 khối gỗ ngay cửa rừng nhưng chủ rừng “không biết” bị lực lượng chức năng Ea H’Leo (Đắk Lắk) bắt quả tang -  Ảnh: NGỌC TÀI
Một vụ phá rừng, vận chuyển hơn 10 khối gỗ ngay cửa rừng nhưng chủ rừng “không biết” bị lực lượng chức năng Ea H’Leo (Đắk Lắk) bắt quả tang - Ảnh: NGỌC TÀI

Đại biểu Phạm Thanh Hùng (huyện Buôn Đôn) nói rừng Đắk Lắk đang bị tàn phá trầm trọng. Một trong những nguyên nhân là từ các dự án bảo vệ phát triển rừng, trồng cây cao su trên đất rừng…

Theo ông Hùng, kỳ họp trước HĐND tỉnh đã có nghị quyết phát triển thêm hàng ngàn hecta cao su tại huyện Ea Súp, Buôn Đôn dù địa phương đã cảnh báo cao su không hợp với thổ nhưỡng tại đây.

“Trong kỳ họp này, đề án quy hoạch phát triển biên giới cũng đề nghị trồng thêm 30.000ha cao su trong thời gian tới. Diện tích cao su tiểu điền của người dân tại Buôn Đôn, Ea Súp trồng 5-7 năm trở lại đây thực tế rất èo uột nhưng tỉnh vẫn quy hoạch thêm” - ông Hùng chất vấn.

Đối với các dự án khoanh nuôi, bảo vệ, trồng và phát triển rừng tại Đắk Lắk, ông Hùng cho rằng “thực tế là tiếp tay cho việc phá hoại, tận diệt rừng”. Theo ông Hùng, các dự án trồng rừng ở Buôn Đôn, Ea Súp chưa có dự án nào thành công.

“Họ chặt cây, đào gốc lên rồi ai mua thì bán, có thấy trồng rừng gì đâu? Lâu nay chúng ta đi làm ngược lại quy luật tự nhiên nên cứ luẩn quẩn mãi, không phát triển được” - ông Hùng nhấn mạnh.

Giải trình về vấn đề này, ông Trang Quang Thành - giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk - khẳng định việc trồng thêm 30.000ha cao su khu vực biên giới huyện Ea Súp, Buôn Đôn không phải do cơ quan này đề nghị.

“Đề án quy hoạch biên giới là do Sở Xây dựng chủ trì, chúng tôi không tham gia. Khi thấy có chi tiết trồng thêm 30.000ha cao su, chúng tôi đã có ý kiến đề nghị Sở Xây dựng cân nhắc, xem xét lại” - ông Thành nói.

Ông Thành cũng nói thêm Đắk Lắk hiện có 44 dự án khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng thì có 3/4 trong số đó đang triển khai và được đánh giá có hiệu quả. Số còn lại chưa thể triển khai vì các chủ đầu tư năng lực thấp, diện tích rừng bị người dân lấn chiếm nhiều.

“Khi tỉnh mời thì họ vào ồ ạt, giờ năng lực họ không có nên không làm được. Có nhiều dự án chủ đầu tư nhận xong thì bỏ không, chúng tôi không biết tìm ở đâu” - ông Thành nói thêm.

Đại biểu Y Bia Niê (thị xã Buôn Hồ) nêu ý kiến việc tỉnh thu hút đầu tư là nhằm kêu gọi nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế tỉnh nhà. Tuy nhiên hiện đã xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp chỉ nhận các dự án chứ không thực hiện. Ngay tại TP Buôn Ma Thuột có nhiều dự án cứ để mãi, không thấy động tĩnh gì gần chục năm nay.

“Các doanh nghiệp “xí phần” dự án khiến người làm được thì không có cơ hội mà người nhận thì không làm. Khi nhắc nhở thì họ làm vài động tác để trốn tránh, sau đó vẫn chây ì. Chúng tôi đề nghị tỉnh cần phải kiên quyết thu hồi các dự án chây ì. Nếu chúng ta làm quyết liệt, các dự án vào hoạt động cũng sẽ giúp cải thiện ngân sách, tạo đà tăng trưởng” - ông Y Bia Niê đề nghị.

HÀ BÌNH – TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên