29/05/2015 08:53 GMT+7

​Luật không chặt, coi chừng mất các đảo chìm

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TT - Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo đã có thiếu sót khi không đưa các bãi cạn nửa nổi nửa chìm, đảo ngầm... vào chương “Quản lý tài nguyên hải đảo”.

Ông Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: Việt Dũng
Ông Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: Việt Dũng

Cảnh báo này được nhiều đại biểu đưa ra và trình bày những phản ứng quyết liệt tại nghị trường ngày 28-5 khi cho rằng dự án Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo đã có thiếu sót khi không đưa các bãi cạn nửa nổi nửa chìm, đảo ngầm, bãi đá, bãi san hô... vào chương “Quản lý tài nguyên hải đảo”.

Ba đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) và Lê Việt Trường (An Giang) làm nóng nghị trường bằng những phản ứng, phân tích lập luận chặt chẽ xung quanh vấn đề này.

Theo các đại biểu, dự án Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo sơ hở khi không đưa các bãi cạn nửa nổi nửa chìm, đảo ngầm, bãi đá, bãi san hô... vào nội dung điều chỉnh của chương “Quản lý tài nguyên hải đảo”. Điều này có nghĩa cấu trúc trên sẽ không nằm trong tầm điều chỉnh của dự luật.

“Như vậy chúng ta sẽ không quản lý được tài nguyên ở các cấu trúc này. Và thậm chí sẽ mất chủ quyền, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang tiến hành mở rộng, bồi đắp và xây dựng trên các đảo chìm tại Trường Sa” - ông Trương Trọng Nghĩa nói.

Lý do không đưa các dạng đảo này vào luật, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích là theo quy định tại Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và Luật biển Việt Nam, các bãi cạn chìm xuống khi triều lên và nổi lên khi triều xuống là bãi cạn lúc nổi lúc chìm, không được coi là đảo, và Luật biển Việt Nam cũng không quy định về đối tượng này.

Tuy nhiên, đại biểu, luật sư Trương Trọng Nghĩa phản đối lập luận này. Ông cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích như vậy chưa chuẩn, vì điều 19 và 20 của Luật biển quy định về chế độ pháp lý của đảo và quần đảo có nhắc đầy đủ các cấu trúc bãi cạn nửa nổi nửa chìm, đảo ngầm, bãi đá, bãi san hô.

Ngay sau đó, đại biểu, chuẩn đô đốc Nguyễn Viết Nhiên - phó tư lệnh Quân chủng hải quân - cho biết ông đồng ý với lập luận của đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ông Nhiên thông tin tại Trường Sa hiện nay Brunei dù không chiếm giữ đảo hay bãi cạn, đá ngầm nào nhưng họ vẫn tuyên bố chủ quyền với một bãi đá ngầm. Trung Quốc cũng đang chiếm giữ bảy đảo chìm. “Việc luật xem nhẹ cấu trúc này sẽ gây khó khăn hơn trong việc bảo vệ chủ quyền” - chuẩn đô đốc Nguyễn Viết Nhiên nói.

Cùng quan điểm này, đại biểu Lê Việt Trường - phó chủ nhiệm Ủy ban An ninh, quốc phòng của Quốc hội - cho rằng không đưa các cấu trúc đảo như trên vào là bất hợp lý. Ông Trường cho rằng với việc Trung Quốc đang đổ hàng vạn tấn sắt thép, đất đá để bồi đắp, mở rộng đảo như hiện tại trên các đảo chìm, bãi đá ngầm nếu chúng ta tự loại bãi đá ngầm, đảo chìm ra khỏi Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo sẽ rất khó lên tiếng phản đối.

“Đồng thời khi có luật, chúng ta phản đối hành động phá hủy môi trường biển trong việc mở rộng đảo của Trung Quốc sẽ được sự ủng hộ của quốc tế dễ dàng hơn khi chúng ta chỉ phản đối về vấn đề chủ quyền” - ông Trường nói.

Tiếp thu các ý kiến này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lắng nghe và sẽ xem xét chỉnh sửa phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sẽ báo cáo về tình hình biển Đông

Chiều 28-5, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về dự kiến chương trình Quốc hội nghe báo cáo về tình hình biển Đông ngày 5-6, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Chính phủ đang chuẩn bị nên chưa gửi trước báo cáo. Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu, Chính phủ đã giao Bộ Ngoại giao chuẩn bị tài liệu và bộ trưởng Bộ Ngoại giao báo cáo với Quốc hội.

Về hình thức báo cáo, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói tùy thuộc vào sự chuẩn bị của Chính phủ, có thể báo cáo bằng văn bản và bằng hình ảnh.

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc thông tin về nội dung báo cáo đến cử tri, ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích đây là cuộc họp riêng vì có những vấn đề về chính sách của ta. Hiện nay cũng chưa có chủ trương về phiên thảo luận hay nghị quyết về tình hình biển Đông. “Phải chờ sau khi Chính phủ báo cáo, chưa thể nói trước” - ông Phúc trả lời báo chí.

V.V.THÀNH

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên