22/05/2015 09:38 GMT+7

"Liệt sĩ" nộp đơn xin mổ ba mảnh đạn

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TTO - Ông Bùi Văn Tài (73 tuổi, Hải Dương) đi nộp đơn xin mổ ba mảnh đạn còn găm trong cánh tay và bất ngờ biết tên mình... nằm trong hồ sơ liệt sĩ.

Ông Tài và tập hồ sơ đi xin xác nhận, giới thiệu được mổ mảnh đạn còn găm trong tay trái

Hơn một năm ròng rã lên phòng lao động thương binh và xã hội (LDTB&XH) huyện rồi đến sở LĐTB&XH tỉnh nộp đơn xin mổ ba mảnh đạn còn găm trong cánh tay, ông Bùi Văn Tài (73 tuổi, trú tại xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) không những không được giải quyết mà còn nhận được bản sao lục hồ sơ với nội dung tên mình nằm trong hồ sơ liệt sĩ.

Xin xác nhận còn sống

Ông Tài cho biết nhập ngũ từ tháng 2-1962 tham gia chiến đấu tại đơn vị đoàn đặc nhiệm 200C đặc công quân khu 6 miền trung trung bộ. Trong một trận đánh tiêu diệt cứ điểm của địch tại Bình Thuận vào tháng 5-1969 ông bị dính bom, nhiều mảnh đạn găm vào hai chân và hai tay.

Năm 1976, ông Tài phục viên do sức khoẻ yếu và được đưa ra Bắc vào đoàn 253 của quân khu 3 điều trị. Các bác sĩ đã mổ gắp một mảnh đạn trong người và xác định tỷ lệ 16% thương tật.

Năm 2014, sở LDTB&XH tỉnh Hải Dương tổ chức khám, giám định sức khoẻ cho các cựu chiến binh, ông Tài được xếp vào bệnh binh loại 3 và được hưởng chế độ hơn 1 triệu đồng/tháng.

Sau khi trở về nhà ông Tài vẫn thấy người thường xuyên đau ốm, cánh tay trái hay bị tê buốt. Ông tiếp tục đi khám, chiếu chụp thì có kết quả vẫn còn 3 mảnh đạn găm trong cánh tay trái.

Năm 2014, ông Tài lên phòng lao động TB&XH huyện Thanh Miện để xin xác nhận, giới thiệu đi mổ gắp ba mảnh đạn ra. Ông được cán bộ hướng dẫn về xã làm đơn xin xác nhận rồi mang lên Sở LĐTB&XH tỉnh làm thủ tục.

Tờ sao lục của Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương ghi nội dung: “hồ sơ liệt sĩ Bùi Văn Tài”

Cán bộ phòng có công, sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương tiếp nhận hồ sơ của ông Tài  cho biết sẽ sao lưu các hồ sơ liên quan và hẹn ông Tài một tháng sau nếu không có trả lời thì điện thoại lại hỏi. Khoảng một tuần sau ông Tài nhận được hồ sơ sao lục của sở LĐTB&XH gửi về qua đường bưu điện. Lúc đó ông Tài hoảng hốt khi thấy trong tờ sao lục ông bỗng dưng… thành “liệt sĩ”.

Theo đó, trong tờ sao lục số 1059 có ghi “hồ sơ liệt sĩ Bùi Văn Tài ở xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương”.

“Lúc đó tôi mới chợt nghĩ mình gặp rắc rối không xin được giấy xác nhận, giới thiệu mổ gắp mảnh đạn ra vì họ nhầm tôi là liệt sĩ. Tôi phải ra UBND xã xin xác nhận là mình vẫn còn sống và hưởng trợ cấp chế độ bệnh binh loại 3 từ hàng chục năm nay”.

Theo ông Tài, sau khi có được xác nhận của UBND xã rằng “mình vẫn còn sống”, ông Tài tiếp tục lặn lội lên sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương để chứng minh “mình còn sống” và tiếp tục nộp hồ sơ xin giới thiệu đi mổ.

“Tôi đi đi về về ba lần nhưng cán bộ nhận hồ sơ cứ hướng dẫn về làm đơn lại. Có lần thì họ trả lời tôi cứ tự đi mổ rồi mang giấy tờ kết quả về sở nhưng tôi không chịu. Nhà tôi có 4 anh em trai thì ba người tham gia cách mạng, anh trai và em trai tôi đã hy sinh khi chiến đấu còn tôi về nhà thương tật đầy mình.

Chúng tôi hy sinh mất mát trong chiến tranh không tiếc gì, vì trước đây các bác sĩ của đơn vị quân đội mổ cho nên bây giờ muốn có giấy giới thiệu, xác nhận của sở để tiếp tục mổ”.

Ông Tài nói thêm: “Giờ tôi đi đâu người làng cũng gọi tôi là “liệt sĩ”. Tôi cũng bức xúc và muốn làm rõ do nhầm lẫn hay có chuyện làm giả hồ sơ liệt sĩ của tôi để ăn chặn tiền chế độ của nhà nước mấy chục năm nay”.

“Do cán bộ đánh máy nhầm”

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 21-5, ông Lưu Văn Bản, giám đốc sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương cho biết đã kiểm tra lại vụ việc của ông Tài và khẳng định:

“Đây là hiểu lầm do cán bộ sai sót trong quá trình đánh máy sao lục hồ sơ. Theo báo cáo từ dưới bộ phận phòng có công, khi cán bộ thực hiện sao lục đã copy từ văn bản này sang văn bản kia và không soát kỹ lại nên nhầm “hồ sơ bệnh binh” thành “hồ sơ liệt sĩ”. Đồng chí phó chánh văn phòng cũng không kiểm tra kỹ khi ký tên đóng dấu”.

Ông Bản cho biết thêm hồ sơ gốc bệnh binh của ông Tài vẫn được lưu ở sở và hàng tháng chi trả chế độ đầy đủ. “Mọi tài liệu, hồ sơ gốc còn lưu nên không thể có chuyện làm giả hồ sơ liệt sĩ để tham ô tiền trợ cấp như ông Tài hiểu lầm”, ông Bản khẳng định.

Ông Phạm Công Vũ, phó phòng người có công cũng cho biết khi ông Tài mang giấy xác nhận “còn sống” lên thì cán bộ của phòng cũng thừa nhận do nhầm lẫn khi gõ văn bản và trực tiếp xin lỗi.

Về việc ông Tài gian nan đi xin xác nhận, ông Bản cho biết: “chúng tôi đã có trả lời bằng văn bản cho ông Tài, do ông là bệnh binh nên theo quy định hiện hành không có quy định giám định lại bệnh tật đối với bệnh binh đang hưởng trợ cấp.

Việc đi mổ gắp ba viên đạn ra thì không cần xác nhận hay giới thiệu, ông Tài là bệnh binh có bảo hiểm y tế nên đến bệnh viện nào mổ cũng được miễn phí. Cán bộ hướng dẫn ông về làm đơn nhiều lần có thể do khi đến làm việc ông không nói rõ mình là bệnh binh và sở đã trả lời bằng văn bản nên yêu cầu ông về làm đơn.

Về nhầm lẫn trong bản sao lục, nếu ông Tài thấy cần thiết chúng tôi sẽ có văn bản đính chính, xin lỗi gửi ông”.

Ông Đỗ Phương Cam, chủ tịch UBND xã Lê Hồng, cho biết khi thấy ông Tài ra xin xác nhận “còn sống” cũng thấy “đây là chuyện lạ lùng”. UBND xã cũng đã xác nhận cho ông Tài hiện trong xã không có liệt sĩ nào tên là Bùi Văn Tài mà chỉ có ông Bùi Văn Tài là bệnh binh đang hưởng chế độ do xã quản lý.

 

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên