Tàu vận tải của Trung Quốc chở vật liệu xây dựng đậu cạnh đảo Huy Gơ để phục vụ việc xây dựng trái phép - Ảnh: Viễn Sự |
Họ (Trung Quốc) cứ nói những mỹ từ vô cùng tốt đẹp về mối quan hệ hai nước, nhưng ngoài biển Đông thì cứ tiếp tục mở rộng, xây các công trình kiên cố trên các đảo chiếm giữ trái phép. Họ nói một đường làm một nẻo |
Đại biểu NGUYỄN ANH SƠN |
Tại phiên họp trù bị trước giờ khai mạc kỳ họp thứ 9, đại biểu Nguyễn Anh Sơn, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, đã bất ngờ đề nghị bổ sung chương trình kỳ họp nội dung Chính phủ báo cáo về tình hình Trung Quốc mở rộng, xây dựng nhiều công trình kiên cố trên các đảo mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép của Việt Nam tại Trường Sa.
Trả lời đề nghị này, tại phiên khai mạc sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết Quốc hội sẽ ghi nhận và xem xét đưa vào chương trình kỳ họp để Chính phủ báo cáo tại một phiên họp chính thức trong kỳ họp này.
Phải phản đối mạnh mẽ
Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri gửi đến kỳ họp của ông Nguyễn Thiện Nhân - ủy viên Bộ Chính trị, chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - cho biết: “Cử tri và nhân dân rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa... Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chủ trương, giải pháp hiệu quả để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ ngay sau khi kiến nghị vấn đề này tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Sơn nói ông đề nghị vấn đề này vì việc làm của Trung Quốc ở Trường Sa hiện nay nguy hiểm hơn cả việc đem giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam năm 2014.
“Tôi đọc rất nhiều thông tin về việc Trung Quốc mở rộng, xây dựng các công trình trên đảo tại Trường Sa. Trong đó thông tin mới nhất là việc Trung Quốc xây công trình cao đến chín tầng trên đảo Huy Gơ mà báo Tuổi Trẻ vừa đưa. Hàng triệu người dân Việt Nam căm phẫn, thế giới cũng bất bình với việc làm vô cùng ngang ngược của Trung Quốc, vậy tại sao chúng ta có thể không lên tiếng?” - đại biểu Nguyễn Anh Sơn nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn cho rằng Trung Quốc đã coi thường luật pháp quốc tế, coi thường các nước láng giềng và coi thường những thỏa thuận của Việt Nam và Trung Quốc. Trước chuỗi hành động của Trung Quốc trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam cần thể hiện rõ đối sách, quan điểm để cử tri, nhân dân được rõ.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn đánh giá Việt Nam đã vận dụng tất cả phương pháp mềm dẻo nhất trong vấn đề biển Đông, từ ngoại giao nhân dân, từ cấp tỉnh đến bộ ngành, trung ương. Nhưng theo ông, giờ đây “cử tri cả nước rất bức xúc và Quốc hội - nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng của cử tri - không thể không có động thái. Phải có nghị quyết hay hình thức mạnh mẽ nào đó để phản đối”.
Yêu cầu phù hợp
Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh đề nghị của đại biểu Nguyễn Anh Sơn, nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng đồng tình. Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Khánh Hòa - nói ông rất tán đồng.
Ông Tuân khẳng định: “Cử tri đang rất bức xúc trước việc làm ngang ngược của Trung Quốc. Đảng, Nhà nước và Chính phủ phải có một chính kiến kiên quyết. Phải gửi công hàm tới ban lãnh đạo của Trung Quốc về việc làm sai trái trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”.
Đại biểu Hà Huy Thông - phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - cũng đánh giá việc Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo về tình hình tại Trường Sa là phù hợp.
“Việt Nam đã tôn trọng Trung Quốc là nước láng giềng, nước có cùng chế độ XHCN và họ là một nước lớn đang phát triển. Nhưng có những việc họ làm không đi đôi với lời hứa. Họ cam kết với chúng ta không để tình hình xấu hơn, nhưng với hành động của họ thì rõ ràng làm tình hình xấu hơn. Theo những thông tin tôi có được thì tình hình trên biển Đông chưa có tiến bộ gì” - ông Thông nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận