20/05/2015 07:59 GMT+7

Vì dân, phải bàn cụ thể và thực chất

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - 9g sáng nay (20-5), Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 9. Kỳ họp lần này tập trung thời gian cho công tác lập pháp, với việc xem xét nhiều dự án luật.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí tại cuộc họp báo thông báo nội dung chương trình kỳ họp thứ 9 của Quốc hội - Ảnh: Việt Dũng
Ông Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí tại cuộc họp báo thông báo nội dung chương trình kỳ họp thứ 9 của Quốc hội - Ảnh: Việt Dũng

Sau phần phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014, tình hình những tháng đầu năm 2015.

Kỳ họp lần này tập trung thời gian cho công tác lập pháp, với việc xem xét nhiều dự án luật quan trọng, được dư luận chú ý như: Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương, Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), Luật trưng cầu ý dân, Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi)...

Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo về điều 60 Luật bảo hiểm xã hội; nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” và thảo luận về vấn đề này.

“Trả nợ” cử tri

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ trước thềm kỳ họp, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội) nhắc đây đã là kỳ họp thứ 9, chỉ còn một kỳ họp nữa là kết thúc nhiệm kỳ nên cá nhân bà cũng tự soi xét, kiểm điểm lại chính bản thân mình xem đã làm được gì và chưa làm được gì so với lời hứa khi ứng cử hơn bốn năm trước.

Đón đọc thông tin kỳ họp Quốc hội trên Tuổi Trẻ:

* Tường thuật đầy đủ dòng thời sự tại Quốc hội.

* Ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia.

* Các chuyên mục góp ý với Quốc hội.

* Cập nhật liên tục trên Tuổi Trẻ Online.

Mời bạn đọc theo dõi

“Là một đại biểu Quốc hội, tôi cũng đề nghị Quốc hội xem xét lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành trong thời gian qua xem họ đã làm được đến đâu, với những gì chưa làm được thì nguyên nhân vì sao” - bà An nói.

Một trong những vấn đề được bà An quan tâm nhất là tình hình sản xuất nông nghiệp đang gặp hết sức khó khăn.

“Điệp khúc được mùa rớt giá tôi đã phải nghe trong nhiều năm qua, rất buồn là đến nay lặp lại và tình hình còn nghiêm trọng hơn. Cho nên điều tôi suy nghĩ nhất là làm thế nào để nông dân được hưởng đúng thành quả lao động của mình, giá cả sản phẩm phải tương xứng với công sức.

Làm thế nào để xã hội không phải vận động phong trào giải cứu dưa hấu, giải cứu hành tím, không phải nhìn cảnh nông dân đổ sữa bò ra đường... như vừa qua. Tôi thấy Quốc hội còn mắc nợ cử tri. Vậy nên tại kỳ họp này rất mong Quốc hội thảo luận sâu, cụ thể vào từng lĩnh vực như thế này để tìm ra giải pháp” - bà An bày tỏ.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) quan tâm về Luật tổ chức chính quyền địa phương. “Tôi rất mừng bởi kết luận của Hội nghị trung ương 11 trúng với ý mình là ở đâu có cấp chính quyền thì ở đó phải có cả HĐND và UBND. Nhưng vấn đề ở đây là không phải trung ương định hướng rồi mà Quốc hội không bàn gì nữa, mà Quốc hội phải thảo luận để tìm ra phương án tốt nhất, tổ chức chính quyền địa phương làm sao hiệu quả, thiết thực, đáp ứng những đòi hỏi của mục tiêu cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, đặc biệt tổ chức và hoạt động của HĐND phải thực chất, đúng là cơ quan quyền lực đại diện cho người dân ở địa phương” - ông bày tỏ.

Sẽ thảo luận điều 60 Luật bảo hiểm xã hội

Sáng 19-5, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo quốc tế thông báo về nội dung chương trình kỳ họp. Trả lời các câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ, ông Phúc cho biết Quốc hội sẽ xem xét tư cách đại biểu của bà Châu Thị Thu Nga (đã bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Trong lịch sử Quốc hội VN, lần đầu tiên có một cuộc nghỉ việc tập thể của công nhân để phản đối một điều luật chưa có hiệu lực thi hành, đó là điều 60 Luật bảo hiểm xã hội; một vài đạo luật khác cũng có những kiến nghị sửa đổi. Ông suy nghĩ gì về tình trạng này?” - phóng viên Tuổi Trẻ hỏi.

Ông Phúc trả lời: “Làm luật, sửa luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Đến nay Chính phủ chưa có tờ trình chính thức đề nghị Quốc hội sửa điều 60 Luật bảo hiểm xã hội. Chúng tôi được biết vừa qua có một số công nhân phản ứng, đề nghị sửa điều luật này. Luật bảo hiểm xã hội đã được Quốc hội thông qua, các quy định trong luật này phù hợp với thông lệ quốc tế là đảm bảo quyền lợi lâu dài của công nhân. Nhưng vì có phản ứng của một số công nhân, tại kỳ họp này Quốc hội đã bố trí thời gian để Chính phủ báo cáo về việc triển khai thực hiện điều luật này. Sau đó Quốc hội sẽ thảo luận”. 

Luôn nhắc nhở đại biểu dự họp đầy đủ

Liên quan đến thực trạng đại biểu Quốc hội vắng họp từng được báo Tuổi Trẻ phản ánh, câu hỏi đặt ra cho Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc là “giải pháp để chấm dứt tình trạng này?”, ông Phúc cho biết: “Tôi có được sang thăm Quốc hội Mỹ và dự một số phiên họp thì thấy các phiên họp Quốc hội ở Mỹ vắng hơn ta rất nhiều. Nhưng khi tiến hành biểu quyết thì chuông báo, đồng hồ báo cho đại biểu về để tập trung biểu quyết. Nhiều nước cũng vậy.

Ở nước ngoài thì đại biểu chuyên trách, trong khi ở ta có nhiều đại biểu kiêm nhiệm. Chúng ta quy định đại biểu kiêm nhiệm phải dành ít nhất 30% cho hoạt động Quốc hội, vì vậy nên đôi khi đại biểu dành thời gian giải quyết công việc của bộ, ngành địa phương thì cũng khó trách được.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng luôn nhắc nhở các trưởng đoàn đề nghị các đại biểu dự họp đầy đủ. Tôi nghĩ đại biểu của chúng ta có trách nhiệm rất cao, không chỉ hoạt động tại các phiên họp Quốc hội mà hoạt động ở các đoàn đại biểu cũng rất sôi động”.

 

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên