16/03/2015 15:44 GMT+7

Con gái liệt sĩ tìm việc qua Facebook Bộ trưởng Y tế

DOÃN HÒA
DOÃN HÒA

TTO - “Sau nhiều lần tìm việc làm không được, có lúc mình cảm giác như tuyệt vọng. Thế nhưng khi nhận tin nhắn từ Bộ trưởng Bộ Y tế, mình rất xúc động bởi Bộ trưởng lại gần gũi đến như vậy”.

Bà Ninh và Trang sửa soạn đồ cúng giỗ liệt sĩ Phan Huy Sơn - Ảnh: Doãn Hoà

Đó là những lời tâm sự của cô gái Phan Thị Trang (27 tuổi), con gái của liệt sĩ Phan Huy Sơn (quê huyện Diễn Châu, Nghệ An; cán bộ y tế của Binh chủng Hải quân hi sinh bảo vệ chủ quyền đảo Gạc Ma) khi nhận được tin nhắn “tìm việc làm” từ trang fanpage cá nhân của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Gian nan tìm việc

Trong căn nhà tình thương được chính quyền và đồng đội xây tặng cách đây ba năm, bà Trần Thị Ninh (53 tuổi) cùng Trang sửa soạn lại bàn thờ, rửa ít hoa quả để chuẩn bị ngày giỗ thứ 27 của chồng mình, liệt sĩ Phan Huy Sơn.

Là bạn học cùng khoá, cuối năm 1981 anh Sơn và chị Ninh cưới nhau. Bốn tháng sau đó anh nhập ngũ và được cử đi học y sĩ. Năm 1984 đứa con trai đầu lòng Phan Huy Hà ra đời nhưng lại bị thiểu năng trí tuệ.

Học xong, anh Sơn được cử ra đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa làm nhiệm vụ. Ngày 14-3-1988, anh Sơn cùng 63 đồng đội khác đã ngã xuống khi bảo vệ chủ quyền vùng biển Việt Nam tại đảo Gạc Ma.

Thời điểm anh Sơn hi sinh, Trang chưa chào đời. Chồng nằm lại giữa biển khơi, một mình bà Ninh ở vậy tần tảo vượt qua khó khăn nuôi dạy hai con. Bố hi sinh từ lúc còn ở trong bụng mẹ nên Trang chỉ biết bố mình qua lời kể của mẹ cùng những kỷ vật của bố được đồng đội gửi lại.

Với ước nguyện được tiếp tục sự nghiệp của cha, Trang đã cố gắng học tập và quyết tâm thi vào ngành y. Trang tâm sự, thi đỗ và học hai năm ở khoa Sư phạm Sinh, trường ĐH Vinh nhưng Trang phải bỏ dở giữa chừng bởi mẹ đau yếu đi viện thường xuyên, còn anh trai lại mang bệnh không thể tự chăm sóc mình.

Không từ bỏ ước mơ được khoác chiếc áo blouse trắng chăm sóc người bệnh, năm 2011 Trang thi đỗ vào lớp cao đẳng Điều dưỡng, trường ĐH Y khoa Vinh. Giữa năm 2014, Trang tốt nghiệp.

Mặc dù nhiều lần đưa hồ sơ liên hệ xin việc ở các cơ sở y tế, phòng khám để kế nghiệp bố còn dang dở nhưng Trang chưa được đơn vị y tế nào tiếp nhận. “Mình và ông ngoại gần 80 tuổi đi gõ cửa nhiều bệnh viện, cơ sở y tế trình bày hoàn cảnh nhưng ở đâu cũng nói chưa có chỉ tiêu tuyển dụng hoặc là cần điều dưỡng, bác sĩ là nam giới”, Trang kể.

Gánh nặng lại đè lên vai Trang khi bà Ninh trụ cột chính của gia đình bị teo một bên thận, bên còn lại bị sỏi, viêm loét dạ dày tá tràng. Trong thời gian tìm việc làm, Trang thay mẹ và anh làm 4 rào ruộng khoán và chăn nuôi để trả nợ ngân hàng gần 24 triệu đồng thời đi học.

“Đừng bao giờ đánh mất niềm tin”

Gần đến ngày kỷ niệm 27 năm trận hải chiến Gạc Ma, cũng là ngày giỗ thứ 27 của bố mình nên ước mơ trở thành một điều dưỡng để chăm sóc người bệnh trong Trang lại trỗi dậy. 

Được một người bạn giới thiệu trang fanpage cá nhân của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nên Trang đã gửi tin nhắn, bày tỏ nỗi niềm của một người con liệt sĩ từng làm y sĩ khi hi sinh tại đảo Gạc Ma.

Trong nội dung tin nhắn Bộ trưởng Bộ Y tế, Trang tâm sự mình đã tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng và đã có nhiều cố gắng nhưng chưa có việc làm, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn vì anh trai tàn tật, mẹ đau yếu thường xuyên còn bố hy sinh khi Trang chưa chào đời.

Nhận được lời tâm sự của Trang qua trang facebook, ngày 13-3, Phó Chánh văn phòng Bộ Y tế Phạm Thanh Bình có văn bản truyền đạt ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến với nội dung xem xét, hỗ trợ và bố trí việc làm cho em Trang. Đồng thời đề nghị Sở Y tế Nghệ An tổ chức thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe cho con trai và vợ liệt sĩ Phan Huy Sơn.

Dù chưa nhận được tin bố trí việc làm chính thức nhưng tin nhắn trực tiếp từ trang fanpage Bộ trưởng Bộ Y tế khiến Trang và bà Ninh cảm kích.

Trang Fanpage của Bộ trưởng Bộ Y tế phản hồi trường hợp tìm việc của Trang - Ảnh: Chụp màn hình
Trang Fanpage của Bộ trưởng Bộ Y tế phản hồi trường hợp tìm việc của Trang - Ảnh: Chụp màn hình

Cầm bức thư đã ngả màu mà chồng gửi hai ngày trước lúc hi sinh, bà Ninh xúc động nói: “Tôi không biết con gái nhắn cho Bộ trưởng Bộ Y tế qua mạng lúc nào những khi thấy con báo tin thì cả đêm qua tôi không ngủ được. Gần 30 năm qua, chồng tôi vẫn còn nằm lại giữa biển khơi. Gia đình tôi rất xúc động trước tấm lòng, sự sẻ chia, quan tâm của Bộ trưởng với gia đình”.

Trang tâm sự: “Mình không nghĩ là mình lại may mắn khi nhận được thư trả lời từ Bộ trưởng qua Facebook nhanh đến vậy. Mình cũng mong muốn, với các bạn trẻ đừng bao giờ từ bỏ ước mơ và đánh mất niềm tin khi chúng ta không dám thử. Nếu được tuyển dụng vào một cơ sở y tế, mình sẽ cố gắng làm việc để không phụ lòng mong mỏi của mọi người”.

Chiều 16-3, trao đổi với Tuổi trẻ ông Hoàng Văn Hảo - phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: “Phía Sở đã nhận được văn bản của Bộ Y tế về việc xem xét, bố trí việc làm cho Phan Thị Trang - con gái của liệt sĩ Phan Huy Sơn. Sở Y tế Nghệ An sẽ có cuộc họp lãnh đạo, sau đó sẽ có hướng triển khai theo đúng quy trình tuyển dụng”.

Bức thư cuối cùng của liệt sĩ Gạc Ma

Ngày 9-3-1988, bà Ninh nhận được bức thư của chồng mình gửi trước khi lên đường ra đảo Gạc Ma làm nhiệm vụ. Trải qua hơn một phần tư thế kỷ, nét chữ anh Sơn vẫn rõ ràng.

Mở đầu thư anh Sơn viết: “Ninh em thương! Như vậy là anh đã xa em và con được mấy ngày. Lòng nhớ em và con khôn xiết. Trên đường đi vào an toàn. Hiện nay anh chuẩn bị ra đảo nhưng chưa rõ đảo nào. Trước khi ra đi anh chúc 2 mẹ con trẻ - khỏe - yên tâm và hạnh phúc!”.

“Theo như đã nói với em khi ở nhà, anh gửi em 1 quần pho, 1 tấm vải xẹc (em đóng áo mà mặc), 2 gói mỳ chính (ngoại 1 gói+ nội 1 gói) để em và con dùng và 50 nghìn đồng để em bồi dưỡng lúc sinh đẻ hoặc mua cái gì đó để làm vốn. Tiền anh gói trong tấm vải bộ đội. Gửi cho mẹ 10 nghìn đồng, tiền anh bỏ trong cái áo trắng dài, khi đưa cho mẹ em bảo là anh gửi về để mẹ và bố mua thêm thức ăn cho các chú kẻo các chú ăn đói. Gửi cho chú Giang 2,5m vải bộ đội để chú may quần hay áo tùy chú, bảo với chú đó là quà tết. Gửi cụ Bảy 2,5m vải sọc để cụ may áo. Còn anh gửi về cho em 70 viên Tê-tơ-ra-xi-lin (anh gói và bỏ trong quần pho của anh). Ninh em thương! Không phải anh quên Hà con đâu nhé, vì điều kiện quá gấp em lấy tiền mua cho con bộ áo thật tốt để Hà mặc”.

Mặt sau của bức thư bị nhòe, Sơn nhờ chị Ninh cất giữ đồ quần áo cẩn thận và gửi lời chúc sức khỏe tới mọi người trong đại gia đình và bà con lối xóm.

Ở mặt trong của chiếc phong bì, có thêm mấy lời nhắn gửi của anh Sơn: “10/3/88. Ninh em! Trước khi đi đảo anh đã gửi thêm cho em 10 nghìn đồng theo đường bưu điện. Hôm nay anh gửi quần áo cho Hà con nữa. Bưu điện sẽ báo 3 đợt: 2 đợt bưu kiện và 1 đợt tiền. Em đón nhận nghe em! Anh: Hà Sơn”.

DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên