06/02/2015 09:43 GMT+7

​Tiết kiệm chi tiêu, dồn cho giảm nghèo

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gợi mở những hướng giảm nghèo bền vững cho người nghèo, hộ nghèo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: V.V.Thành
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: V.V.Thành

 Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về thực hiện công tác giảm nghèo năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015 chiều 5-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gợi mở những hướng giảm nghèo bền vững cho người nghèo, hộ nghèo.

Tập trung giảm nghèo ở đồng bào dân tộc thiểu số; gắn giảm nghèo với ưu đãi cho doanh nghiệp tạo ra việc làm ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn... là những gợi mở được đặt ra.

3 hộ bước ra, 1 hộ bước vào

Một là giúp bà con làm hiệu quả hơn việc đang làm, trồng lúa hiệu quả hơn, nuôi bò hiệu quả hơn. Hai là hỗ trợ bà con chuyển đổi nghề nghiệp. Việc chuyển đổi này nên bằng cơ chế thông qua doanh nghiệp, nghĩa là tiếp cận từ thực tế, không nên Nhà nước đứng ra mở trường dạy nghề, đào tạo thợ may, thợ hồ nhưng người dân lại không cần những nghề đó
Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG phát biểu tại hội nghị 

Tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao kết quả thực hiện các mục tiêu, chính sách, chương trình giảm nghèo thời gian qua.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, trong năm 2014 tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo khoảng 34.700 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo là 30.800 tỉ đồng. Đến cuối năm 2014, tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,8-2%/năm (từ 7,8% xuống còn 5,8-6%).

Thủ tướng biểu dương kết quả trên nhưng lưu ý: kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỉ lệ tái nghèo hằng năm còn cao, như nhận xét của đại diện Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội là “ba ra một vào”, nghĩa là cứ ba người thoát nghèo thì lại có một người tái nghèo hoặc có người mới lâm vào tình trạng nghèo.

Thủ tướng đề cập: trong khi nguồn lực cho giảm nghèo chưa đáp ứng yêu cầu thì có lúc, có nơi lại sử dụng nguồn lực hiệu quả chưa cao.

“Có tỉnh tuy khó khăn vẫn dành nguồn lực cho giảm nghèo, nhưng có nơi chỉ trông chờ ngân sách trung ương” - Thủ tướng lưu ý. Ông cho rằng thực tế cho thấy nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thì có chuyển biến, có kết quả rõ ràng.

Từ cách tiếp cận này, Thủ tướng đề nghị từ Chính phủ, các bộ ngành, địa phương nghiêm túc quán triệt nghị quyết của Đảng và Quốc hội liên quan đến công tác giảm nghèo, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Đối với ngân sách địa phương, cần tiết kiệm các khoản chi để dồn cho giảm nghèo.

Tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết số hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cũng phản ảnh: có những tỉnh trên 90% hộ nghèo rơi vào đồng bào dân tộc thiểu số. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ: “Đây là điều chúng ta trăn trở”.

Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành liên quan rà soát để hoàn thiện chính sách về giảm nghèo, tập trung hỗ trợ các hộ nghèo và đặc biệt là hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Sắp tới, Chính phủ dự kiến ban hành nghị định về giảm nghèo nhanh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đưa ra các chính sách cụ thể.

“Ví dụ như dạy nghề thì phải giúp bà con hai việc. Một là giúp bà con làm hiệu quả hơn việc đang làm, trồng lúa hiệu quả hơn, nuôi bò hiệu quả hơn. Hai là hỗ trợ bà con chuyển đổi nghề nghiệp. Việc chuyển đổi này nên bằng cơ chế thông qua doanh nghiệp, nghĩa là tiếp cận từ thực tế, không nên Nhà nước đứng ra mở trường dạy nghề, đào tạo thợ may, thợ hồ nhưng người dân lại không cần những nghề đó” - Thủ tướng nói.

Chênh lệch giàu nghèo chưa được thu hẹp

Theo phản ảnh của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, bên cạnh kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỉ lệ tái nghèo hằng năm còn cao thì đến nay chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây nguyên.

Số liệu từ báo cáo tại hội nghị cho hay khoảng cách chênh lệch về mức độ giàu - nghèo có xu hướng tăng hơn.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cho rằng thời gian tới cần chuyển mạnh sang áp dụng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm cho không đối với hộ nghèo. Đẩy mạnh giảm nghèo theo địa chỉ, giải quyết từ gốc nguyên nhân nghèo và muốn vậy thì phải phát huy tốt vai trò và trách nhiệm của địa phương.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đất nước muốn phát triển bền vững thì phải làm tốt công tác giảm nghèo.

“Các cấp, các ngành phải coi thực hiện tốt công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, lấy hiệu quả trong công tác giảm nghèo là tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền” - Thủ tướng nói.

Ưu đãi để doanh nghiệp tạo việc làm ở vùng khó khăn

Trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng cùng với việc hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thì hỗ trợ sản xuất là cái gốc của vấn đề. Hỗ trợ trước hết về cây trồng, cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp. Tiếp đó là hỗ trợ vật nuôi.

Đồng bào ở vùng sâu, vùng xa có lợi thế về nuôi bò, nuôi trâu, nuôi dê nên hỗ trợ cho vay lãi suất thấp để bà con phát triển chăn nuôi. Hướng hỗ trợ tiếp theo có tiềm năng rất lớn là giảm nghèo gắn với phát triển, bảo vệ rừng.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc đề ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nếu doanh nghiệp nào đầu tư vào vùng sâu, vùng xa thu hút được 100 lao động thì miễn thuế trong thời gian nhất định, đồng thời cho vay ưu đãi để doanh nghiệp đào tạo nghề cho người dân địa phương.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục làm tốt hơn nữa việc cho vay đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo để tạo ra “cần câu” cho người nghèo.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên