19/01/2015 07:45 GMT+7

​Mỗi người một hành động vì chủ quyền

PHẠM VŨ - VIỄN SỰ thực hiện
PHẠM VŨ - VIỄN SỰ thực hiện

TT - 19-1-1974, dấu mốc thời gian không thể quên với người Việt Nam khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Mô hình nhà trưng bày Hoàng Sa tại TP Đà Nẵng - Ảnh: Trường Trung

Năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam suốt 75 ngày.

Hiện tại, Trung Quốc mỗi ngày mỗi đẩy mạnh tốc độ xây dựng trên các đảo mà họ chiếm đóng ở Hoàng Sa và Trường Sa...

Việt Nam cần phải chuẩn bị gì, có những bước đi nào để bảo vệ chủ quyền đất nước? Tuổi Trẻ gặp gỡ với những người mà trong công việc cũng như lựa chọn của mình luôn hướng về biển Đông.

Học sinh - sinh viên kiều bào xem những hình ảnh tư liệu về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Bảo tàng Đà Nẵng vào tháng 7-2014 - Ảnh: Trường Trung

Luôn có cơ hội để chiến thắng

* Ý đồ Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông thời gian qua thể hiện rất rõ trong nhiều sự kiện. Việt Nam chúng ta nên có những bước đi phù hợp nào để bảo vệ vững chắc chủ quyền của mình?

- Luật sư Lê Minh Phiếu: Tôi muốn nhắc lại một câu chuyện cũ. Năm 2008, khi Trung Quốc bắt đầu phát hành rộng rãi bản đồ có hình “đường lưỡi bò chín đoạn” trên biển Đông, đưa vào trang web chính thức của Thế vận hội Bắc Kinh, tôi, với tư cách một du học sinh VN, đã gửi thư phản đối lên Ủy ban Olympic quốc tế.

Bản đồ trên trang web này đã bị gỡ bỏ sau đó. Nhắc chuyện này để tự tin hơn: Việt Nam chúng ta vẫn có cơ hội, có giải pháp để chiến thắng và giữ vững chủ quyền với những bước đi đúng đắn, phù hợp luật pháp quốc tế.

Tháng 7-2014, giàn khoan Hải Dương 981 đã được Trung Quốc rút đi sau 75 ngày Việt Nam đấu tranh không mệt mỏi, chúng ta cũng đã có những thắng lợi nhất định. Năm 2015, để đề phòng những sự kiện tương tự, tôi nghĩ chúng ta cần có sự chuẩn bị tốt hơn về cả ngoại giao, chính trị, quân sự.

Và nên bắt đầu ngay từ bây giờ, không nên để cho tình huống nào là bất ngờ, gây lúng túng nữa. Hãy chuẩn bị những phương pháp đối phó cụ thể nếu có giàn khoan, tàu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế: Sẽ khởi kiện ở tòa án nào, hồ sơ như thế nào? Trường hợp nào cần phải bắt giữ tàu, thủ tục, phương tiện ra sao?...

- Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương: Tôi muốn nhấn mạnh thêm: Âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc đã có từ rất lâu và thể hiện nhất quán qua hàng chuỗi sự kiện như 19-1-1974, 14-3-1988, Hải Dương 981 năm 2014... Trung Quốc đã đề ra chiến lược “tam chiến” với biển Đông: truyền thông, pháp lý, tâm lý.

Theo đó, họ tự dựng “đường lưỡi bò”, tự dựng ra những chứng cứ lịch sử đơn phương, tận dụng các đài quốc tế để tuyên truyền rộng rãi, không chịu tham gia tòa án quốc tế và dùng sức mạnh để gây sợ hãi.

Theo tôi, Việt Nam cần sử dụng những giải pháp trên thế tiến công chủ động. Làm sao để Trung Quốc thấy những hành vi ngang ngược của họ phải bị trả giá. Việt Nam vừa nộp một công văn lên Tòa án quốc tế thông báo mình là một bên liên quan trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Chúng ta nên chủ động như thế.

- Ngô Phan Hà Châu: Được nghe các anh chị trao đổi hôm nay, cũng như nhiều hoạt động tôi đã được tham gia trước đó, tôi thấy vững tin hơn nhiều vào Đảng, Nhà nước, quân đội ta. Niềm tin rất quan trọng với người trẻ, bên cạnh đó, việc được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cũng rất quan trọng.

Tôi mong tất cả các bạn trẻ đều được tham gia những hoạt động này, để biết yêu nước bằng “trái tim nóng và cái đầu lạnh”, có cách thể hiện lòng yêu nước của mình một cách đúng đắn và hiệu quả.

Ảnh: Gia Tiến

"Việt Nam tuy nhỏ nhưng vẫn có cơ hội chiến thắng. Một trong số đó là sự biểu thị lòng yêu nước của người dân"

Luật sư 
LÊ MINH PHIẾU

 

Ảnh: Gia Tiến

"Chúng ta cần có những xúc tiến tích cực ở tòa quốc tế để Trung Quốc biết những hành vi ngang ngược phải bị trả giá"

Tiến sĩ 
LÊ VĨNH TRƯƠNG

* Luật sư Lê Minh Phiếu và tiến sĩ Lê Vĩnh Trương là thành viên Quỹ nghiên cứu biển Đông, cung cấp kiến thức khoa học về lịch sử, địa lý, pháp lý của chủ quyền Việt Nam ở biển Đông.

Ảnh: Gia Tiến

"Được cung cấp đủ thông tin và kiến thức, chúng tôi vững tin hơn và sẵn sàng để đóng góp phần của mình"

NGÔ PHAN HÀ CHÂU

*  Ngô Phan Hà Châu, cán bộ Trung tâm Hỗ trợ sinh viên Thành đoàn TP.HCM.

Năm 2011, khi còn là sinh viên, trên chuyến tàu ra thăm Trường Sa, Hà Châu đã mang theo một nắm đất với ý tưởng mang đất từ quê hương vun đắp đảo xa. Ý tưởng này đã gợi nên cảm hứng để báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình “Góp đá xây Trường Sa”.

Mỗi người chúng ta đều có việc của mình

 

* Không thể không nhắc đến nắm đất của Hà Châu đã gợi ý và gợi cảm hứng ban đầu để Tuổi Trẻ hình thành chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, được hàng vạn bạn đọc hưởng ứng và đóng góp cho Trường Sa những công trình cụ thể.

Mỗi người đều có vai trò của mình trong sức mạnh tổng hợp của cả nước. Vấn đề là việc gì và thể hiện thế nào?

- Luật sư Lê Minh Phiếu: Nhà nước có vai trò của Nhà nước, từng người dân cũng có vai trò của mình. Chúng ta cũng có thể “tam chiến”: ngoại giao, pháp lý, tâm lý. Học hỏi, nâng cao hiểu biết của mình về pháp lý, bồi dưỡng nhận thức về chủ quyền và tận dụng những quan hệ để có phương pháp truyền thông cá nhân...

Tôi còn nhớ rõ cảm giác của mình buổi sáng 11-5-2014 chứng kiến cuộc tuần hành tại TP.HCM phản đối việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Đoàn người mạnh mẽ và ôn hòa.

Trong tương lai, nếu những sự kiện tương tự như sự kiện Hải Dương 981 lại diễn ra, tôi cho rằng Chính phủ nên tiếp tục thông tin đầy đủ và tạo điều kiện để người dân thể hiện cảm xúc của mình, cộng sức mạnh của mình vào sức mạnh dân tộc.

Luật biểu tình nên được ban hành sớm trên tiêu chí bảo vệ người dân thực hiện quyền hiến định của mình.

- Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương: Tất nhiên việc bảo vệ chủ quyền đất nước không thể chỉ trông chờ vào Nhà nước, hay đặt gánh nặng lên những người chiến đấu, làm việc ngoài biên giới, hải đảo.

Mỗi người chúng ta đều có việc của mình. Mỗi hội đoàn, tổ chức đều có thể tham gia thông qua hoạt động của mình.

Ngoài ngoại giao chính thức còn có ngoại giao nhân dân, ngoài truyền thông chính thức còn có truyền thông đại chúng... Và tất nhiên, mọi cách thể hiện đều phải thật tỉnh táo, sáng suốt.

Trong phạm vi hoạt động của mình, dù xuất phát điểm từ lòng yêu nước, Quỹ nghiên cứu biển Đông của chúng tôi luôn tiết chế cảm xúc để đảm bảo tiêu chí: cung cấp kiến thức, thông tin một cách khoa học, duy lý, phi chính trị.

Chúng tôi cung cấp một cái nhìn về chủ quyền Việt Nam trên biển Đông xuyên suốt lịch sử, bao quát khu vực, tầm quan trọng của địa chính trị... Có hiểu biết, mỗi người sẽ tự chuẩn bị cho vai trò của mình.

* Người dân có nhu cầu tìm hiểu vấn đề chủ quyền biển đảo, luật pháp quốc tế một cách toàn diện, khoa học hơn. Làm sao để đáp ứng được tốt hơn nhu cầu đó?

- Luật sư Lê Minh Phiếu: Thời gian vừa qua, truyền thông trong nước đã làm tốt, nâng cao được hiểu biết của người dân về biển đảo.

Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý phải phát triển thêm các kênh truyền thông ra nước ngoài, phải có đội ngũ chuyên nghiệp để cung cấp thông tin về chủ quyền Việt Nam trên các khía cạnh lịch sử, khoa học, pháp lý cho thế giới. Sự ủng hộ của quốc tế, các hành động đối ngoại chịu ảnh hưởng rất lớn của kênh truyền thông này.

Thi xếp hình bản đồ Tổ quốc

Ngày 18-1, Đoàn Trường THPT Thốt Nốt, Bình Thủy (Cần Thơ) tổ chức hội thi xếp hình bản đồ Việt Nam với hơn 1.000 học sinh tham gia.

Bí thư Đoàn trường Ngô Phước Nam cho biết các học sinh di chuyển, sắp xếp và biểu diễn trên nền nhạc cách mạng hào hùng. Một học sinh thuyết trình vị trí địa lý các vùng, miền, lãnh hải của Tổ quốc, thuyết trình đến nơi nào thì các em sẽ giơ cao lá cờ để người xem dễ nhìn, dễ hiểu.

“Các đội hình xuất sắc nhất hội thi sẽ được biểu diễn trong các buổi chào cờ hằng tuần, đồng thời khơi dậy niềm tự hào, phát huy truyền thống dân tộc, tinh thần yêu nước trong học sinh” - Ngô Phước Nam chia sẻ.

THÙY TRANG

PHẠM VŨ - VIỄN SỰ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên