Phố cổ Hà Nội |
Thông tin tới báo chí ngày 16-1, theo UBND quận Hoàn Kiếm, đề án giãn dân phố cổ Hà Nội nhằm mục tiêu giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 xuống 500 người/ha đến năm 2020, góp phần cải thiện môi trường đô thị, cải thiện đời sống nhân dân khu phố cổ, tạo thuận lợi để thực hiện bảo tồn, tôn tạo di tích…
Đề án này được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 được thực hiện với diện tích hơn 11 ha tại khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên), di dời 1.530 hộ dân. Sang giai đoạn 2, quận sẽ đề nghị TP bố trí quỹ đất 30 ha để di dời hơn 5.000 hộ dân, và sẽ kết thúc đề án vào năm 2020.
Trao đổi với báo chí về những vấn đề liên quan, ông Phạm Tuấn Long - đại diện Ban quản lý các dự án khu phố cổ cho biết, trong giai đoạn 1 sẽ tập trung vào các hộ gia đình đang sống trong các khu đình, đền, chùa, di tích, khu trường học, trụ sở các cơ quan trong địa bàn quận với khoảng 533 hộ.
Các đối tượng còn lại là các hộ dân sống tại các công trình đặc biệt cần bảo hộ, các hộ dân sống trong một nhà có đông hộ, nhà xuống cấp nguy hiểm.
Liên quan đến việc giải quyết công ăn việc làm cho các hộ dân sau khi di dời, ông Long cho biết, khu đô thị Việt Hưng được thiết kế với không gian tầng một dành cho chính người dân trong khu đô thị, tạo điều kiện để họ lập kiốt kinh doanh sinh sống.
Các vị trí này sẽ được nghiên cứu triển khai thành các khu vực kinh doanh theo chuyên đề, chủ đề, đặc biệt là tổ chức không gian sinh hoạt cộng đồng, đi bộ, tạo không gian xanh, cải thiện nhu cầu sinh hoạt của người dân…
Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ Lê Quỳnh Anh cho biết, tổng nguồn vốn đầu tư đề án khoảng 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Thành phố đã có quyết định chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án này.
Người thực hiện phải là nhà đầu tư có năng lực tài chính, có quyên môn để thực hiện dự án. Đồng thời họ sẽ được hưởng một số quyền lợi như vay vốn ngân hàng, ứng vốn trước để thi công dự án, sau khi hoàn thành sẽ bán nhà cho người dân khu phố cổ thu hồi vốn.
Thời gian thực hiện dự kiến, trong quý 3-2015 sẽ thi công và đến quý 4-2017 sẽ hoàn thành dự án giai đoạn 1.
Cùng trao đổi với báo chí về việc này, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lâm Quốc Hùng cho biết, 4 nhóm đối tượng trong diện di dời kể trên sẽ được hưởng chính sách GPMB nhà nước đang thực hiện với mức giá cao nhất 162 triệu đồng/m2, và được hưởng chính sách tái định cư tại nơi ở mới.
Phần diện tích sau khi thu hồi sẽ phục vụ mục đích chung.
Đối với các hộ dân diện tích đang ở rất bé, không đủ tiền mua căn hộ tái định cư thì sẽ được ở căn hộ tái định cư diện tích dưới 30m2 và không phải trả tiền.
Còn nếu có nhu cầu ở căn hộ trên 30m3 sẽ áp dụng chính sách trả chậm, hoặc có quyền được thuê mua căn hộ.
Đối với các hộ không đăng ký mua căn hộ, nhà nước sẽ hỗ trợ 100 triệu đồng ngoài tiền đền bù. Khi nhận nhà tái định cư, người dân có quyền bán, nhưng không được quay trở lại nơi ở cũ trong phố cổ.
Ông Hùng cũng cho biết, người dân đang rất trông chờ vào dự án này. Dù là khu tái định cư nhưng dự án này được thiết kế rất đẹp theo tiêu chuẩn, chất lượng đồng bộ, có 2 mặt nhìn ra ngoài và nội đô bên trong.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cũng cho rằng, nơi ở mới trong đề án giãn dân là nơi kết tinh về không gian phố cổ và không gian công cộng.
Toàn bộ khu phố cổ đang được tiến hành quy hoạch phân khu, sau đó thẩm định và sẽ trình UBND TP sau khi có ý kiến của Bộ Xây dựng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận