29/12/2014 13:25 GMT+7

​Thu phí xe máy là chưa thuyết phục

QUỐC THANH thực hiện
QUỐC THANH thực hiện

TT - Việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy hai bánh tại TP.HCM sẽ tiếp tục được thảo luận tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khai mạc sáng 30-12.

Đại biểu HĐND TP.HCM Trần Quang Thắng - Ảnh: Quang Định
Đại biểu HĐND TP.HCM Trần Quang Thắng - Ảnh: Quang Định

Đây là lần thứ hai vấn đề vốn còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận này tiếp tục được trình HĐND TP.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu HĐND TP TRẦN QUANG THẮNG nói:

- Có truyền thống là một TP năng động, đối với những chủ trương, chính sách chung của Nhà nước, nếu hợp lý thì chắc chắn TP.HCM sẽ đi đầu, đi nhanh trong thực hiện, nhưng quả thật quyết sách này (thu phí xe máy) có nhiều điều làm người dân cảm thấy chưa được thuyết phục, chưa hài lòng.

Cầm tờ trình lần thứ hai của UBND TP, tôi luôn tự hỏi tại sao chỉ với việc thu một khoản phí 50.000-150.000 đồng/chiếc xe máy/năm mà phải đưa cả hệ thống chính trị phục vụ cho việc thu loại phí này và cảm thấy năng lực xã hội chưa được dùng đúng trọng tâm.

Mặt khác, khi thực hiện thu, để đảm bảo hiệu quả và công bằng thì phải có cả một lực lượng các tổ, đoàn thể đến từng hộ gia đình kiểm tra việc kê khai, nộp phí; lực lượng công an cũng phải tham gia kiểm tra xe của người dân đã đóng phí hay chưa...

Nói chung, việc thực hiện có thể sẽ tạo nên một tâm lý xã hội rất căng thẳng. Trong khi đó, thực tế áp dụng cho thấy hiệu suất thu được ở các địa phương nhìn chung là rất thấp.

Nếu chưa hợp lý thì nên sửa

Nếu thật sự thấy chính sách chưa hợp lý thì cần tỉnh táo để nhìn nhận và sửa chữa, cụ thể là với việc thu phí xe máy hai bánh, theo tôi là chưa nhận được sự đồng thuận trong nhân dân sau một thời gian áp dụng

* Nhưng hiện chỉ còn TP.HCM chưa thu loại phí này do vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận, còn lại tất cả tỉnh thành đã thu rồi, thưa ông...

- Với xe máy hai bánh, người dân đang phải đóng năm loại phí, lệ phí, thuế. Tôi cho rằng trong việc thực hiện chủ trương thu loại phí này, tiếng nói của người dân chưa được quan tâm đúng mức.

Tất cả gánh nặng suy cho cùng cũng quy về người dân phải chịu đựng, phí càng lúc càng nặng hơn.

Tất cả quyết sách của Nhà nước cần có sự tham gia ngày càng tích cực hơn của người dân và đây cũng là điều mà chúng ta đang bước đầu thực hiện. Khi quyết sách gần gũi, đi vào lòng dân thì sự tự nguyện thực hiện của dân sẽ tốt hơn, khi đó cơ hội thành công của chính sách sẽ lớn hơn.

Nếu thật sự thấy chính sách chưa hợp lý thì cần tỉnh táo để nhìn nhận và sửa chữa, cụ thể là với việc thu phí xe máy hai bánh, theo tôi là chưa nhận được sự đồng thuận trong nhân dân sau một thời gian áp dụng.

* Người phát ngôn của UBND TP đã nói thẳng TP.HCM không mặn mà với việc thu phí xe máy vì nhận thấy người dân đang chịu quá nhiều sức ép từ các khoản thu.

Cũng vì lý do đó mà mấy năm qua TP.HCM cứ nấn ná mãi (chưa trình HĐND TP thông qua)... Là đại biểu của dân, ông nghĩ sao về lý do này?

- Tôi nghĩ phải tìm điểm chung để sự phát triển của TP được vững bền, ổn định, trong đó cơ sở lòng dân và sự đồng thuận xã hội trên mọi phương diện phải được xem trọng. Đó là chìa khóa chung cho mọi giải pháp.

Chấp hành là tốt nhưng hệ quả, hướng đi, kết quả sau cùng mới là cái quyết định, ở đó phải có sức thuyết phục và sự đồng thuận cao nhất.

Trước một chính sách đụng chạm đến đông đảo người dân, trước hết cần nghĩ thế nào để có sự vận dụng sáng tạo, có tính độc lập tương đối của địa phương nhưng vẫn đảm bảo trách nhiệm hài hòa với chính sách chung.

Tôi nghĩ đó là hướng mà chúng ta cần suy nghĩ nhiều hơn. Với trung ương, tôi cho rằng tạo điều kiện bằng chính sách, thể chế cho một địa phương phát triển tốt hơn thì cơ hội đóng góp sẽ nhiều hơn.

Có nhiều người dân cảm giác như cơ chế hành xử theo kiểu chỉ đạo còn cứng nhắc quá và tính phản biện của người dân, địa phương và các cộng đồng đối với những chính sách chung chưa đủ mạnh hay chưa được lắng nghe đầy đủ.

“Tôi sẽ phát biểu...”

* Ông sẽ phát biểu gì ở kỳ họp HĐND TP thứ 17 sắp tới, nơi tiếp tục xem xét việc thu phí xe máy?

- Đại biểu nhân dân thì trước hết phải vì lợi ích chính đáng của người dân mà hành động.

Đại biểu của dân cũng là dân, nên phải làm thế nào nhận thức được vấn đề thông qua sự đồng cảm và làm sao để đóng góp của mình được nhìn nhận là mang lại lợi ích tích cực, hiệu quả lâu dài cho dân.

Trên quan điểm đó, tôi thấy đây là một quyết sách (áp dụng thu phí xe máy) chưa có sức thuyết phục cao.

Lẽ dĩ nhiên, xét về yêu cầu đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương, bắt phải thi hành, chắc chắn tôi cũng là một trong số những người sẽ thi hành nghiêm chỉnh, nhưng trong lòng sẽ cảm thấy day dứt vì có điều gì đó chưa thấu tình hợp lý, còn thiếu lắng nghe người dân, lắng nghe thực tiễn.

Người dân bao giờ cũng trông đợi có những quyết sách sáng suốt, có tầm nhìn, gắn bó với dân, chia sẻ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho dân làm ăn, sinh sống...

* Trước thực tế đó, tại sao không đặt vấn đề HĐND TP cân nhắc thông qua một nghị quyết kiến nghị với trung ương xem xét lại tính khả thi, hiệu quả, sự đồng thuận xã hội... của việc thu phí xe máy, thưa ông?

- Tôi cho rằng đây là đề xuất hay, cần thảo luận nghiêm túc, thể hiện sự đột phá, nhận định có tính riêng, đi sát thực tế chứ không phải mang tính cá nhân, cục bộ.

Nếu chúng ta làm được điều này thì đây là bước đầu rất tốt để khuyến khích toàn dân đóng góp tốt hơn trong việc xây dựng thể chế của đất nước. Tôi ủng hộ 100% và sẽ phát biểu ở HĐND TP.

Tôi nghĩ cái đích cuối cùng là những điều gì không hợp lòng dân, chưa nhận được sự đồng thuận cao cần sớm được sửa đổi, bổ sung, cần thiết thì phải hủy bỏ, thay thế.

Nếu cần phải có một nguồn thu nào đó để bổ sung cho nguồn đầu tư hiệu quả thì nên chuyển vào hình thức thu qua xăng dầu (thay vì thu trực tiếp đối với từng hộ gia đình) thì người dân dễ đồng thuận hơn, hợp lý hơn, đi nhiều gây tác động hao mòn nhiều hơn lên cầu đường (đồng thời sử dụng nhiều xăng) thì phải có nghĩa vụ đóng góp nhiều hơn.

Mặt khác, một khi việc quản lý nhà nước, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng chưa hiệu quả như mong muốn thì việc thu thêm bất kỳ khoản nào trong dân cũng cần hết sức cân nhắc.

Ảnh: Quang Định
Ảnh: Quang Định

Ông TRƯƠNG THANH TÙNG (cử tri quận 1, TP.HCM):

Phải nghĩa tình với dân

Mỗi năm đóng 50.000-150.000 đồng, tôi nghĩ tất cả người dân TP đều đóng được, nhưng cần xét tận cùng có nên thu những khoản lặt vặt, manh mún trong dân hay không, làm mất sức bộ máy, ảnh hưởng đến sự đồng thuận chung.

Nếu cần phải thu, tốt nhất nên thu phí qua xăng dầu, người nào đi nhiều phải đóng nhiều, đồng thời phạt nặng hơn (cũng để có nguồn thu) đối với xe quá tải làm hư hỏng đường sá rất nhiều.

Tôi kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế khuyến khích, động viên như thế nào để các địa phương, trong đó đặc biệt là TP.HCM, có cơ chế phát triển tốt hơn để đóng góp bằng hai, ba... lần so với hiện nay, hơn là thực hiện một số chính sách thu lặt vặt làm mất sức bộ máy như tôi vừa nói.

Tôi nghĩ vấn đề này chính quyền nên đứng về phía người dân, nói lên tiếng nói của thực tiễn. TP.HCM không chỉ hướng tới sự văn minh mà cần phải nghĩa tình, trước hết phải nghĩa tình với người dân.

Tôi thấy nên để cho dân nghỉ ngơi, hưởng thụ được chút ít thành quả của sự nỗ lực và phấn đấu chung, đừng tiếp tục thu phí của dân nữa.

QUỐC THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên