28/11/2014 14:32 GMT+7

​Hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía tây

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - Tuyến đường Hồ Chí Minh từ Cao Bằng đến Cà Mau trải dài 3.183km qua 28 tỉnh và TP đang được triển khai xây dựng trên nhiều tỉnh.

Sơ đồ tuyến đường Mỹ An - Rạch Sỏi tương lai sẽ là đường cao tốc  

Nguồn: Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long - Đồ họa: V.Cường 

Theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 hình thành trên tuyến đường này một số đoạn làm đường cao tốc Bắc - Nam phía tây.

Trong đó, hai công trình lớn là xây cầu Cao Lãnh (qua sông Tiền) và cầu Vàm Cống (qua sông Hậu) đang được khẩn trương thi công.

Qua sông không còn lụy đò

Từ bến phà Cao Lãnh (Đồng Tháp) nhìn ra giữa sông Tiền cách khoảng 800m, công trường xây cầu Cao Lãnh hiện lên hoành tráng với hai giàn cầu dẫn bằng sắt dài nối từ đôi bờ sông Tiền bắc ra giữa dòng sông. Giữa trưa nắng gắt, hàng chục công nhân vẫn tấp nập thi công khoan cọc nhồi các trụ cầu ở đôi bờ sông.

Ông Nguyễn Văn Thanh, phó giám đốc điều hành dự án cầu Cao Lãnh - liên danh Công ty CRBC (Trung Quốc) và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kỹ thuật Vinaconex (nhà thầu thi công), cho biết công trình xây dựng cầu Cao Lãnh có quy mô lớn hơn cầu Mỹ Thuận vì trụ tháp cầu chính cao đến 117m và mặt cầu rộng 27,5m cho sáu làn xe lưu thông (bốn làn ôtô và hai làn xe máy).

Theo ông Thanh, đến trước Tết Nguyên đán 2015 sẽ hoàn thành toàn bộ khối lượng cọc khoan nhồi ở các trụ cầu. 

Chúng tôi lên chiếc canô ra giữa dòng sông Hậu, nơi đang có hàng chục công nhân đứng trên giàn giáo đưa chiếc lồng thép dài 34m nặng hàng chục tấn vào vị trí xây dựng trụ chính cầu Vàm Cống (Đồng Tháp - Cần Thơ) có độ sâu 117m.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng - giám đốc dự án cầu Vàm Cống (Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc, nhà thầu thi công), cho biết trụ tháp cầu Vàm Cống cao 150m, lớn hơn cầu Cần Thơ và là trụ cầu cao nhất cả nước. Đồng thời, chiếc cầu này cho sáu làn xe lưu thông (bốn làn ôtô và hai làn xe máy), lớn hơn cầu Cần Thơ.

Các kỹ sư ở công trình này cho biết công trình áp dụng nhiều công nghệ mới như xây dựng hệ thống bảo ôn - tạo nước lạnh làm mát trong quá trình trộn bêtông ximăng.

Theo đó, khi bêtông đưa ra công trường có nhiệt độ tối đa dưới 320C để bêtông không bị co ngót gây nứt nẻ. Đồng thời giúp việc thi công được liên tục thay vì bình thường phải canh thời tiết mát mẻ vào buổi sáng hoặc buổi tối mới đổ bêtông.

Hơn 500 công nhân thi công ba ca 24/24 giờ liên tục trên công trường nhằm đảm bảo tiến độ làm xong cầu Vàm Cống vào tháng 11-2017 để người dân không còn mất thời gian chờ phà Vàm Cống.

Sẽ là đường cao tốc

Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long - chủ đầu tư, cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống là dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long bao gồm năm dự án thành phần với tổng chiều dài 78km.

Trong đó gồm cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, tuyến tránh TP Long Xuyên (An Giang) và tuyến Mỹ An - Cao Lãnh (Đồng Tháp). Đây là dự án đặc biệt quan trọng để kết nối khu vực phía tây của đồng bằng sông Cửu Long tạo thành trục giao thông huyết mạch thứ hai song song với quốc lộ 1.

Ông Vương - cán bộ tư vấn Công ty CDM Smith ở cầu Cao Lãnh - cho biết khi cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống hoàn thành, người dân từ TP.HCM đi đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đến TP Tân An (Long An) rẽ vào đường Hồ Chí Minh đoạn đi Mỹ An - Cao Lãnh (một nhánh kết nối đường Hồ Chí Minh) đã hoàn thành xây dựng hai làn xe về An Giang hoặc về Kiên Giang sẽ rút ngắn ít nhất khoảng hai giờ (do không phải chờ phà Vàm Cống, phà Cao Lãnh và đường có rất ít đường cắt ngang nên xe chạy nhanh).

Trong khi đó, nếu đi quốc lộ 1 mất nhiều thời gian vì đường ngang quá nhiều và mật độ xe lưu thông đông đúc.

Theo chủ đầu tư dự án, đường N2 từ cầu vượt Củ Chi qua Đức Hòa, Đức Huệ (Long An) đến Mỹ An về đến Cao Lãnh (Đồng Tháp) là một nhánh của đường Hồ Chí Minh trong tương lai sẽ hình thành đường cao tốc Bắc - Nam phía tây.

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết, đường Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 2-2012, giai đoạn từ năm 2012-2020 đầu tư thực hiện khoảng 445km theo tiêu chuẩn đường cao tốc gồm các đoạn Đoan Hùng (Phú Thọ) đến Chợ Bến (Hòa Bình) dài 130km cho 4-6 làn xe, đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) đến Túy Loan (Đà Nẵng) dài 182km cho bốn làn xe.

Đặc biệt, đoạn từ Mỹ An (Đồng Tháp) đến Rạch Sỏi (Kiên Giang) dài 133km cho 4-6 làn xe lưu thông.

Dự kiến, năm 2015 Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long tiếp tục khởi công xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Cần Thơ - Kiên Giang) dài khoảng 30km nhằm kết nối tuyến từ cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống vào đường hành lang ven biển phía nam (sẽ thông xe vào cuối năm nay, nối liền VN, Campuchia và Thái Lan).

“Như vậy, với tuyến đường mới này từ TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ kết nối với các tỉnh miền Tây Nam bộ xuyên suốt đến Cà Mau sẽ góp phần chia sẻ lưu lượng và phá thế độc đạo cho quốc lộ 1” - ông Dương Tuấn Minh, tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, cho biết.

Năm 2017, thông xe cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống

Cầu Cao Lãnh được khởi công từ tháng 10-2013, bắc qua sông Tiền (cách bến phà Cao Lãnh khoảng 890m về phía hạ lưu và cách cầu Mỹ Thuận khoảng 35km). Cầu dài 2.014m, tốc độ thiết kế 80 km/giờ.

Dự án có tổng mức đầu tư 145 triệu USD, gồm vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc và vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á và vốn đối ứng VN. Phía Úc cho biết cầu Cao Lãnh sẽ là biểu tượng mang dấu ấn đặc biệt tiếp theo cầu Mỹ Thuận.

Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu có quy mô tương đương cầu Cần Thơ (cách bến phà Vàm Cống hiện hữu khoảng 2,5km về phía hạ lưu và cách cầu Cần Thơ khoảng 48km). Tổng chiều dài cầu 2,9km, trong đó cầu chính dài 870m, còn lại là đường dẫn vào cầu, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2017.

Tổng vốn đầu tư dự án là 271 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Hàn Quốc là 212 triệu USD, phần còn lại vốn đối ứng VN. 

 

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên