19/11/2014 15:08 GMT+7

"Nếu chủ quan, sẽ gây mất an toàn tài chính quốc gia"

C.V KÌNH
C.V KÌNH

TTO - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói như vậy trong phần báo cáo giải trình trước phiên chất vấn tại Quốc hội đang diễn ra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn chiều 19-11-2014
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn chiều 19-11

Toàn văn báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Mở đầu phiên chất vấn trước Quốc hội chiều 19-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo giải trình một số vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội và người dân quan tâm.

Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, tháng 11-2014, Thủ tướng nêu tình hình kinh tế xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi. Thị trường bất động sản có bước phục hồi.

Đáng lưu ý, Thủ tướng nêu cả năm nay, lạm phát sẽ tăng khoảng dưới 3%... GDP phấn đấu năm 2014 sẽ trên 5,8%.

Thời gian tới, Thủ tướng nêu Chính phủ sẽ tập trung điều hành cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng cường quản lý tài nguyên, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng...

Về nợ công, Thủ tướng khẳng định nợ công là vấn đề hệ trọng quốc gia và nêu các lý do: ảnh hưởng khủng hoảng tài chính suy thoái kinh tế toàn cầu, yếu kém nội tại, tăng trưởng của Việt Nam chậm lại.

VN chủ trương giảm thu, tăng chi cho đảm bảo an sinh xã hội. Trong khi đó, nhu cầu chi tăng mạnh để chi lương, tăng lương, tăng cường quốc phòng an ninh, chi trả nợ...

Chi thường xuyên cũng tăng, trong đó chi cho con người tăng, chi an sinh xã hội tăng 18%/năm.  

Quang cảnh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn chiều 19-11-2014
Quang cảnh nghị trường phiên trả lời chất vấn chiều 19-11 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 

Để đảm bảo ổn định vĩ mô, Thủ tướng nêu Đảng Nhà nước chủ động tăng vay, chú trọng tăng vay trong nước. 

Nợ công vẫn trong giới hạn an toàn

Nhắc lại việc Quốc hội đã quy định trần nợ công đến 2015 không quá 65% GDP, Thủ tướng nêu nợ công đã tăng nhanh từ 51,7% năm 2010 và cuối 2015 sẽ lên 64% GDP nhưng khẳng định mức nợ này vẫn trong giới hạn an toàn cho phép (theo quy định Quốc hội).

Việt Nam đã thành nước có thu nhập trung bình nên vay ODA lãi suất thấp, thời hạn dài giảm, nên Chính phủ đã tăng vay trong nước.

Do chỉ số giá tăng, nên nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ tăng nhanh trong ngắn hạn. Việt Nam đã trả nợ đúng hạn.

Trong điều kiện vĩ mô ổn định, Thủ tướng công nhận có đảo nợ, nhưng là vay mới có lãi suất thấp hơn, thời gian dài hơn và điều này không làm tăng số nợ công, vẫn phù hợp thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, Thủ tướng công nhận nợ công đã sát trần cho phép, tình trạng tham nhũng lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, tỷ trọng thu ngân sách trên GDP giảm, chi thường xuyên tăng nhanh, bội chi cao đã gây lo lắng, bức xúc xã hội. Nếu chủ quan, sẽ gây mất an toàn tài chính quốc gia.

Thời gian tới, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ đặc biệt quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Sẽ quản lý chặt nợ công, nhất là khoản vay mới. 

Thủ tướng nêu sẽ kiểm soát chặt nợ doanh nghiệp nhà nước; nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng công trình hạ tầng quan trọng, trong quy hoạch. Sẽ chủ động ngăn ngừa, xử lý nghiêm hành vi tiêu cực. Đồng thời, khẩn trương cơ cấu lại nợ công, các khoản vay mới chủ yếu sẽ phải từ 5 năm trở lên...

Thủ tướng khẳng định nợ công dự kiến năm 2016 sẽ đạt mức cao nhất là 64,9%, các năm sau sẽ giảm dần, đến 2020 sẽ chỉ còn 60,2% GDP.

Thủ tướng công nhận hầu hết đánh giá môi trường kinh doanh của VN đều dưới mức trung bình. Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới 2013 cũng xếp VN đứng thứ 99, nhiều chỉ số rất thấp, như tiếp cận điện năng thứ 155, nộp thuế thứ 138...

Cải thiện môi trường kinh doanh, giảm nghèo

Để cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết. Ngay năm 2014 đưa doanh nghiệp kê khai thuế điện tử từ 65 lên 95%, thời gian nộp thuế giảm còn 247 giờ/năm. Phấn đấu 2015 thời gian thông quan giảm từ 21 ngày, còn 13-14 ngày. Thời gian nộp bảo hiểm giảm 100 giờ.

Về giảm nghèo nhanh, bền vững, Thủ tướng nêu nhiều chính sách còn trùng lặp, tổ chức hiệu quả chưa cao, chưa đủ nguồn lực thực hiện chính sách đề ra, kết quả giảm nghèo chưa bền vững... Có huyện vẫn 60-70% hộ nghèo.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ hạn chế những yếu kém, điều chỉnh chuẩn nghèo theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế. Sẽ chú trọng giải pháp hỗ trợ để người nghèo vươn lên, đưa chính sách đặc thù để giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Sẽ nghiên cứu nâng mức khoán trong bảo vệ, trồng rừng... 

Từ 16g, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời trực tiếp các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Đã có 20 đại biểu đăng ký chất vấn. Mở đầu, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) hỏi về giải pháp phát triển đồng bằng Sông Cửu Long trên cơ sở liên kết vùng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công nhận liên kết vùng là cần thiết để phát huy, khai thác tiềm năng, tăng hiệu quả đầu tư, khắc phục trùng lắp...

Thủ tướng đã giao Bộ KH-ĐT chủ trì xây dựng quy chế liên kết các vùng kinh tế đất nước nhưng mới dừng ở quy chế thí điểm các vùng, trong đó có vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Nhưng Thủ tướng công nhận việc liên kết khó, như muốn tập trung xây dựng nhà máy rác ở một, hai chỗ thôi, vì công suất nhà máy rác nhỏ không hiệu quả, nhưng tỉnh nào cũng muốn có nhà máy rác...

Thủ tướng nêu đồng bằng sông Cửu Long cần liên kết phát huy lợi thế là lúa gạo, cá tra, ba sa, tôm, trái cây.

Việc liên kết hình thành chuỗi giá trị thì vừa có lợi cho nông dân, hiệu quả sẽ nâng lên. Nội dung tiếp theo là liên kết sử dụng bền vững nguồn nước, ứng phó hiệu quả lũ. Liên kết cũng để giải quyết thách thức như mặt bằng giáo dục nhiều chỉ số thấp hơn cả nước. “Nơi nào cũng muốn có trường đại học hết thì không biết làm sao” - Thủ tướng nói.  

Tuy nhiên, dù đã rõ sự cần thiết, nội dung cần hợp tác, nhưng Thủ tướng nêu với thể chế và luật pháp hiện nay, cơ chế hợp tác vẫn rất khó khăn.

“Dự thảo đi dự thảo lại nhiều lần, nhưng thấy ban hành cũng khó khả thi. Thực sự đang lúng túng. Cơ chế liên kết sẽ cần thảo luận thêm” - Thủ tướng nói.

Việc lập một bộ về biển cũng khó làm được

Đại biểu Đỗ Văn Đương, TP.HCM nêu vai trò của biển Việt Nam và biện pháp phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh trên biển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ “biển quan trọng thế nào tất cả chúng ta đều biết”.

Ông cho biết Chính phủ đã có chương trình, kế hoạch hành động Nghị quyết của Đảng về biển, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm chủ quyền quốc gia trên biển. Cho rằng việc thực hiện đã đạt nhiều kết quả nhưng Thủ tướng công nhận so với yêu cầu, mong muốn thì vẫn chưa đạt, cần làm tốt hơn, trong đó có đầu tư phát triển kinh tế biển để bảo vệ chủ quyền.

“Chính phủ đang và sẽ tiếp tục làm, căn cứ vào khả năng ngân sách, căn cứ vào nợ công, đã có cả kế hoạch đầu tư”. Còn việc bớt đầu tư trên bộ, đầu tư trên biển, Thủ tướng cho rằng như thế sẽ khó rạch ròi.

“Có khi đầu tư trên bộ là cho biển. Nên cần thực hiện có chiến lược, có quy hoạch, kế hoạch” - Thủ tướng nói.

Việc đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị cần lập Bộ về biển, Thủ tướng nêu sẽ ghi nhận và cho biết nhiều người cũng nêu vấn đề này. Nhưng lập một Bộ biển, tất cả lĩnh vực kinh tế biển, bảo đảm an ninh, tài nguyên trên biển một bộ cũng khó làm được.

Theo Thủ tướng, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển không thể chỉ một bộ. Ông cho biết hiện Bộ Tài nguyên - Môi trường giao quản lý tài nguyên, khai thác thủy sản thì Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn...

C.V KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên