17/11/2014 08:05 GMT+7

​Chất vấn thấu đáo vấn đề nóng

L.KIÊN - V.V.THÀNH - V.SỰ ghi
L.KIÊN - V.V.THÀNH - V.SỰ ghi

TT -Từ chiều nay (17-11), Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn gì tại kỳ họp này? Tuổi Trẻ gặp gỡ một số đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng sẽ trả lời chất vấn nhiều nội dung về hạ tầng giao thông. Trong ảnh: ông Thăng trả lời kiến nghị của người dân thôn Sơn Du, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh (Hà Nội) về việc làm hầm chui dân sinh qua đường Nhật Tân - Nội Bài ngày 8-11 - Ảnh: Như Quỳnh

* Ông NGUYỄN VĂN TUYẾT (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội):

Ảnh: Việt Dũng
Chưa thấy bộ trưởng đề cập trách nhiệm cá nhân của mình với tư cách chịu trách nhiệm hoạch định chính sách, chiến lược 
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết 

Hỏi giải pháp, đáp thực trạng

Tôi đã gửi tới Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng câu hỏi: “Công nghiệp phụ trợ được coi là lĩnh vực quan trọng đối với công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp phụ trợ thời gian qua VN chưa đáp ứng kịp, lúng túng, thiếu định hướng cụ thể, phần sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đang phải nhập khẩu. Theo báo cáo của Viện Chiến lược công nghiệp, tỉ lệ linh kiện, phụ kiện sản xuất trong nước mới chỉ đạt 27,8%, trong khi đó Thái Lan đã đạt 60%, Trung Quốc đạt 50%...

Với trách nhiệm là tư lệnh ngành, xin bộ trưởng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp của bộ trưởng trong thời gian tới để đến năm 2020 VN trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Văn bản trả lời bộ trưởng gửi cho tôi khá dài, trong đó thừa nhận năng lực và công nghệ sản xuất của phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ VN còn nhiều hạn chế. Đến nay, các doanh nghiệp nội địa mới chỉ cung ứng được khoảng 10% nhu cầu nội địa về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Có một số ngành tỉ lệ đạt cao là xe máy, máy nông nghiệp, dệt may và da giày...

Tuy nhiên, các linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ khá thường do các doanh nghiệp có vốn đầu tư đảm nhiệm. Văn bản trả lời trình bày tám nguyên nhân, như là dung lượng thị trường của VN chưa đủ lớn để đảm bảo quy mô công suất sản xuất kinh tế đối với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; môi trường kinh tế vĩ mô chưa kích thích, tín dụng cao, lợi nhuận thấp; năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước yếu; chất lượng nguồn nhân lực thấp; chính sách bất cập...

Rồi bộ trưởng cho biết bộ đang chuẩn bị dự thảo nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ để tới đây trình Chính phủ, mục đích là để ươm tạo và bồi dưỡng doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các tập đoàn toàn cầu; đưa ra các chính sách thuế và tín dụng ưu đãi...

Tôi chưa hài lòng với cách trả lời như vậy. Bộ trưởng chỉ mô tả thực trạng, phân tích nguyên nhân thì không rõ, đặc biệt là chưa thấy nêu nguyên nhân chủ quan dẫn đến yếu kém, bất cập của ngành công nghiệp hỗ trợ trong suốt thời gian dài vừa qua.

Cũng chưa thấy bộ trưởng đề cập trách nhiệm cá nhân của mình với tư cách là tư lệnh của ngành, chịu trách nhiệm hoạch định chính sách, chiến lược. Đọc phần trả lời như vậy thì không thấy tương lai nào xán lạn cho ngành công nghiệp phụ trợ của VN, không thấy kế hoạch nào để có thể cạnh tranh với Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia...

Tôi sẽ tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vào chiều 17-11.

* Đại biểu HUỲNH NGỌC ĐÁNG (Bình Dương):

Ảnh: Việt Dũng
Tôi muốn bộ trưởng phải đưa ra giải pháp chắc chắn, phải cố gắng làm sao để giải quyết vấn đề này
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng

Tôi muốn bộ trưởng đưa ra giải pháp chắc chắn

Lần chất vấn ở kỳ họp này, tôi có nhiều câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, tôi nghĩ các đại biểu khác cũng sẽ dành nhiều câu hỏi từ thực tế đời sống cho bộ trưởng Bộ Công thương.

Câu hỏi lớn nhất của tôi xoay quanh vấn đề công nghiệp phụ trợ đang rất yếu, bao nhiêu năm nay vẫn không cung ứng được đủ cho các nhà máy của doanh nghiệp trong nước lẫn FDI mà chuyện “con ốc vít” vừa qua là một ví dụ.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng từng nói sẽ cố gắng để cải thiện nhưng chưa đạt kế hoạch như mong muốn thì bây giờ sẽ thế nào? Bộ Công thương trong thời gian dài đã làm gì để nền kinh tế của chúng ta thiên về lắp ráp nhưng đến nay vẫn không ăn thua, không vượt lên được?

Vấn đề thứ hai là Bộ Công thương có chiến lược gì để thay thế những thị trường truyền thống nhưng có đẳng cấp thấp như thời gian qua? Đó là những thị trường bán gì họ cũng mua, chất lượng thế nào cũng chịu. Nhưng nói thật là chơi với họ nhiều dở người ra.

Bộ Công thương cần trả lời thấu đáo, nhất là trong bối cảnh VN sắp gia nhập nhiều hiệp định thương mại mang tính toàn cầu, yêu cầu khắt khe hơn.

Với Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, tôi sẽ hỏi vấn đề lương, đời sống công nhân viên chức, đặc biệt là năm 2015 sẽ tăng lương cơ bản. Tăng lương như thế chừng mực nào là đã đúng chưa, khi mà mức tăng như vậy vẫn chưa đúng lộ trình tăng lương đã tính toán, chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.

Thứ hai là xung quanh việc còn khiếu nại nhiều trường hợp chính sách nhưng do thiếu thủ tục quy định, ví dụ như thiếu người làm chứng, thiếu giấy tờ này kia, vô phương...

Bên cạnh đó lại là tình hình gian lận hồ sơ để được hưởng chính sách cũng diễn ra ngày một nhiều, cử tri rất bức xúc. Tôi muốn bộ trưởng phải đưa ra giải pháp chắc chắn, phải cố gắng làm sao có một bước nhảy vọt, khả dĩ để giải quyết vấn đề này.

* Ông TRẦN NGỌC VINH (phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng):

Ảnh: Việt Dũng
Mong muốn của cử tri cũng như của đại biểu là phải chất vấn thấu đáo các vấn đề nóng đang đặt ra từ thực tiễn
Đại biểu Trần Ngọc Vinh

Cần tăng thời lượng chất vấn

Một trong những băn khoăn của tôi và nhiều vị đại biểu Quốc hội là thời lượng dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp không nhiều. Trong khi đó, mong muốn của cử tri cũng như của đại biểu là phải chất vấn thấu đáo các vấn đề nóng đang đặt ra từ thực tiễn.

Tôi ví dụ lần này Thủ tướng và bốn bộ trưởng sẽ đăng đàn, mong muốn của chúng tôi là chuẩn bị câu hỏi kỹ lưỡng để chất vấn tất cả thành viên Chính phủ, nhưng do thời lượng có hạn nên không phải mình cứ đăng ký là được chất vấn mà còn phải dành cho đại biểu khác. Cho nên chúng tôi chỉ có thể chọn một, hai vấn đề quan trọng để chất vấn một đến hai bộ trưởng sao cho phù hợp với thời gian cho phép.

Tôi cho rằng để đáp ứng được yêu cầu giám sát ngày càng cao của người dân hiện nay, Quốc hội nên tăng số lượng vị bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn, ví dụ là năm hoặc sáu bộ trưởng và kéo dài thêm thời lượng một ngày, như vậy sẽ có nhiều bộ trưởng trả lời chất vấn hơn.

* Đại biểu CAO SĨ KIÊM (Thái Bình):

Ảnh: Việt Dũng
Ông Thăng nên ở nhà nhiều hơn là chạy ra đường giải quyết mấy việc mà đôi khi hơi lặt vặt
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm

Bộ trưởng không phải chỉ giải quyết vụ việc

Tôi cho rằng lần này Quốc hội chọn Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ra trả lời chất vấn có một phần lý do là để bộ trưởng “giãi bày tâm tư”, muốn tạo nên một xung lực cho các bộ trưởng khác.

Tôi đánh giá Bộ trưởng Thăng là con người của hành động, công việc, nhưng tôi muốn đặt cho bộ trưởng câu hỏi là sẽ làm gì có thể đúc kết những hành động ấy thành cơ chế, chứ không phải chỉ là đi giải quyết vụ việc.

Theo tôi, ông Thăng nên ở nhà nhiều hơn là chạy ra đường giải quyết mấy việc mà đôi khi hơi lặt vặt. Việc làm ấy là tốt, nhưng tốt hơn là anh có thể thông qua bộ máy, cấp phó của anh để đốc thúc.

Bộ trưởng Đinh La Thăng có cái tốt là thấy việc nào không hay là muốn trị ngay, tuyên bố ngay. Nhưng làm sao mà anh có thể chạy hết mọi công trình được, giải quyết từng vụ việc, xốc vác mỗi ngày được?

Phải đúc kết được thành cơ chế thì các ngành khác mới tham khảo được. Vì nếu chỉ là hành động mà không đưa ra cơ chế thì ngành ngân hàng không thể bắt chước ngành giao thông, người dân đi vay tiền không vay được mà cũng gọi thống đốc thì hỏng ngay.

Cho nên, Bộ trưởng Thăng cần phải đưa ra quy chế chứ không phải giải quyết cho được việc mỗi mình mình. Không nên làm kiểu như hòn đá ném ao bèo, đến khi hết động lực thì co lại.

Thứ hai tôi cũng muốn đặt vấn đề là việc Bộ trưởng Thăng thỉnh thoảng tuyên bố sẽ cách chức cấp dưới, điều đó cũng tốt, là nghiêm khắc. Nhưng việc cách chức cán bộ là có quy trình, từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài, phải có sự đồng thuận.

Tôi cũng lo là một số nơi Bộ trưởng Đinh La Thăng đến chỉ đạo thì việc trôi chảy, nhưng sau khi ông Thăng đi rồi thì bộ máy lại không vận hành trơn tru nữa.

Thủ tướng và 4 bộ trưởng trả lời chất vấn

Thông tin từ Văn phòng Quốc hội cho biết Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng là người nhận được nhiều câu hỏi nhất từ các đại biểu tại phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội lần này.

Ông Hoàng cũng là người sẽ đăng đàn trả lời đầu tiên trong số bốn bộ trưởng trả lời chất vấn tại kỳ họp này, bắt đầu từ 14g25 hôm nay 17-11.

Tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền sẽ trả lời chất vấn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trả lời chất vấn sau cùng, vào cuối buổi chiều 19-11. Các phiên chất vấn sẽ được truyền hình và phát thanh trực tiếp trên sóng VTV1, VOV1.

Trước khi bốn bộ trưởng và Thủ tướng trả lời chất vấn, vào sáng nay Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Tiếp đó, các đại biểu sẽ cho ý kiến về báo cáo này.

Sau nội dung chất vấn, phiên thảo luận về đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông vào sáng 20-11 sẽ được truyền hình và phát thanh trực tiếp trên sóng VTV1 và VOV1.

VIỄN SỰ

Ý kiến cử tri

* Ông Nguyễn Thiện (TP.HCM):

Đại biểu cần thể hiện chính kiến

Thời gian qua, các vấn đề về giáo dục, y tế, văn hóa, đất đai, chống tham nhũng, tình hình chủ quyền biển đảo... là các nội dung được người dân đặc biệt quan tâm, có nhiều thắc mắc nhưng không hiểu sao lần này các bộ trưởng y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa - thể thao - du lịch, tài nguyên - môi trường, quốc phòng... không có trong danh sách các thành viên Chính phủ phải trả lời chất vấn?

Cử tri cũng yêu cầu các đại biểu Quốc hội truy đến tận cùng để làm sáng tỏ từng vấn đề đặt ra. Nếu thành viên Chính phủ cứ trả lời vòng vo, loanh quanh, không đúng trọng tâm, đại biểu không thỏa mãn thì cần thể hiện ý kiến của mình là “bộ trưởng trả lời như thế, tôi không đồng ý” hay “bộ trưởng trả lời như thế, tôi không thể giải thích với cử tri” ngay tại phiên chất vấn chứ không phải sau đó phát biểu bên hành lang Quốc hội với phóng viên.

* GS Trần Đông A (TP.HCM):

Hội nhập và đổi mới giáo dục nhanh hơn

Điều tôi quan tâm hiện nay là làm thế nào để hội nhập nhanh hơn, nhiều lĩnh vực phải bỏ thuế, trong khi việc cổ phần hóa các công ty trong nước diễn ra rất chậm. Một vấn đề khác là giáo dục cứ ì ạch, chưa hướng đến được việc đổi mới toàn diện. Tôi mong muốn Thủ tướng đề ra được những giải pháp cho hai vấn đề này.

* Ông Nguyễn Trọng Đạt (TP.HCM):

Việc phục vụ dân chưa có nhiều chuyển biến

Mỗi khi có việc tiếp xúc với cán bộ công chức nhà nước thì chúng tôi không được phục vụ đúng nghĩa, mà thường phải năn nỉ, xin xỏ các cán bộ. Cán bộ, công chức hưởng lương ngân sách từ tiền thuế của dân thì phải phục vụ dân, nhưng họ thường không nghĩ như vậy. Việc cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ công chức đã được nói nhiều lần, nhưng đến nay, nhất là ở cấp địa phương, vẫn gần như không có nhiều chuyển biến.

Điều tôi mong muốn ở bộ trưởng Bộ Nội vụ trong kỳ họp này là làm sao để các cán bộ công chức hiểu đúng vai trò và nghĩa vụ của mình để công tác tiếp xúc dân ở cơ sở được tốt hơn.

Chúng tôi mong rằng mọi nỗ lực cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ công chức để phục vụ tốt hơn cho nhân dân.

* Ông Nguyễn Văn Trọng (Vĩnh Long):

Phải có giải pháp quyết liệt xử lý tai nạn giao thông

Vì sao những công trình giao thông do người dân giám sát thi công thì chất lượng rất tốt, còn công trình có vốn đầu tư khổng lồ thì mau xuống cấp? Tôi cho rằng đó là do giám sát thi công không làm hết trách nhiệm, thậm chí là có móc ngoặc để tiêu cực với nhà thầu.

Đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng lưu ý vì nếu không xử lý nghiêm các giám sát công trình ở những nơi cầu đường chất lượng kém thì không chỉ gây ra lãng phí rất lớn cho Nhà nước - thực tế là tiền thuế của dân - mà còn làm cử tri mất lòng tin.

Vấn đề an toàn giao thông hiện nay cử tri cũng rất bức xúc. Tôi nghĩ bộ trưởng phải tập trung tìm nguyên nhân và chấn chỉnh liền. Tại sao để người dân gọi xe container, xe tải ben, xe buýt... là hung thần xa lộ?

Rồi các công trình thi công ì ạch, không rào chắn, không đảm bảo an toàn khiến nhiều người chết oan. Bộ trưởng cũng biết chuyện này rồi. Cử tri rất cần bộ trưởng đưa ra được những biện pháp thật quyết liệt để xử lý giúp người dân yên tâm ra đường đi làm kiếm sống.

* Ông Trương Thanh Đức (Hà Nội):

Cần biết số lượng lao động Trung Quốc tại VN

Một trong những vấn đề rất nóng hiện nay đó là việc người lao động nước ngoài đang có mặt tại VN, và tôi thấy rằng Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã không đưa ra được con số thật nhất về tỉ lệ người thất nghiệp ở VN cũng như số người lao động nước ngoài đang ở VN.

Điều chúng tôi lo lắng là hàng ngàn lao động không phép đang hiện diện khắp nơi trên đất nước VN rồi lấy vợ, sinh con, mua nhà và lập làng sinh ra những phố toàn người nước ngoài ở.

Trong khi thực tế lao động VN thất nghiệp, thiếu việc làm thì không thể có việc khiến người dân bình thường nhất cũng cảm thấy lo lắng, bất an.

Giờ không ai đếm được có bao nhiêu lao động Trung Quốc không phép đang làm việc ở VN. Chúng tôi cần có số liệu thống kê xem bao nhiêu, trường hợp nào đúng pháp luật, trường hợp nào không đúng thì phải trục xuất chứ không để sống nhởn nhơ như thế, như dân tỉnh này sang tỉnh khác.

H.ĐIỆP - V.TR. ghi

[poll width="400px" height="300px"]42[/poll]

L.KIÊN - V.V.THÀNH - V.SỰ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục