21/10/2014 10:50 GMT+7

​Bảo hiểm du lịch đánh đố khách hàng?

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Sau bài báo “Bảo hiểm du lịch: mua dễ, khó đòi” (Tuổi Trẻ ngày 18-10), nhiều bạn đọc khác cũng cho biết đã gặp nhiều khó khăn trong việc đòi bồi thường từ Công ty bảo hiểm AIG VN.

Bà N.T.M.D. được các nhân viên cấp cứu Nhật sơ cứu và đưa đến bệnh viện - Ảnh: Trần Xuân Hùng

Theo các du khách này, khi mua bảo hiểm, Công ty bảo hiểm AIG VN không yêu cầu khách phải cung cấp giấy chứng nhận sức khỏe, các quy định bắt buộc phải tuân thủ khi vào bệnh viện ở nước ngoài điều trị. Đến khi về VN làm thủ tục bồi thường với bảo hiểm thì bị từ chối vì thiếu những giấy tờ trên.

Vào bệnh viện tại Mỹ, nợ tiền Úc?

Ngày 20-10, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Xuân Hùng cho biết mãi đến ngày 2-6, AIG VN mới gửi đến công ty bản phụ lục hợp đồng giải thích các quy định và câu chữ trong hợp đồng đã ký trước đó. Tuy nhiên, theo ông Hùng, trong hợp đồng cho cả năm được công ty ký với AIG VN từ tháng 1-2014, AIG đã không yêu cầu công ty này phải cung cấp giấy chứng nhận sức khỏe của du khách trước khi đi du lịch và cũng không thông báo đây là điều kiện đủ để được bồi thường bảo hiểm nếu có sự cố.

Bà Trần Thị Thủy Tiên (Q.6, TP.HCM) cho biết trước khi đưa ba mẹ sang Mỹ thăm thân nhân và du lịch (từ ngày 12-5 đến 12-8) đã chủ động mua bảo hiểm du lịch của Công ty bảo hiểm AIG để phòng bất trắc.

Đến đầu tháng 8-2014, bà Nguyễn Thị Ý, mẹ của bà, đột ngột bị choáng váng và ói nên được đưa vào bệnh viện ở bang Massachusetts cấp cứu.

Sau khi kiểm tra sức khỏe, siêu âm, làm thêm vài xét nghiệm thì bà Ý khỏe lại, bác sĩ bệnh viện yêu cầu bệnh nhân nghỉ ngơi thêm một thời gian rồi đưa cho bà Thủy Tiên một toa thuốc mua để uống hỗ trợ trong thời gian ra viện.

Tổng cộng chi phí cho lần vào bệnh viện này gần 600 USD. Tuy nhiên khi về VN, AIG VN không đồng ý chi trả cho bà Tiên các chi phí này với lý do không có giấy ra viện và các xét nghiệm y tế liên quan.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Tiên cho rằng AIG VN đã gây khó khăn và đánh đố khách hàng. Theo bà Tiên, cũng là người làm trong ngành y tế, việc AIG VN yêu cầu gia đình bà cung cấp giấy ra viện và các xét nghiệm y tế để định bệnh là không hợp lý vì bệnh viện chỉ cung cấp cho bà những giấy tờ mà bà đã nộp lại trong hồ sơ yêu cầu bồi thường cho công ty bảo hiểm.

“Tôi không thể yêu cầu bệnh viện cung cấp những thông tin cá nhân của bệnh nhân nhưng với tư cách là công ty bảo hiểm đang xử lý hồ sơ của khách, AIG VN nếu cần kiểm chứng hoàn toàn có thể yêu cầu phía bệnh viện cung cấp các giấy tờ liên quan. Vậy mà họ lại yêu cầu khách hàng phải cung cấp các bằng chứng này” - bà Tiên thắc mắc.

Chưa hết, sau khi đến văn phòng AIG VN làm việc về các thủ tục bồi thường, bà Tiên được một nữ nhân viên đang thụ lý hồ sơ của bà Ý thông báo gia đình bà vẫn còn nợ của bệnh viện hơn 1.000 đô Úc (!?).

“Tôi đi du lịch Mỹ làm sao lại thiếu tiền Úc? Nếu có thiếu tiền, liệu tôi có thể rời khỏi bệnh viện và ra khỏi nước Mỹ được không?” - bà Tiên bức xúc.

Đến ngày 20-10, AIG VN vẫn chưa đưa ra lời giải thích cho bà Tiên về việc trái khoáy này cũng như từ chối thanh toán các chi phí mà gia đình bà đã chi trả trong thời gian lưu lại Mỹ, nếu không cung cấp được giấy ra viện và các mẫu xét nghiệm.

Không xác định bệnh, không trả tiền

“Từ tháng 4 đến nay, sau khi cung cấp tất cả thông tin liên quan đến trường hợp du khách N.T.M.D. phải vào bệnh viện cấp cứu do bị ngất xỉu khi sang Nhật dự hội nghị, AIG VN vẫn chưa đồng ý thanh toán các chi phí này vì không có giấy xác nhận bệnh” - ông Trần Xuân Hùng, giám đốc Công ty du lịch Viking (Q.1, TP.HCM) và là trưởng đoàn 26 khách Việt ở Tokyo (Nhật Bản) từ ngày 1 đến 6-4, bức xúc kể.

Mở tập hợp đồng bảo hiểm và phụ lục hợp đồng mà AIG VN gửi công ty, ông Hùng cho biết sau khi ăn tối ở một nhà hàng tại Tokyo vào ngày 6-4, bà N.T.M.D. (một bác sĩ) bị choáng váng, bất tỉnh ngã xuống.

Các thành viên trong đoàn đã để bà nằm yên và gọi cấp cứu đến hỗ trợ. Bà D. sau đó được đưa đến một bệnh viện cấp cứu, chụp X-quang và kiểm tra sức khỏe. Đến khoảng 23g cùng ngày, sức khỏe bà D. đã tốt hơn nên bác sĩ cho xuất viện. Về VN, đại diện Công ty Viking đã thực hiện các thủ tục để được bồi hoàn chi phí hơn 300 USD cấp cứu bà D., nhưng phía AIG từ chối vì không có giấy chẩn đoán của bác sĩ bệnh viện.

Trả lời khách hàng, đại diện AIG VN cho biết đã xem xét các chứng từ mà Công ty Viking cung cấp nhưng không tìm thấy chẩn đoán của bác sĩ về triệu chứng bệnh của khách N.T.M.D. 

Theo AIG VN, giấy chẩn đoán (hoặc chứng từ y tế có ghi chẩn đoán của bác sĩ) là chứng từ bắt buộc theo quy định hợp đồng mà khách hàng cần phải cung cấp cho công ty, và là cơ sở để công ty đánh giá trường hợp đau ốm của khách hàng có thuộc phạm vi bảo hiểm của hợp đồng.

Nếu thiếu những chứng từ này, “công ty rất tiếc chưa thể tiếp tục xem xét”. Với những chứng từ mà Công ty Viking cung cấp hoàn toàn không thể hiện khách hàng N.T.M.D. bị ngất xỉu tại Nhật và nguyên nhân của việc ngất xỉu do bệnh lý nào.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng AIG VN đã không sòng phẳng với khách hàng, bởi trong hợp đồng đã ký ban đầu không đưa ra các yêu cầu như AIG giải thích.

“Trường hợp khách bị ngất xỉu tại Nhật là việc không ai mong muốn, chúng tôi đã kịp thời đưa vào bệnh viện cấp cứu, chứng từ phía bệnh viện cung cấp đã được đưa hết cho bảo hiểm xem xét để bồi thường theo đúng hợp đồng. Sao lại đánh đố chúng tôi?” - ông Hùng nói.

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên