24/08/2014 11:14 GMT+7

Nụ cười Võ Thị Thắng sống mãi

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Được tổ chức theo nghi thức cấp cao nhưng ở tang lễ bà Võ Thị Thắng còn là sự ấm áp, thân tình.

Những câu chuyện về “nụ cười Võ Thị Thắng” được nhiều đồng chí, đồng đội của bà chia sẻ trong lễ tang - Ảnh: Tiến Long
Những câu chuyện về “nụ cười Võ Thị Thắng” được nhiều đồng chí, đồng đội của bà chia sẻ trong lễ tang - Ảnh: Tiến Long

Và nụ cười đã làm lừng danh cái tên Võ Thị Thắng lại xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc trong lễ tang của bà.

Nụ cười trên di ảnh vẫn tươi nguyên như từng tươi nở khi đối diện với án tù ngày thiếu nữ, từng rạng rỡ vượt qua bao nhiêu khó khăn, sóng gió những năm tham gia lĩnh vực kinh tế cũng như chính trường.

Nụ cười được các bạn bè, đồng chí ngắm lui ngắm tới trong những tập ảnh tư liệu, kể đi kể lại trong những câu chuyện hàn huyên. Nụ cười được nhắc đến tràn ngập trên những dòng chia buồn ghi trong sổ tang... Ngày mai bà sẽ an nghỉ mãi mãi trong lòng đất mẹ, nhưng “nụ cười Võ Thị Thắng” vẫn sẽ sống mãi.

Nụ cười, nước mắt, niềm tin

Như sau này bà kể lại, lúc đứng trước những mũi súng của tòa án quân sự mặt trận lưu động vùng III chiến thuật của chính quyền Sài Gòn, nghe tuyên án 20 năm, cô gái Võ Thị Thắng 23 tuổi đã thoáng nghĩ: “Vậy là hết cả một tuổi trẻ”.

Nhưng rồi niềm tin vào lý tưởng, vào đồng chí đã mau chóng xóa tan bóng đen ấy của nuối tiếc để nụ cười chiến thắng nở ra tươi rỡ và đi vào lịch sử.

Cùng với nụ cười, niềm tin của Võ Thị Thắng cũng sống mãi. Niềm tin ấy đã giúp bà đi qua hết những khốc liệt của tháng ngày tù ngục, vượt qua những khó khăn thiếu thốn những ngày đầu hòa bình, những con sóng dữ, khúc ngoặt ngược của thời kinh tế thị trường, đổi mới, hội nhập.

Trong những tấm ảnh được lưu lại, tấm nào cũng ghi lại đúng nụ cười rất tươi ấy của bà, mọi nơi, mọi lúc. Nụ cười ấy đồng hành cùng bà mở ra những nụ cười tươi hơn nữa của ngành du lịch.

Vậy nhưng Võ Thị Thắng cũng có lúc rơi nước mắt. Đó là giọt nước mắt khi phải đứt ruột giao con còn nhỏ cho chồng để ra Hà Nội học. Đó là giọt nước mắt trước những khó khăn chất lên như núi của những năm “đêm trước đổi mới”... Những lúc ấy lại là niềm tin giúp bà. Tin vào lý tưởng. Tin vào đồng chí, đồng đội. Tin vào bản thân.

Hành trình mấy mươi năm cùng với lý tưởng, hi vọng, vừa nhọc nhằn với nước mắt, vừa thong dong với nụ cười ấy của bà chưa khi nào thiếu sự đồng hành của ông, người bạn đời lý tưởng: luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Song song cho đến mãi mãi

“Tôi là người của hành động. Yêu thương, tình nghĩa mấy thì vẫn phải thể hiện qua hành động. Năm ngoái, khi vừa trở về sau chuyến công tác Trường Sa thì biết vợ đã phải nhập Bệnh viện Thống Nhất vì những biểu hiện mất trí nhớ bất thường, sau đó là phát hiện khối u kịch độc trong não. Từ đó tôi trở thành người chăm bệnh, gần như 24/24 giờ tôi ở bên bà ấy” - ông Thuận chia sẻ.

Ông có thể kể lại rành rọt từng ngày giờ những diễn biến căn bệnh sinh tử của bà suốt 17 tháng qua và không quên nhắc đến những người bạn: Bà Mai Thị Hạnh (phu nhân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - PV), cô Hoa Lệ, Saigontourist, ngành du lịch, Thành ủy... đã quyên góp để giúp gia đình trang trải chi phí cho ca phẫu thuật tại Singapore.

Bạn bè cựu tù, các chị hội phụ nữ không có nhiều tiền thì tổ chức lễ cầu an. Thuốc nam, thuốc bắc... bạn bè mách bảo, mang đến tặng để đầy nhà. Tôi nhớ hoài lời bà Tám Hồng (Nguyễn Thị Hồng, phó chủ tịch UBND TP.HCM - PV) nói: “Anh chị sống như thế nào chúng em biết hết. Chị bệnh thì chúng em phải lo”. Kể ra, về hưu hơn bảy năm rồi mà được thương như vậy cũng mát ruột.

Ông không chỉ tạm hoãn rất nhiều hoạt động của mình để ở bên vợ, không chỉ kiên nhẫn với từng chén cháo, muỗng thuốc, không chỉ chịu đựng những cơn nóng tính thỉnh thoảng bà bỗng bột phát vì tác động của thuốc, mà ngày ngày ông còn phục vụ con người xã hội của bà bằng cách ngồi bên giường đọc cho bà nghe từng bài báo, cập nhật từng mẩu tin đáng quan tâm.

Nhờ vậy mà trong lúc khối u cứ lớn lên, chèn ép các nơron thần kinh thì bà Võ Thị Thắng vẫn thông suốt tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, vẫn góp những ý kiến sắc sảo của mình vào những bản kiến nghị, đề xuất của đồng đội.

Việc cuối cùng mà ông làm là hoàn tất tâm nguyện: “Sống hai vợ chồng cùng đi song song, chết sẽ cùng nằm song song” của bà. Với những bạn bè thân đến chia buồn hôm nay, với ai ông cũng mở điện thoại cho xem tấm ảnh chụp hai cái huyệt đã được đào, xây song song nhau ở quê nhà Rạch Rích, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. “Đấy là nơi chôn nhau cắt rốn của Thắng, ngày mai cô ấy lại về đó an nghỉ và đợi tôi” - ông nói.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục