23/02/2014 08:28 GMT+7

Xây dựng mạng lưới chuyên gia phản biện xã hội

V.V.THÀNH thực hiện
V.V.THÀNH thực hiện

TT - Giới khoa học sẽ tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội như thế nào sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về hoạt động này? Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với ông Phạm Bích San - phó tổng thư ký kiêm trưởng ban tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta).

Ông San nói:

Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hộiĐồng lòng hành động mới thành công Đề nghị tổ chức phản biện đề án chính quyền đô thị TP.HCM

BQlF3vQq.jpgPhóng to
Ông Phạm Bích San - Ảnh: V.V.Thành

- Với giới trí thức thì chuyện tham gia ý kiến vào các vấn đề, các hiện tượng đang diễn ra trong xã hội là lẽ tự nhiên. Và thật ra hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đã được Vusta thực hiện lâu nay. Lần này Chính phủ có quyết định mới thì chúng tôi hiểu rằng đó là sự tin tưởng, kỳ vọng vào giới khoa học kỹ thuật.

Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy có những nhà lãnh đạo khi điều hành một cuộc họp mà thấy rằng các ý kiến thống nhất quá thì họ yêu cầu họp lại, bao giờ xuất hiện ý kiến khác mới được. Vai trò của người lãnh đạo là quyết định trên cơ sở các ý kiến khác nhau đó. Theo tôi nghĩ, nước ta trong điều kiện một Đảng cầm quyền thì vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội của các tổ chức khoa học là hết sức quan trọng. Tất cả đóng góp đều vì mục đích chung là sự tiến bộ, trách nhiệm cuối cùng thuộc về người ra quyết định.

* Vusta được tham gia ý kiến vào những vấn đề gì?

"Theo tôi nghĩ, nước ta trong điều kiện một Đảng cầm quyền thì vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội của các tổ chức khoa học là hết sức quan trọng"

Ông PHẠM BÍCH SAN

- Rất rộng, từ các đề án về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng cho đến các chương trình, dự án lớn ở tầm quốc gia hoặc các tỉnh thành. Tuy nhiên, hằng năm chúng tôi phải lên kế hoạch những vấn đề trọng tâm cần tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Thông thường qua ba bước, đầu tiên là tranh luận mở xem nên làm gì, tiếp đó là các hội thành viên của Vusta đề xuất lên, cuối cùng trình lãnh đạo quyết định. Ngoài ra, Chính phủ, các bộ ngành, Ban Kinh tế Trung ương Đảng, rồi các ủy ban của Quốc hội... cũng “đặt hàng” chúng tôi tham gia ý kiến cho những vấn đề cụ thể.

Một nguồn nữa rất quan trọng là từ cuộc sống, từ dư luận xã hội và thông tin trên báo chí. Cuộc sống luôn sôi động, khi nảy sinh vấn đề nào đó cần ý kiến của các nhà khoa học thì chúng tôi luôn sẵn sàng trong khả năng của mình. Ví dụ như trước đây, vấn đề xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam không có trong kế hoạch năm, nhưng khi dự án được trình ra Quốc hội và dư luận quan tâm thì chúng tôi đã nghiên cứu và có ý kiến của mình, sau đó Quốc hội quyết định dừng lại như chúng ta đã biết.

* Tới đây Vusta sẽ tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội vấn đề cụ thể nào?

- Chúng tôi đã dự kiến một số nhóm vấn đề, sẽ trình lãnh đạo Vusta cho ý kiến chính thức. Cụ thể như tham gia việc đánh giá tổng thể nền kinh tế Việt Nam trong 30 năm qua, nhìn lại cả về thực tiễn cũng như về đổi mới tư duy... Rồi vấn đề chính sách năng lượng quốc gia, khả năng phát triển điện nguyên tử ở Việt Nam. Các vấn đề về đảm bảo lợi ích của người nông dân trong quá trình phát triển đất nước, về số liệu thống kê quốc gia, về quản lý thực phẩm chức năng... Chúng tôi đã và đang tham gia ý kiến vào dự án sân bay quốc tế Long Thành theo hướng cần thiết xây dựng sân bay này, sự quá tải không cần nhìn đâu xa mà ngay trong dịp tết vừa qua mọi người đã chứng kiến.

Việc tư vấn, phản biện và giám định xã hội suy cho cùng là tham gia ý kiến vào vấn đề nào đó, làm sâu sắc vấn đề hơn từ vị trí khách quan, độc lập của mình. Phản biện xã hội không đơn thuần là phản đối, nếu trong quá trình đó có ý kiến khác nhau là bình thường.

Để thực hiện quyết định của Chính phủ, chúng tôi cần ba yếu tố: thứ nhất là xây dựng mạng lưới chuyên gia; thứ hai là thông tin, phản biện mà không có thông tin thì rất khó, cho nên chúng tôi hi vọng Quốc hội sẽ sớm ban hành Luật tiếp cận thông tin; thứ ba là kinh phí hoạt động.

* Vusta lấy kinh phí từ đâu để thực hiện nhiệm vụ nêu trên?

- Từ nhiều nguồn, các tổ chức thành viên thì lấy từ các hợp đồng tư vấn, rồi từ kinh phí “đặt hàng” của các bộ ngành và từ ngân sách. Thông thường mỗi năm chúng tôi được cấp khoảng 5-6 tỉ đồng. Hiện nay hoạt động chủ yếu trông chờ vào sự nhiệt tình của các nhà khoa học.

* Lâu nay những phản biện xã hội của Vusta có gặp phản ứng nào không?

- Có chứ, khi phản biện thì có thể người này thấy bình thường nhưng người kia không hài lòng. Nhưng giới khoa học nói cho cùng không phải trong nhóm lợi ích nào, chúng tôi phát biểu trên cơ sở khoa học.

V.V.THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên