20/12/2011 06:30 GMT+7

Đồng thuận đề nghị nghỉ thai sản 6 tháng

LAN ANH
LAN ANH

TT - Nhiều ý kiến tại một hội thảo của Quốc hội mới đây đã đồng thuận cho việc đề nghị nâng thời gian nghỉ sinh lên sáu tháng.

66Fc9w1R.jpgPhóng to
Mẹ thêm thời gian nghỉ thai sản, con sẽ thêm thời gian được bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời -Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Hôm qua 19-12, tại hội thảo về các giải pháp hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu, do Quốc hội, Bộ Lao động - thương binh & xã hội, Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại VN đồng tổ chức, các ý kiến đều đồng thuận đề xuất nâng thời gian nghỉ sinh cho bà mẹ lên sáu tháng thay vì bốn tháng như hiện nay.

Nghỉ sinh sáu tháng

Khi xây dựng dự thảo Luật lao động mới (dự kiến được Quốc hội thông qua năm 2012), đề xuất nâng thời gian nghỉ hộ sản lên sáu tháng đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối vì lo giới chủ doanh nghiệp sẽ “ngại” tuyển dụng lao động nữ. Tuy nhiên theo khảo sát mới nhất của Tổng liên đoàn Lao động VN trình bày tại hội thảo này, đa số chủ doanh nghiệp được hỏi ý kiến đều đồng tình với đề xuất nâng thời gian nghỉ hộ sản lên sáu tháng cho lao động nữ.

Tại các khu công nghiệp, khảo sát này cho hay lao động nữ đều có xu hướng xin nghỉ thêm một đến hai tháng sau sinh (ngoài bốn tháng theo chế độ hiện hành) do không có nhà trẻ nhận trông trẻ dưới 6 tháng, không nhận được sự giúp đỡ của người thân trong việc trông con, tiền thuê người trông trẻ quá cao so với thu nhập và cần thêm thời gian chăm sóc con. Trường hợp lao động nữ nghỉ hộ sản thêm để trông con, khảo sát này cho hay họ có thể bị mất việc vì doanh nghiệp bố trí lao động khác thay thế.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh & xã hội, chính với lý do này nên quy định tăng thời gian nghỉ hộ sản của lao động nữ rất cần quy định thành luật, để họ có đủ thời gian nghỉ mà vẫn được đảm bảo vị trí công việc, không bị doanh nghiệp làm khó dễ. Ông Diệp cho biết đang có ba phương án được đề xuất cho thời gian nghỉ hộ sản với lao động nữ: giữ nguyên như hiện hành là bốn tháng, tăng lên thành sáu tháng và linh hoạt cho nghỉ sáu tháng, nhưng chị em nào muốn đi làm khi đã nghỉ sinh được bốn tháng cũng được chấp nhận. Hai tháng đi làm sớm, chị em sẽ hưởng hai lương, một do bảo hiểm xã hội chi trả, một do doanh nghiệp chi trả.

“Tuy nhiên tôi cho rằng không nên áp dụng phương án linh hoạt, do việc nâng thời gian nghỉ hộ sản nhằm đảm bảo thời gian chăm sóc con và cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu, cải thiện tầm vóc, sức khỏe của trẻ. Nếu thực hiện chế độ linh hoạt, bà mẹ đi làm lại cần thêm giấy chứng nhận không đủ sữa cho con bú, rất khó cho hệ thống chứng nhận và kiểm tra có đúng bà mẹ không đủ sữa hay không, chưa kể nhiều bà mẹ cũng muốn đi làm sớm để được hưởng hai lương”- ông Diệp nêu ý kiến.

Khoảng trống bà mẹ nông thôn

Chế độ nghỉ thai sản của một số nước trên thế giới

Úc: 1 năm

Campuchia: 90 ngày

Ấn Độ: 12 tuần

Trung Quốc: 90 ngày

Nhật Bản: 14 tuần

Philippines: 60 ngày

Bỉ: 126 ngày

Đan Mạch: 18 tuần (bảo hiểm xã hội trợ cấp 100% thu nhập trong 100 ngày có thể cho bố hoặc mẹ hưởng)

Pháp: 16-26 tuần

Hi Lạp: 16 tuần

Hungari: 24 tuần

Ba Lan: 16-18 tuần

Nga: 140 ngày

Anh: 14-18 tuần

Theo ông Nguyễn Hải Hữu, cục trưởng Cục Chăm sóc bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động - thương binh & xã hội), việc đề xuất nâng thời gian nghỉ hộ sản lên sáu tháng cho lao động nữ cần thêm đề xuất cho chị em hưởng nguyên lương và phụ cấp nếu có. Tuy nhiên, ông Hữu lo ngại nhóm phụ nữ ở nông thôn, phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức sẽ không được nhận những ưu việt từ bộ luật lao động mới.

“Tôi đề xuất trợ cấp cho chị em (không tham gia bảo hiểm xã hội) có chồng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, quân nhân hoặc cán bộ công an cũng được trợ cấp trong thời gian nghỉ sinh, mức trợ cấp là 30-50% lương tối thiểu hằng tháng. Mức trợ cấp đề xuất của Hội Phụ nữ 100.000đ/tháng là quá thấp” - ông Hữu nói.

Song nếu bộ luật lao động mới có quy định hỗ trợ cho nhóm phụ nữ này, thì vẫn còn khoảng 500.000 bà mẹ (là nông dân, buôn bán nhỏ...) sinh con hằng năm chưa được nghỉ sinh và cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu như khuyến cáo, cần xem xét có quy định hỗ trợ nhóm chị em này.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, quỹ thai sản, ốm đau thuộc nhóm quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn, dành chi trả cho người tham gia bảo hiểm nghỉ hộ sản, bị ốm đau trong năm và hiện còn dư hằng năm khoảng 1/4 quỹ, hoàn toàn có khả năng chi trả nếu đề xuất nâng thời gian nghỉ hộ sản lên sáu tháng được áp dụng. Nên chăng có thêm hình thức bảo hiểm cho phụ nữ ở nông thôn để họ được chi trả khi nghỉ sinh.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Trọng An, phó cục trưởng Cục Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, lần đầu tiên cơ quan này sẽ có đề án thí điểm tổ chức nhà trẻ cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, trước mắt là tại hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Công nhân lương thấp, không đủ tiền nuôi con, nuôi người giúp trông con và gặp rất nhiều khó khăn khi có con nhỏ.

“Người Nhật đã nghiên cứu và thấy nếu người lao động yên tâm làm việc, năng suất lao động sẽ cao hơn, tránh được tai nạn lao động. Giờ đến lúc phải thực hiện quy định nhà máy, khu công nghiệp phải có thiết kế dành cho nhà trẻ, trường mẫu giáo mới được cấp phép”- ông An nói.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên