Phóng to |
Số vụ tai nạn giao thông và thiệt hại trong năm 2010 Ảnh: Nguyễn Kim - Đồ họa: Vĩ Cường |
“Tai nạn giao thông vẫn đang là vấn đề nghiêm trọng” - ông Hồ Nghĩa Dũng, bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đánh giá như vậy tại hội nghị an toàn giao thông toàn quốc ngày 28-12.
Tại hội nghị, ông Thân Văn Thanh - chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho biết từ đầu năm đến nay cả nước xảy ra gần 15.000 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết trên 11.000 người, bị thương hơn 10.500 người. So với năm 2009 tăng 1.788 vụ, giảm 47 người chết và tăng khoảng 2.500 người bị thương. Trong đó đường bộ xảy ra nhiều TNGT nhất. Nếu tính trung bình thì số người thiệt mạng mỗi ngày do TNGT là hơn 31 người. Riêng TP.HCM năm 2010 có 785 người chết, giảm 74 người; Hà Nội có 735 người chết, giảm 89 người.
Tăng mức phạt, chú trọng tuyên truyền
Theo đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng - cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, mặc dù đã tăng mức phạt nhưng vẫn chưa đủ mạnh để răn đe, tạo ý thức tự giác cho người tham gia giao thông. Ông Dũng cho rằng với các lỗi vi phạm nặng và hành vi vi phạm lặp lại thì cần tăng thời hạn thu hồi giấy phép lái xe từ 30 ngày lên 90 hoặc 120 ngày hay vĩnh viễn. Để xử phạt tốt hơn và nghiêm minh hơn thì phải thống kê số lần vi phạm của từng lái xe, cần thí điểm xây dựng dữ liệu vi phạm luật giao thông của lái xe để xử lý theo hướng tăng nặng khi vi phạm ba lần trở lên.
Thượng tướng Lê Thế Tiệm - thứ trưởng Bộ Công an - nhấn mạnh: cả năm chỉ giảm 47 người chết là không đạt như mong muốn nhưng thể hiện nỗ lực lớn khi đầu phương tiện gia tăng nhanh trong điều kiện hạ tầng hiện nay. Ông Tiệm nhận định để đảm bảo an toàn giao thông cần có quá trình lâu dài và nếu thiếu chiến lược vĩ mô thì trong tương lai cũng không có hiệu quả.
Theo ông Tiệm, giải pháp đầu tiên là điều chỉnh bố trí dân cư. “Việc tự do cư trú là đúng nhưng cần có những điều kiện để hạn chế người nhập cư vào các đô thị, không để tình trạng một người có hộ khẩu lại kéo theo mười người khác cùng nhập khẩu, làm tăng mật độ dân cư đô thị trong khi hạ tầng chưa đáp ứng được. Đồng thời phải có giải pháp kiềm chế sự gia tăng phương tiện cá nhân trong đô thị hiện nay. Ông Tiệm cũng yêu cầu xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả hành vi đua xe ngay từ đầu. “Phương tiện đua xe cần tịch thu và bán để lấy tiền hỗ trợ trẻ em nghèo” - ông Tiệm nói.
Với lực lượng cảnh sát giao thông, ông Tiệm đề nghị phải khôn khéo, xử sự có văn hóa, lịch sự với dân khi thực hiện công vụ. “Trường hợp thanh niên không đội mũ bảo hiểm bỏ chạy thì không nên đuổi theo mà chỉ cần ghi biển số xử lý sau, tránh những tai nạn, tổn thất không đáng có và gây bức xúc dư luận”.
Phóng to |
Một vụ TNGT gây chết và bị thương nhiều người trên cung đường đen dẫn vào hầm nam Hải Vân, Đà Nẵng Ảnh: Đ.Nam |
Kém quyết liệt
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nói năm 2007 TNGT tăng cao, Chính phủ ra nghị quyết kiềm chế TNGT và nhờ thực hiện ráo riết nên năm 2008 giảm 1.539 người chết. Nhưng từ năm 2009 do thực hiện kém quyết liệt nên chỉ giảm 78 người chết và năm 2010 giảm 47 người, không đạt được mục tiêu giảm 5% số người chết.
Ông Dũng cũng lý giải khảo sát ở 100 quốc gia về TNGT thì thấy có khoảng 1,2 triệu người chết mỗi năm, bình quân mỗi nước có 12.000 người chết. VN vẫn không phải là nước có tỉ lệ người chết nằm trong nhóm cao. Dù vậy, TNGT đang là vấn đề rất nghiêm trọng đối với nước ta nên năm 2011 phải đặt ra mục tiêu giảm 3% số người chết, giảm các vụ TNGT nghiêm trọng gây chấn động, bức xúc trong xã hội. Giải pháp để đạt được mục tiêu này vẫn là ưu tiên tuyên truyền đều khắp trong cả nước, nhất là chú trọng tuyên truyền cho học sinh trong nhà trường.
Để hạn chế TNGT do hạ tầng, ông Dũng đề nghị đảm bảo duy tu đường sá. Thi công công trình phải an toàn và hoàn trả mặt đường tốt, tránh tình trạng gây “hố tử thần” như ở TP.HCM. “Tai nạn xảy ra do hạ tầng kém là một lẽ, nhưng có khi có hạ tầng tốt vẫn xảy ra tai nạn vì tổ chức giao thông không tốt, không ngăn chặn được tình trạng vi phạm đi lại lộn xộn như đại lộ Thăng Long, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương” - ông Dũng nhấn mạnh.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Công diễn chùm hài kịch "Giao thông - quốc nạn"300 xe “chôn chân” tại hầm Hải VânChờ đèn xanh, 3 người chết thảm dưới gầm xe benLật xe khách, 20 hành khách bị thương nặngXe cẩu "đụng đầu" xe khách, một người chếtXe container “phá rào chắn” tông xe bồnXem bản tin tiếng Anh
------------------------------------
Hai “điểm đen” trên cung đường qua hầm Hải Vân Với chiều dài chưa đến 4km nhưng cung đường từ cửa hầm phía nam đến trạm thu phí phía nam Hải Vân được giới tài xế lẫn lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Đà Nẵng liệt vào danh sách “điểm đen”, đặc biệt là tại vị trí hai cầu số 6 và số 7 trên cung đường này. Theo số liệu của CSGT Công an Đà Nẵng, trong hơn năm năm qua đã có không dưới 100 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cung đường này. Lý giải nguyên nhân hai cầu số 6 và số 7 trở thành “điểm đen” về tai nạn giao thông, trung tá Lê Ngọc Dinh (trạm CSGT Kim Liên, Công an TP Đà Nẵng) cho rằng đây là cung đường hẹp, lại bị che khuất tầm nhìn, trong khi đó đường từ cửa hầm Hải Vân nam đổ ra lại dốc, nhiều tài xế khi ra khỏi hầm chủ quan tăng tốc nên khi gặp chướng ngại vật không thể làm chủ được, dẫn đến tai nạn giao thông. Đồng quan điểm này, trung tá Mai Phước Hùng (đội trưởng đội CSGT Liên Chiểu, Đà Nẵng) nói hầu hết xe đều vượt tải trọng, khi ra khỏi cửa hầm các lái xe đều cho xe chạy vượt tốc độ, khi gặp xe chạy ngược chiều thì nhiều lái xe không thể xử lý kịp tình huống. Để xóa bỏ “điểm đen”, theo trung tá Lê Ngọc Dinh, ngành giao thông phải tiếp tục giải tỏa các chướng ngại vật gây khuất tầm nhìn trên cung đường này, đồng thời lắp đặt nhiều hơn nữa các gương cầu cũng như mở đường cứu nạn để kịp giải nguy cho những xe mất thắng khi ra khỏi đường hầm. Chống “cung đường đen” bằng dải phân làn xe Theo ông Lê Toàn - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, kinh nghiệm này đã được rút ra từ việc đầu tư dải phân làn xe trên quốc lộ 22. Quốc lộ 22 được bàn giao quản lý về Sở Giao thông vận tải TP từ năm 2004, sau khi được đầu tư nâng cấp mở rộng tổng chiều dài tuyến trên địa bàn TP.HCM 29,12km, bắt đầu từ vòng xoay ngã tư An Sương đến giáp ranh tỉnh Tây Ninh. Con đường này trước đây được xem là một trong những “cung đường đen”. Theo số liệu thống kê, từ năm 2000-2004, quốc lộ này là một trong những tuyến đường có số vụ tai nạn giao thông cao nhất TP, trung bình mỗi năm xảy ra 126 vụ, xu hướng năm sau tăng hơn năm trước với các lỗi vi phạm như lấn làn, lưu thông quá tốc độ, lưu thông ngược chiều... Sau khi tiếp nhận quản lý, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã đầu tư xây dựng thêm dải phân cách phân làn xe hai bánh và xe cơ giới (đoạn từ vòng xoay An Sương đến đường Giáp Hải) với bề rộng 3-6m được tách biệt với làn xe cơ giới bằng dải phân cách bêtông. Sau khi xây dựng thêm dải phân cách, tình hình tai nạn giao thông trên đường giảm rõ rệt. Theo số liệu thống kê từ năm 2005-2010, trung bình mỗi năm chỉ còn xảy ra 32 vụ (giảm 94 vụ). Như vậy, qua thực tế tại TP.HCM cho thấy hầu hết các tuyến đường có làn dành riêng cho xe hai bánh hoặc có làn xe hỗn hợp tách riêng với làn xe cơ giới thì tình trạng mất an toàn giao thông giảm rất nhiều và các tai nạn xảy ra ít nghiêm trọng hơn. Trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải TP tiếp tục nghiên cứu tách làn xe hai bánh trên quốc lộ 1A tại một số đoạn có mặt cắt ngang phù hợp (từ sáu làn xe trở lên) trên xa lộ Hà Nội... Long An, Tiền Giang: tăng cường CSGT để xóa “điểm đen” tai nạn giao thông Ông Dương Quốc Xuân, chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết trong năm 2010, các cơ quan chức năng đã tập trung xóa thành công các “điểm đen” nhức nhối nhiều năm liền trên quốc lộ 1A như đoạn qua huyện Bến Lức, Thủ Thừa và TP Tân An. Các biện pháp xóa “điểm đen” là tăng cường lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; lắp đặt đèn tín hiệu và biển báo giao thông; tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân địa phương. Tuy nhiên, ở địa phương này đang xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông ở các tuyến tỉnh lộ và đường nông thôn, trong đó có tới 90% số vụ liên quan đến xe gắn máy. Theo thượng tá Nguyễn Văn Dũng - phó Phòng CSGT Công an Tiền Giang, năm qua tỉnh đã tập trung toàn lực để xóa các ”điểm đen” về tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 1A dài hơn 70km qua địa bàn tỉnh. Kết quả, nhiều “điểm đen” ở An Hữu, An Cư, thị trấn Cái Bè (huyện Cái Bè), Tân Hương (huyện Châu Thành), Bình Phú, Nhị Mỹ, Nhị Quý (huyện Cai Lậy) được xóa. “Cách làm chính là tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm” - ông Dũng cho biết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận